Thị trường tài chính 24h: Tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm chạp tại một số ngân hàng

VN-Index nhích nhẹ; Bức tranh tăng trưởng tín dụng phân hóa; Khi cổ đông lớn không còn chi phối; Thế khó của doanh nghiệp phân bón; Số liệu lạm phát mới mang lại kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 17/5 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng trở lại đúng 100.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 87,50 – 90,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 5,9 USD xuống 2.379,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên trên 2.390 USD trước khi lùi về quanh 2.380 USD/BTC vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,73 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.239 đồng/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.150 – 25.450 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 64.900 USD lên 65.200 USD thì sang ngày hôm nay có thời điểm hạ nhiệt nhẹ, nhưng đã bật tăng lên 66.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,04 USD (-0,05%), xuống 79,19 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,01 USD (-0,01%), xuống 83,26 USD/thùng.

VN-Index tăng nhẹ

Sau nửa đầu phiên rung lắc, thị trường có lúc đã tăng lên gần 1.275 điểm nhờ dòng tiền sôi động, với điểm nóng là nhóm cổ phiếu chăn nuôi.

Tuy nhiên, một số mã bluechip “quay xe”, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng, đã khiến VN-Index nhanh chóng thu hẹp biên độ và có thời điểm thủng tham chiếu trước khi bật lên trên 1.270 điểm vào những phút cuối.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 18,06 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng 868,29 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 17/5: VN-Index tăng 4,33 điểm (+0,34%), lên 1.273,11 điểm; HNX-Index tăng 1,53 điểm (+0,64%), lên 241,54 điểm; UPCoM-Index tăng 0,37 điểm (+0,4%), lên 93,07 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên thứ Năm (16/5), sau khi có thời điểm trong phiên đạt mức đỉnh mới.

Áp lực điều chỉnh diễn ra sau khi Dow Jones có lúc đã vượt mốc tâm lý 40.000 điểm, trong khi S&P 500 cũng đã tăng lên mức cao kỷ lục mới sau khi lần đầu tiên đóng cửa trên mốc 5.300 điểm, còn Nasdaq Composite ghi nhận mức cao mọi thời đại tại gần 17.000 điểm.

Kết thúc phiên 16/5: Chỉ số Dow Jones giảm 38,62 điểm (-0,09%), xuống 39.869,38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,05 điểm (-0,21%), xuống 5.297,10 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 44,07 điểm (-0,26%), xuống 16.698,32 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đã giảm, khi tâm lý thị trường thận trọng hơn do sự không chắc chắn về con đường chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,34% xuống 38.787,38 điểm và tăng 1,46% trong tuần. Chỉ số Topix tăng 0,30% lên 2.745,62 điểm.

Thị trường để mắt đến hoạt động của BOJ hôm nay, vì đó là một phần của thước đo cho con đường chính sách của họ, Yugo Tsuboi, chiến lược gia trưởng tại Daiwa Securities cho biết.

Cổ phiếu liên quan đến chip tiếp tục giảm, với Tokyo Electron mất 2% để trở thành lực cản lớn nhất đối với Nikkei 225. Cổ phiếu nhà sản xuất silicon Shin-Etsu Chemical giảm 1,52%.

Ở chiều ngược lại, Toyota Motor tăng 2,51% và trở thành cổ phiếu nâng đỡ lớn nhất cho Topix. Trong khi Mitsubishi UFJ Financial Group và Sumitomo Mitsui Financial Group tăng lần lượt 2,04% và 3,44%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, khi giới đầu tư vẫn trong trạng thái lạc quan sau những động thái giải cứu thị trường bất động sản.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,01% lên 3.154,03 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,03% lên 3.677,97 điểm.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết đang thực hiện cắt giảm lãi suất cho những người mua căn nhà thứ nhất và thứ hai. Thông báo được đưa ra sau khi các quan chức ở Bắc Kinh báo cáo sự yếu kém dai dẳng trong nền kinh tế, đặc biệt là trong ngành bất động sản.

Chính phủ dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo về chính sách bất động sản vào cuối ngày thứ Sáu.

Chứng khoán Hồng Kông tăng, với kỳ vọng gia tăng hy vọng về việc Bắc Kinh sẽ cung cấp nhiều hỗ trợ chính sách hơn, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,91% lên 19.553,61 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,92% lên 6.934,70 điểm.

Các nhà phát triển bất động sản là một trong những nhóm tăng mạnh nhất, với China Evergrande Group, nhà phát triển nợ nần nhiều nhất thế giới với khoản vay hơn 300 tỷ USD, tăng gần 18%, trong khi China Vanke, một tập đoàn bất động sản nguy cấp khác, tăng 19,4%.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà đầu tư chốt lời sau đợt tăng gần đây nhờ kỳ vọng gia tăng về việc Fed cắt giảm lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 28,38 điểm, tương đương -1,03% xuống 2.724,62 điểm.

Kết thúc phiên 17/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 132,88 điểm (-0,34%), xuống 38.787,38. điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 31,63 điểm (+1,01%), lên 3.154,03 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 177,08 điểm (+0,91%), lên 19.553,61 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 28,38 điểm (-1,03%), xuống 2.724,62 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Bức tranh tăng trưởng tín dụng phân hóa

Quý đầu năm nay, các ngân hàng thương mại tiếp tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm chạp. Tương ứng với diễn biến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, mức sinh lời của các cổ phiếu cũng có sự phân hóa mạnh..>> Chi tiết

- Khi cổ đông lớn không còn chi phối

Tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài quá cao khiến nhiều doanh nghiệp không thể tổ chức đại hội cổ đông thành công nhiều lần, ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh, huy động vốn, triển khai dự án...>> Chi tiết

- Thế khó của doanh nghiệp phân bón

Cho dù giá đầu vào tăng mạnh, đẩy giá thành sản xuất tăng, doanh nghiệp phân bón khó có thể tăng giá đầu ra tương ứng vì có thể gây khó khăn rất lớn cho ngành sản xuất nông nghiệp..>> Chi tiết

- Số liệu lạm phát mới mang lại kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9

Áp lực lạm phát đã giảm bớt trong tháng 4, nhưng tiến độ này có thể chưa đủ để thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm thực hiện cắt giảm lãi suất..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-toc-do-tang-truong-tin-dung-cham-chap-tai-mot-so-ngan-hang-post345419.html