Thiên thần nhân đạo trong Thế chiến 2

Irena Stanislawa Sendler đã cứu rất nhiều người Do Thái, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, khỏi các khu tập trung.

Irena Sendler đã cứu hàng nghìn trẻ em Do Thái trong Thế chiến thứ hai.

Irena Sendler đã cứu hàng nghìn trẻ em Do Thái trong Thế chiến thứ hai.

Irena Stanislawa Sendler là nhân viên công tác xã hội, từ thiện người Ba Lan, phục vụ với tư cách là y tá trong cuộc kháng chiến bí mật ở Warsaw trong thời điểm bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Bà đã cứu rất nhiều người Do Thái, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, khỏi các khu tập trung. Tuy nhiên, ít người biết về bà và những việc bà đã làm.

Phản đối bất công

Irena Sendler sinh tháng 2/1910 tại Warsaw nhưng lớn lên ở Otwock, cách thủ đô Ba Lan khoảng 24 km về Đông Nam. Cha bà là một bác sĩ giàu lòng nhân hậu đã điều trị bệnh tận tình cho những người nghèo, phần đông trong số này là người Do Thái, mặc dù họ thường không đủ tiền chi trả.

Tuy nhiên, lòng nhân đạo của một thầy thuốc có thể đã hại ông: Ông qua đời vào năm 1917 do bệnh sốt phát ban, được cho là bị lây từ một trong những bệnh nhân của mình. Sau cái chết của cha, Sendler và mẹ chuyển chỗ ở khắp Ba Lan, đầu tiên là Tarczyn và sau đó là Piotrkow Trybunalski.

Năm 1927, ở tuổi 17, Sendler theo học cả Luật và Văn học Ba Lan tại Đại học Warsaw. Ở đây, bà tiếp xúc với hệ thống phân biệt chỗ ngồi đang được thực hiện tại các cơ sở giáo dục đại học trên khắp Ba Lan, điều mà bà luôn phản đối mạnh mẽ.

Đây là một hình thức phân biệt đối xử, trong đó sinh viên người Do Thái được yêu cầu ngồi ở phần bên trái của giảng đường. Irena đã thể hiện sự bất mãn bằng cách xóa chứng nhận không phải người Do Thái trên thẻ sinh viên của mình. Do tham gia các hoạt động ủng hộ cộng đồng Do Thái, bà nhiều lần bị nhà trường kỷ luật.

Năm 1928, Irena gia nhập Liên minh Thanh niên Dân chủ Ba Lan, rồi sau đó là thành viên của Đảng Xã hội Ba Lan. Bà nhiều lần bị từ chối nhận vào làm trong hệ thống trường học Warsaw, do những xác nhận từ Đại học Warsaw, mô tả bà thuộc thành phần cánh tả.

Nhưng cuối cùng bà cũng được làm việc tại một phòng tư vấn pháp luật và bảo trợ xã hội, tên đầy đủ là “Bộ phận hỗ trợ Bà mẹ và Trẻ em tại Cơ quan trợ giúp Người thất nghiệp”. Bà thường xuyên đến các khu nghèo nhất của Warsaw, giúp đỡ những cư dân ở đây, cho đến khi cơ quan này bị giải thể.

Sau khi xâm lược Ba Lan, vào ngày 1/11/1939, Đức Quốc xã ra lệnh loại bỏ người Do Thái ra khỏi biên chế của Cục Phúc lợi xã hội, nơi Sendler đang làm việc. Lực lượng chiếm đóng cũng cấm mọi sự giúp đỡ cộng đồng Do Thái ở Warsaw. Sendler và đồng nghiệp của bà chuyển sang giúp những người lính Ba Lan bị thương và bệnh tật.

Chính trong thời gian này, Sendler đã nảy ra ý tưởng tạo các bệnh án giả cho binh lính và các gia đình nghèo để họ có thể nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ. Bà mở rộng việc làm này đến cộng đồng Do Thái, đứng đầu một nhóm nhỏ để giúp đỡ các gia đình và trẻ em bị loại khỏi hệ thống phúc lợi xã hội.

Bà Irena Sendler và những tác phẩm viết về mình.

Bà Irena Sendler và những tác phẩm viết về mình.

Cứu người Do Thái

Sendler hầu như bị lãng quên trong một thời gian dài, cho đến khi một nhóm sinh viên Mỹ, vào năm 2000, phát hiện ra việc làm nhân đạo của bà trong Thế chiến thứ hai. Họ đã dựng một vở kịch dựa trên cuộc sống của Sendler có tên “Life in a Jar” diễn hơn 200 lần ở Mỹ, góp phần truyền bá câu chuyện của Sendler khắp nước Mỹ.

Đến tháng 11/1940, khoảng 400.000 người Do Thái bị đưa vào 16 khu nhà ở một khu ổ chuột có tên là Warsaw Ghetto do Đức Quốc xã thành lập. Cuối năm 1942, Irena Sendler tham gia phong trào bí mật Zegota (Hội đồng trợ giúp người Do Thái) của Ba Lan và được phân công làm trưởng “nhóm trẻ em” gồm 20 thành viên. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của nhóm là giải thoát những đứa trẻ trong ghetto, trước khi Đức Quốc xã đốt bỏ khu này và đưa chúng vào trại tập trung.

Sendler tiếp cận ghetto qua giấy phép đặc biệt do Sở phúc lợi xã hội cấp để làm nhiệm vụ kiểm tra các dấu hiệu bệnh phát ban của những người ở đây. Nhờ vậy, bà và một số đồng nghiệp lén mang thuốc đến cho những người Do Thái.

Họ bí mật đưa các trẻ em Do Thái ra khỏi ghetto, gửi chúng cho các cặp vợ chồng Ba Lan nuôi dưỡng. Tìm được các gia đình sẵn lòng cưu mang các em, và như thế, đặt cả gia đình họ vào vòng nguy hiểm, cũng là một việc không đơn giản. Bởi vì từ tháng 10/1941, những ai có hành động giúp người Do Thái ở khu vực do quân Đức chiếm đóng có thể bị xử tử hình.

Bất chấp hiểm nguy, nhóm của Irena đưa được tất cả 2.500 trẻ em ra khỏi ghetto và chuyển chúng đến những nơi an toàn với lai lịch mới, thân thế mới. Bà giấu lũ trẻ bên trong những chiếc xe cấp cứu, trong những quan tài, vali, và cốp xe ô tô.

Những đứa trẻ vài tháng tuổi được cho uống thuốc ngủ và mang ra ngoài bằng những cái túi có đục lỗ để tránh bị ngạt. Những đứa lớn hơn được dẫn ra qua đường cống ngầm, nhiều đứa được ném qua hàng rào có người chờ đón sẵn.

Trong cuộc nổi dậy ở Warsaw chống lại sự chiếm đóng của Đức Quốc xã, Sendler làm việc trong một bệnh viện, giúp đỡ những người Do Thái và binh lính Ba Lan. Bà giúp thành lập Nhà trẻ em Warsaw và khôi phục các hoạt động xã hội khác của mình. Thông qua các công việc này, bà được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Phúc lợi xã hội của chính quyền thành phố Warsaw.

Vào tháng 1/1947, Sendler gia nhập Đảng Công nhân Ba Lan và sau đó là thành viên của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan cho đến khi nó giải thể vào năm 1990. Bà giữ nhiều vị trí quan trọng trong Bộ Giáo dục và Bộ Y tế.

Sendler đã được chính phủ Ba Lan tặng thưởng sáu huân chương cùng nhiều giải thưởng khác vì công việc cứu giúp người Do Thái trong thời gian chiến tranh.

Vào năm 1965, Yad Vashem, đài tưởng niệm nạn nhân vụ thảm sát Holocaust của Israel đã ghi nhận những nỗ lực của bà và bà trở thành công dân của nước này vào năm 1996.

Hành trình của nhà hoạt động nhân đạo này là một câu chuyện đáng kinh ngạc về nỗ lực chống lại những cái ác, sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy bủa vây quanh mình, cứu giúp những người bất hạnh. Vào ngày 12/5/2008, Irena Sendler đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 98 tại thành phố Warsaw.

Theo Historymysterious

Thiên Lý

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thien-than-nhan-dao-trong-the-chien-2-post613478.html