Thiệt hại 5 - 7% GDP nếu người khuyết tật không thể tham gia thị trường lao động

'Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, nếu người khuyết tật không tham gia thị trường lao động, thiệt hại có thể ước tính lên tới 5 - 7% GDP', bà Charlotte Vuyiswa McClain-Nhlapo, Cố vấn về Người khuyết tật toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân.

Chỉ 23% người khuyết tật có việc làm

- WB đang hoàn thiện Báo cáo“Người khuyết tật và việc làm tại Việt Nam - Kết quả điều tra quốc gia về lao động và việc làm năm 2022”. Bà có thể chia sẻ những kết quả đáng chú ý tại Báo cáo này?

- Với sự tài trợ của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, WB đã phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức thu thập dữ liệu từ tháng 7 - 12.2022, phỏng vấn 7.156 người khuyết tật từ hơn 117.800 hộ gia đình tham gia vào khảo sát lao động việc làm năm 2022.

Bà Charlotte Vuyiswa McClain-Nhlapo

Bà Charlotte Vuyiswa McClain-Nhlapo

Kết quả cho thấy, người khuyết tật ít khả năng có việc làm hơn; cụ thể, chỉ có 23,4% người khuyết tật trung bình có việc làm, tỷ lệ này ở người khuyết tật nặng chỉ đạt 5,9%; trong khi ở người không khuyết tật lên tới 72,5%. Kể cả khi có việc làm, người khuyết tật cũng có nhiều khả năng tự kinh doanh và làm việc ít giờ hơn.

Có hai rào cản thị trường lao động lớn mà người khuyết tật cho biết là thiếu sự trợ giúp trong việc tìm kiếm việc làm (số người khuyết tật được giúp đỡ tìm việc làm phù hợp chỉ đạt gần 6,7%) và thái độ tại nơi làm việc (chỉ 3,35% người khuyết tật được thu xếp giờ làm việc linh hoạt; gần 4,5% người sử dụng lao động sẵn sàng cung cấp các hỗ trợ phù hợp cho người khuyết tật). Song, rào cản lớn nhất là sự thiếu ủng hộ từ phía gia đình.

Cũng theo báo cáo này, người khuyết tật trẻ tuổi cho biết tỷ lệ gặp phải rào cản tại nơi làm việc cao hơn. Cụ thể, người lao động khuyết tật nặng trong độ tuổi 15 - 29 được đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ chỉ đạt 4,23%, thấp hơn mức 5,61% của nhóm người trong độ tuổi 30 - 39…

- Kết quả này có mối liên hệ nào với các chính sách mà Việt Nam đang thực thi, thưa bà?

- Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong giải quyết khó khăn cho người khuyết tật. Có thể kể đến những sự kiện tiêu biểu như: Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật (Nghị quyết số 84/2014/QH13) vào tháng 11.2014, đặc biệt là Chỉ thị số 39 ngày 01.11.2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật với việc chuyển tư duy hoạch định chính sách của Việt Nam từ cách tiếp cận theo mô hình nhân đạo, từ thiện sang cách tiếp cận dựa trên quyền con người.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ban hành nhiều chính sách có liên quan để tăng cơ hội việc làm cho người khuyết tật. Những kết quả trong khảo sát của chúng tôi cũng phần nào phản ánh nỗ lực của Việt Nam. Dù vậy, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm!

Mới có 23% người khuyết tật ở Việt Nam có việc làm theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới Ảnh: TTXVN

Mới có 23% người khuyết tật ở Việt Nam có việc làm theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới Ảnh: TTXVN

Chính sách phải được thực thi!

- Việt Nam đang hướng đến phát triển bền vững, bao trùm, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Giải quyết việc làm cho người khuyết tật sẽ có ý nghĩa như thế nào cho mục tiêu đó, thưa bà?

- Từ các nghiên cứu và thực tế đã chứng minh, giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ là vấn đề về quyền con người, mà nó còn mang lại lợi ích kinh tế rõ nét cho các bên, bao gồm cả phía người khuyết tật cùng gia đình họ, doanh nghiệp và Nhà nước.

Cụ thể, về phía người khuyết tật, họ sẽ có việc làm, thu nhập tốt hơn cho chính họ và gia đình họ. Cũng chính bởi người khuyết tật tham gia thị trường lao động, Chính phủ sẽ giảm bớt gánh nặng về việc bảo đảm an sinh xã hội. Doanh nghiệp có thêm nguồn lao động sản xuất kinh doanh.

Nghiên cứu của WB tại 10 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy, khi người khuyết tật không thể tham gia thị trường lao động, quốc gia có thể thiệt hại ước tính tương đương 5 - 7% GDP. Rõ ràng, khi mở rộng thị trường lao động cho người khuyết tật, chúng ta sẽ thấy rõ vai trò của họ đóng góp cho tăng trưởng chung của mỗi quốc gia. Đây là điều Việt Nam cần lưu ý!

- Theo Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng), Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 200.000 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm; giai đoạn 2026 - 2030 nâng lên 300.000 người. Theo bà, để đạt được các mục tiêu đề ra, Việt Nam cần lưu ý những vấn đề gì?

- Tôi cho rằng, điều quan trọng trước tiên là cần phải nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác liên quan người khuyết tật, để tất cả nhận thức được rõ ý nghĩa, vai trò của người khuyết tật đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, coi người khuyết tật là một bộ phận của thị trường lao động. Cùng với đó, các chính sách cần phải được bảo đảm thực thi trên thực tế, bởi nếu chính sách được thiết kế tốt nhưng không được thực thi sẽ không thể mang lại hiệu quả.

Việc thiết kế chính sách cũng cần quan tâm hỗ trợ đối với những người sử dụng lao động là người khuyết tật để họ có động lực và cả trách nhiệm trong công tác này. Khi cả xã hội cùng hành động sẽ tạo ra thị trường lao động cho người khuyết tật.

- Về phía WB, tới đây sẽ có những chính sách nào để hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy người khuyết tật tham gia thị trường lao động?

- Phát triển hòa nhập cho người khuyết tật trực tiếp đóng góp vào mục tiêu kép của WB là chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung. Chương trình phát triển và giảm nghèo toàn cầu sẽ không đạt hiệu quả trừ khi giải quyết được sự bất bình đẳng về kinh tế xã hội của người khuyết tật và bảo đảm họ được tham gia vào tất cả các giai đoạn của chương trình phát triển.

Việc công bố Báo cáo “Người khuyết tật và việc làm tại Việt Nam - Kết quả điều tra quốc gia về lao động và việc làm năm 2022” sẽ là bước đầu để chúng tôi đóng góp vào việc cung cấp thông tin cho Chính phủ Việt Nam trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật sắp tới và cách đưa vấn đề người khuyết tật vào Luật Việc làm sửa đổi. Ngoài ra, chúng tôi rất kỳ vọng có thể gắn kết quả của nghiên cứu này với các quy định liên quan trong chính sách và pháp luật hiện hành để làm phong phú thêm nội dung thảo luận chính sách thời gian tới, vì mục tiêu chung là giải quyết nhu cầu việc làm cho người khuyết tật.

- Xin cảm ơn bà!

Đan Thanh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-in/thiet-hai-5---7-gdp-neu-nguoi-khuyet-tat-khong-the-tham-gia-thi-truong-lao-dong-i320226/