Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, vị tướng vùng biên ải

Mười năm trước, trong chuyến lên Điện Biên dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tôi đã gặp ông. Khi ấy ông đang giữ cương vị Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Điện Biên. Vị tướng có cái tên đẹp như một bài thơ, và cũng là cái tên của một nhà thơ, Lưu Trọng Lư, đã để lại trong tôi ấn tượng về một người mang phẩm chất của một thủ lĩnh nơi biên cương.

Mười năm sau, trước dịp k niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi lại có mặt tại Điện Biên, trước tôi lúc này là vị tướng đang giữ cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh. Cương vị thì đã khác nhưng ở ông vẫn là sự vồn vã, chân tình. Những câu chuyện hôm qua và hôm nay cứ hòa quyện, đan cài đã cho tôi một hình dung về một vị tướng vùng biên ải.

K niệm về một vụ bất ổn

Ngày ấy Điện Biên vừa giải quyết xong vụ Mường Nhé, một điểm nóng về an ninh chính trị cả nước biết đến. Bảy nghìn người Mông bị kẻ xấu dụ dỗ tập trung ở Nậm Kè chờ “Vua Mông” xuất hiện để lập vương quốc riêng. Chờ mãi “Vua Mông” không thấy, chỉ là nóng nực, bức bối, mất vệ sinh trong những căn lều bạt dựng tạm nơi triền đồi thông thốc nắng gió, đói khát và bệnh tật rình rập. Lực lượng chức năng bị ngăn cản tiếp cận bà con, những kẻ cầm đầu xúi giục họ bất hợp tác, không được nhận đồ ăn thức uống do lực lượng tiếp tế mang vào.

Mọi thứ rồi cũng được giải quyết từ sự phối hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng trên địa bàn, trong đó có lực lượng vũ trang. Trên cương vị Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Thiếu tướng Lưu Trọng Lư khi ấy đã đưa ra những kiến nghị giải quyết dứt điểm vụ việc trước ngày 7-5 là ngày kỷ niệm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng là ngày những kẻ phản động dự kiến sẽ tuyên bố thành lập Nhà nước. Lực lượng vũ trang của tỉnh khi ấy đã tham gia tích cực, hiệu quả trong giải quyết sự vụ.

Thiếu tướng Lưu Trọng Lư đã bày tỏ chính kiến rõ ràng, sẵn sàng vào cuộc tham vấn đường hướng xử lý một cách quyết liệt, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Quân đội, trước nhân dân. Sau này một đồng chí ở Tổng cục II đã chụp được bức ảnh cuộc hội ý giữa Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn, Giám đốc Sở Công an Điện Biên Vi Văn Long và ông để đưa ra quyết định trước Ban Chỉ đạo 22 đồng chí trong những giây phút căng thẳng ngày ấy, bức ảnh này người chụp đã tặng lại ông để làm kỷ niệm.

Lần gặp gỡ tại Điên Biên năm 2014, bằng chất giọng hào sảng, cương quyết nhưng cũng đầy nhiệt lượng, Thiếu tướng Lưu Trọng Lư đã kể lại cái mà mọi người vẫn quen gọi là “vụ Mường Nhé”, ông còn cho chúng tôi xem cả bộ trang phục mà những tên cầm đầu chuẩn bị cho kẻ sẽ được dựng lên làm bộ trưởng quốc phòng, chiếc áo của “bộ trưởng quốc phòng” của nhà nước tự xưng gắn cầu vai thêu ve áo sặc sỡ sắc màu, cùng với đó là chiếc máy in màu của nước ngoài để chúng phục vụ việc in tài liệu. Đây là những hiện vật mà các chiến sĩ thực thi nhiệm vụ của Bộ CHQS tỉnh Điện Biên đã thu giữ được. Từ Điện Biên về tôi cứ ấn tượng mãi với hình ảnh ấy.

Bức ảnh Thiếu tướng Lưu Trọng Lư, khi đó là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Điện Biên cùng đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên Vi Văn Long báo cáo phương án xử lý vụ việc ở Nậm Kè, Mường Nhé với đồng chí Mùa A Sơn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, tháng 5 năm 2011. Ảnh do cán bộ Tổng cục II chụp.

Từ chiến sĩ đến cấp Chỉ huy trưởng

Tôi cứ nghĩ có lẽ ông là người sinh ra trên mảnh đất này, nhưng không, Thiếu tướng Lưu Trọng Lư quê Phù Cừ, Hưng Yên. Lên đường bảo vệ Tổ quốc từ năm 18 tuổi, đến giờ, khi đã ở tuổi 69 ông vẫn biền biệt xa quê. Lại nghĩ, chắc ông phải gắn bó với miền biên giới Tây Bắc này cả cuộc đời binh nghiệp, nhưng cũng không hẳn, dù đúng là phần lớn đời lính ông gắn bó với Lai Châu, Điện Biên nhưng trước đó ông đã có 4 năm ở chiến trường Tây Nguyên.

Nhập ngũ tháng 9 năm 1973, huấn luyện chiến sĩ mới xong chàng trai Lưu Trọng Lư trở thành quân của Đại đội 20, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Hòa vào khí thế giải phóng miền Nam, đơn vị ông vinh dự được giao bí mật từ Lào về tham gia Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3 năm 1975, nổ phát súng đầu tiên mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tại Buôn Ma Thuột. Đơn vị ông làm nhiệm vụ trinh sát để đưa bộ binh vào chiến đấu, ông đi với tổ đài luồn sâu, đảm bảo thông tin liên lạc, dẫn đường cho Trung đoàn 148 vào Buôn Ma Thuột đánh chiếm Sở chỉ huy Trung đoàn 53 của ngụy. Trong chiến dịch này chàng trai Lưu Trọng Lư khi đó vừa tròn 20 tuổi đã được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Hoàn thành sứ mệnh giải phóng miền Nam, đơn vị ông về đóng tại Bến Cát, Bình Dương, sau đó lại nhanh chóng hành quân ra Bắc, về đóng ở Nghĩa Lộ, Yên Bái năm 1976.

Năm 1977, Tiểu đội trưởng Lưu Trọng Lư được phân công về Bộ CHQS tỉnh Lai Châu, và ông gắn bó với dải đất biên cương rộng lớn gồm hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên hôm nay từ ngày đó. Tại đây, ông đã được đơn vị cử đi đào tạo sĩ quan. Giữ các chức vụ trung đội trưởng, rồi đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng của Bộ đội địa phương, thuộc Cơ quan Quân sự huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cũ. Năm 1994, khi đang là Phó ban Tác chiến của Bộ CHQS tỉnh Lai Châu ông đi học Học viện Lục quân. Sau đó là Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; sau nữa thì làm Tiến sĩ Khoa học quân sự. Cái sự học cứ đan xen cùng những tháng năm công tác, giữa những chuyến đi về Thủ đô và miền biên ải xa xôi nhất của Tây Bắc. Đề tài Tiến sĩ của ông mang tên “Phòng, chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ trên địa bàn Quân khu 2” chính từ những kinh nghiệm thực tiễn của ông trong những năm công tác, gắn bó với Tây Bắc.

Thiếu tướng Lưu Trọng Lư. Ảnh: Vũ Thành Duy

Mảnh đất Lai Châu nơi góc trời, trấn giữ mạn Sơn La lên là đèo Pha Đin, chắn lối Lào Cai sang là đèo Ô Quy Hồ, hai trong số tứ đại đỉnh đèo miền Tây Bắc. Tuổi trẻ của ông đã lọt thỏm giữa hai con đèo trứ danh đó. Vùng đất được cất kỹ nơi góc trời Tây Bắc nơi ông gắn bó có hai đường biên giới với hai nước, nhìn sang phía Tây là nước bạn Lào, nhìn lên phía Bắc là Trung Quốc. Thế rồi khi Lai Châu tách thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên năm 2004, ông đang là Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Lai Châu đã được phân công giữ vị trí Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên mới, tỉnh địa đầu nơi ngã ba biên giới.

Vì một Mường Nhé bình yên

Nơi ngã ba biên giới ấy cũng là vị trí điểm cực Tây của Việt Nam, và huyện ở góc ngã ba ấy chính là Mường Nhé. Bản Khuổi Hon ở xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé năm 2011 ấy chính là điểm nóng, nơi “tập hợp lực lượng” của những kẻ cầm đầu vụ tụ tập gây mất trật tự an toàn xã hội, đe dọa an ninh chính trị. Dù sự việc được giải quyết xong rồi nhưng trong ông vẫn cộm lên một câu hỏi vì sao? Căn nguyên gốc rễ là gì? Ông đã quyết định vào Khuổi Hon và một số bản khác ở Mường Nhé để đi tìm câu trả lời. Ông về lại Nậm Kè để tìm hiểu, lắng nghe những câu chuyện từ người dân. Người đầu tiên ông muốn gặp là A Súa, một trong những trưởng bản không hợp tác với chính quyền địa phương khi xảy ra vụ việc. Ông muốn gặp trực tiếp để lắng nghe những tâm tư sâu kín từ người từng là cán bộ thôn này. Cán bộ xã Nậm Kè khuyên ông không nên gặp, nhưng thấy ông cương quyết thế thì lại góp ý nên cải trang thành dân thường. Đời nào ông làm thế. Muốn cầu thị lắng nghe chân thành thì sao lại phải hóa trang. Bao năm lăn lộn ở vùng biên, tiếng Mông ông nói được, có thể trò chuyện hỏi han trực tiếp được. Ở vùng biên này cán bộ đều ít nhiều nói được tiếng đồng bào, bản thân ông cũng nói được hai thứ tiếng, tiếng Mông và tiếng Thái. Ở đây, người Kinh mới là dân tộc thiểu số, đồng bào 19 dân tộc của Điện Biên chiếm tới 80-90% dân số.

Ông đến nhà A Súa, tất nhiên là A Súa “đi vắng”. Đi vắng thì ông chờ, ông trò chuyện hỏi han người nhà của người đàn ông đã từng là trưởng bản này. Ngồi cả ngày vẫn chẳng thấy A Súa về. Ông cũng vẫn không về. Trời không chịu đất thì đất chịu trời. Đến sẩm tối A Súa đùng đùng hiện ra. Nguyên cái sự chịu xuất hiện của A Súa đã cho thấy đó là tín hiệu tốt. Có thể vì sự cởi mở, vui vẻ của ông trong lúc trò chuyện với người nhà A Súa, nhận thấy sự chân thành của ông mà họ đã “bật đèn xanh” cho anh ta. Sáu tháng trời không ai nhìn thấy A Súa hiện diện ở nhà, thế mà hôm nay A Súa lại như độn thổ, không nói với người nhà câu nào, anh đi thẳng đến chỗ vị tướng nhìn chằm chằm gằn giọng hỏi: Ông tìm tôi làm gì, không phải để bắt tôi đấy chứ? Ông nhẹ nhàng giải thích rằng không có chuyện đó, ông muốn gặp để trò chuyện, tìm hiểu tâm tư thôi. A Súa là một người đàn ông vạm vỡ, kiệm lời. Sự nhã nhặn của vị tướng cùng vẻ nghiêm nghị bình thản khiến A Súa phải dịu lại, ngồi xuống.

Đêm ấy trong căn nhà trình tường của người Mông có hai người đàn ông không ngủ. A Súa nói hết lòng mình, vì sao bỏ bản đi, vì sao nghi ngờ cán bộ, vì sao muốn quay về mà không dám vì thấy người ta cứ săn lùng mình ráo riết. Vì thế A Súa không dám tin ai nữa, kể cả khi vị tướng này, khi ông đến tận nhà. Qua một đêm trò chuyện A Súa đã hiểu tấm lòng của vị tướng. Sau câu chuyện A Súa hứa với ông không trốn nữa, sẽ ở nhà làm ruộng làm nương, bảo ban mọi người trong bản Huổi Chạ làm ăn. Với cách thức như thế, ông đã nắm trong lòng bàn tay 15 trưởng bản, có được niềm tin của họ. Khi có việc gì họ có thể điện trực tiếp cho ông.

Thiếu tướng Lưu Trọng Lư nói rằng, gần 50 năm gắn bó với bà con Lai Châu, Điện Biên, ông có sự gắn bó tự nhiên với đồng bào, một phần vì bản thân ông có thể nói ngôn ngữ của đồng bào khá thành thạo. Muốn làm cán bộ ở đây trước hết phải nói được, nghe được, hiểu được tiếng nói của đồng bào, có như thế mới đồng cảm được với họ, mới hiểu tâm tư nguyện vọng của họ. Sự học hỏi của ông là từ những lần đi cơ sở cùng người thủ trưởng những ngày còn ở Phong Thổ, Trung tá Hạng A Mải, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Phong Thổ. Hạng A Mải là vị chỉ huy người Mông rất có uy tín ở Lai Châu, thủ trưởng trước đây của ông. Khi đó ông là trợ lý tác chiến, thường cùng với Chỉ huy trưởng về bản, trong những chuyến đồng hành ấy vị thủ lĩnh người Mông đã truyền thứ ngôn ngữ, thứ văn hóa Mông cho người cấp dưới tự bao giờ. Và nó như một hành trang theo ông suốt những cương vị công tác, ông có thể nói tiếng Mông, tiếng Thái, hát những bài hát Mông, những bài dân ca Thái, cùng hòa vào điệu khèn điệu xòe của họ mỗi dịp hội hè, điều đó đã giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ của người lính, người chỉ huy thêm hiệu quả.

Sau lần xuất tướng về Mường Nhé ấy, công tác dân vận trong lực lượng vũ trang Điện Biên đã có những bước chuyển mới. Mỗi người lính đã đồng cảm với người dân nhiều hơn, các tổ công tác được thiết lập kết hợp với Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 379 của Quân khu 2, với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên và mạng lưới công an các xã để nắm địa bàn, chăm lo an sinh xã hội, tuyên truyền vận động nhân dân, củng cố an ninh khu vực biên giới. Mường Nhé có 10 dân tộc sinh sống, gồm: Mông, Thái, Dao, Kinh, Kháng, Cống, Hoa, Sán Chỉ, Hà Nhì, Si La, trong đó người Mông là đông nhất, chiếm 68%. Có mặt tại đây, tôi cảm nhận rõ một sự thay đổi từ bên trong từ sự nỗ lực của chính quyền sở tại và những người lính, trong đó có những đóng góp từ sớm, từ xa của vị thủ lĩnh vùng biên Lưu Trọng Lư.

Ở lại với Điện Biên

Năm 2016, Thiếu tướng Lưu Trọng Lư nhận quyết định nghỉ hưu. Thông thường những người lính biền biệt xa quê, khi về với đời thường sẽ về quê hoặc về miền xuôi ở, nhưng ông đã chọn ở lại gắn bó với mảnh đất Điện Biên. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tín nhiệm mời ông tham gia công tác, chăm lo cho Hội Cựu chiến binh tỉnh. Người thủ lĩnh vùng biên vừa rời vị trí công tác, không một phút nghỉ ngơi lại tiếp nhận cương vị mới.

Điện Biên là mảnh đất lịch sử, nơi lắng đọng những trầm tích của dân tộc, cả vinh quang và mất mát. Rất nhiều tướng lĩnh của Quân đội đều đã trưởng thành, ghi danh trên bảng vàng ở vùng chiến địa máu trộn bùn non này. Bởi thế, dù đã đi hết một vòng đời quân ngũ, dù mang quân hàm tướng và đứng đầu Hội Cựu chiến binh tỉnh thì trong nhiều tình huống ông vẫn được coi như “lớp trẻ”, trước những tên tuổi lẫy lừng mà bất kỳ người lính nào cũng phải kính cẩn nghiêng mình.

Dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cả tỉnh Điện Biên bộn bề công việc. Bản thân ông cũng đại diện Hội tham gia trong các ban chỉ đạo của tỉnh, từ Ban chỉ đạo làm đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Tây Trang đến Ban Chỉ đạo làm nhà đại đoàn kết, Ban Chỉ đạo 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ... Trước dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, khi chúng tôi có mặt tại Điện Biên đã có hơn 50 đoàn cựu chiến binh cả nước đăng ký về nguồn, thăm Điện Biên với những di tích lịch sử gắn với Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua Hội Cựu chiến binh tỉnh. Thiếu tướng Lưu Trọng Lư vẫn chỉ đạo anh em vui vẻ tiếp nhận, tùy vào nguồn lực để sắp xếp, phân công tiếp đón, giúp đỡ cho hợp lý.

Nhìn những cựu chiến binh thế hệ chống Pháp, chống Mỹ nhiều cụ chân đi không còn vững, có cụ ngồi xe lăn nhưng vẫn dò từng bước lên Đền thờ các liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ, rưng rưng thắp nén nhang, mắt nhòa đi trước đôi câu đối “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa nguyên khí Quốc gia” (hai câu thơ của nhà thơ Trần Thế Tuyển) ông hiểu giá trị tâm linh của mảnh đất này, nơi hàng nghìn người con khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống và càng thấy trách nhiệm chăm lo, vun đắp những phần việc hậu chiến, đó sẽ là những việc chẳng bao giờ kết thúc, cho dù sau 60 năm, 70 năm hay lâu hơn nữa.

Cũng hiếm có vị tướng nào của thời bình lại gắn bó cả cuộc đời với vùng biên ải như ông. Ông đã chọn ở lại, nơi dải biên cương từng gắn bó gần nửa thế kỷ, chiếm phần lớn cuộc đời. Thế hệ ông đã đi qua những cuộc chiến, từ những trận xung phong đánh vỗ mặt trong Chiến dịch Tây Nguyên đến những âm thầm rả rích nơi biên giới phía Bắc, đã chứng kiến những sự hy sinh của người lính nên ông hiểu giá trị của hòa bình. Vùng phên giậu biên cương nơi ông chọn gắn bó ấy, những công việc thường nhật ông vẫn làm bao nhiêu năm ở những cương vị khác nhau ấy, là những việc làm cụ thể góp phần kiến tạo nền hòa bình cho đất nước. Tình cảm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, của bà con nhân dân, của đất và người Điện Biên đã là sợi dây vô hình níu kéo ông ở lại, gắn bó với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Điện Biên, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bằng những kinh nghiệm thực tế, những trải nghiệm của những năm tháng ông đã gắn bó với dải đất này.

NGUYỄN XUÂN THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/thieu-tuong-luu-trong-lu-vi-tuong-vung-bien-ai-774888