Thơ tình Nguyễn Văn Dùng

Trong tiếng Việt, từ 'miền' chủ yếu được dùng để chỉ nơi chốn, địa điểm cụ thể: miền Bắc, miền Trung, miền Nam, miền xuôi, miền ngược, miền quê, miền gái đẹp… nhưng đôi khi nó được dùng để gọi những nơi chốn, địa điểm trừu tượng. Với Nguyễn Văn Dùng đó là 'miền nhớ'. 'Miền nhớ' là miền mà thi sĩ gửi gắm bao niềm thương, nỗi nhớ; bao cung bậc tình cảm: vui, buồn, hờn, giận… 'Miền nhớ' (NXB Thuận Hóa, 2023) có thể xem là tuyển tập thơ tình của thi sĩ Nguyễn Văn Dùng.

Cách đây 12 năm (2011), tôi từng đọc tập thơ “Lục bát tặng mình” của Nguyễn Văn Dùng. Một số câu thơ tình của anh vẫn ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ: “Em ra giếng gánh nước trong/ Còn tôi ra giếng… để không làm gì” (Giếng); “Bởi vì em nói lời yêu/Bằng lăng nở tím suốt chiều quê anh” (Bởi vì); “Sao người chẳng đi lấy chồng/Sao người vẫn cứ ở không một mình” (Sao chẳng lấy chồng)… Giờ gặp lại những câu thơ đó trong “Miền nhớ”, tôi tưởng như gặp lại người thân bao năm xa cách.

Giọng thơ của Nguyễn Văn Dùng vẫn cứ nhẹ nhàng như thế, vẫn cứ rủ rỉ như thế và “chân quê” như thế mà làm xiêu lòng bao nhiêu người đẹp. Có những câu thơ của anh trước đây đọc đã thấy hay, bây giờ qua tuổi “xưa nay hiếm” đọc lại tôi cảm thấy hay hơn. Chẳng hạn như các câu: “Đau như năm tháng đã qua/Bây chừ năm tháng đã già như tôi” (Năm tháng ơi!).

Mặc dù tuổi không còn trẻ nhưng thơ Nguyễn Văn Dùng vẫn rất trẻ. Anh cảm nhận một cách tinh tế ánh mắt, nụ cười của người mình yêu chẳng khác gì những chàng trai mười chín đôi mươi: “Hình như em đi rồi/Tiếng cười còn vương lại/Cái nhìn sao diệu vợi/Hơi ấm tìm bàn tay…!” (Hình như).

Giữa những ngày nóng như lửa đốt, Nguyễn Văn Dùng “thương miền nắng gió”: “Anh ước là mây che bớt nắng hè/ước là gió lành làm dịu đi cái nóng/ước là dòng sông chở niềm khát vọng/tắm mát cho em qua năm tháng nhọc nhằn” (Thương miền nắng gió).

Trong 3 điều ước trên, điều ước thứ ba mang nhiều ý nghĩa hơn cả, dễ làm đối tượng trữ tình xiêu lòng hơn cả. Đây chính là lời tỏ tình vừa khôn ngoan, vừa kín đáo, tế nhị. Nhận được những dòng thơ này chắc “người ấy” cảm động lắm.

Nhà thơ vốn là những người có tầm nhìn xa. Xuân Diệu từng dự cảm: “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt”. Nguyễn Văn Dùng cũng không thật an tâm ngay khi “hương lửa đang nồng cháy”:

Có thể một ngày biển rất buồn/Và một ngày em không yêu ta nữa/Giông tố cuộc đời thổi tàn đi ngọn lửa/Ta dõi theo em hết cả cuộc đời này…!” (Có thể một ngày).

Anh bồn chồn, lo lắng: “Ta sợ con tim mình tắt lửa/Sợ ngày mai em bỏ cuộc tình/Sợ dại khờ đánh mất niềm tin…!” (Sợ).

Nỗi sợ ấy dần dần hiện hữu: Thu mang nỗi niềm chất chứa/ em đi chẳng nói một lời/hình như vườn thu đã khép/mây buồn và nắng chơi vơi” (Thu lơ đãng).

“Vườn thu đã khép” hay cõi lòng em đã khép? “Nắng chơi vơi” hay lòng người chơi vơi? Còn “hình như” gì nữa, chỉ ít lâu sau linh cảm ấy đã trở thành sự thật - một sự thật phũ phàng:

Có đôi lần suy tưởng mông lung/Trời đất rộng, sao lòng người lại hẹp?/Hồn tôi mở, cửa phòng em lại khép/Tôi quay về đối diện với thời gian” (Thị xã và tôi).

Cửa phòng em khép lại chứ không phải khóa. Khóa là không có em ở bên trong, còn khép là em vẫn ở trong phòng nhưng không muốn tiếp anh nữa. Trên đời này chẳng ai muốn thất tình cả, nhưng người đời thường thích đọc thơ thất tình hơn là thơ tỏ tình. Có những nhà thơ đến khi thất tình “anh hoa” mới “phát tiết”. Hàn Mặc tử lúc bị Mộng Cầm ruồng bỏ, nhà thơ quằn quại trong nỗi tuyệt vọng: “Họ đã xa rồi khôn níu lại/Tình thương chưa đã, mến chưa bưa/Người đi một nửa hồn tôi mất/Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”. Còn Xuân Diệu thì đau đớn thốt lên “Hôm nay tôi đã chết theo người/Xưa hẹn nghìn năm yêu mến tôi”…

Nguyễn Văn Dùng trầm tĩnh, độ lượng và bao dung. Anh gọi “người ấy” là “Ngọn gió vô hình”: “Biết chúng mình không thể cùng nhau/Anh vẫn tin tình yêu không có lỗi/Đến một ngày già nua cằn cỗi/Vẫn rong ruổi vì em, ơi ngọn gió vô hình…!” (Ngọn gió vô hình).

Đọc những dòng này của Nguyễn Văn Dùng, tôi chợt nhớ đến Pu-skin với câu thơ nổi tiếng: “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em” hết sức cao thượng, hết sức nhân văn.

Càng có tuổi, càng từng trải, thơ tình Nguyễn Văn Dùng càng nhiều trăn trở, suy tư. Điệp từ “mỗi ngày” lặp đi lặp lại trong 4 câu thơ dưới đây đã phần nào diễn tả được sự trôi chảy không ngừng nghỉ của thời gian: “Cứ mỗi ngày tình nghĩa đằm sâu/Em mỗi ngày tràn trề sức trẻ/Ta mỗi ngày khát khao lặng lẽ/Cứ mỗi ngày, day dứt mỗi ngày qua…!”.

Gần đây, cũng có tâm trạng và cảnh ngộ y hệt anh nên tôi hết sức đồng cảm, như là Nguyễn Văn Dùng “đi guốc trong bụng” tôi vậy.

Làm thơ không chỉ để giải tỏa những ẩn ức trong cõi lòng mà còn để chia sẻ. Những ai từng bị thất tình một đôi lần trong đời mới thấm hết nỗi quặn xé trong 4 câu thơ sau đây: “Có một chiều hè nắng đổ đầy sông/Thiêu cháy cả một vùng ký ức/Nghe ran rát từ đáy sâu lồng ngực/Con tim khờ cũng biết nhói đau…!” (Có một chiều hè).

Lịch sử nước ta in đậm bao nhiêu cuộc chiến tranh tàn khốc “máu chảy thành sông, xương chất thành núi”. Tôi ước mong đến một ngày nào đó ở xứ ta chỉ có thơ tình, không có tráng ca, “người với người sống để yêu nhau” (Tố Hữu); “Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn” (Chế Lan Viên). Lúc ấy, tôi sẽ đọc thật to hai câu thơ tình của Nguyễn Văn Dùng trong bài “Lời yêu”: “Lời yêu luôn ở trên môi/Vô tư trao tặng cho người mình yêu”.

Mai Văn Hoan

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/tho-tinh-nguyen-van-dung/175915.htm