Thoát nghèo nhờ nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện Trung Sơn

Dựa vào lòng hồ thủy điện Trung Sơn, nhiều hộ nghèo ở xã Trung Sơn, huyện vùng cao, biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa) đã thoát nghèo nhờ nuôi cá lồng bè.

Ông Ngô Sĩ Tâm (trái) - Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa) kiểm tra mô hình nuôi cá lăng trong lồng, bè ở lòng hồ thủy điện Trung Sơn. (Ảnh: HĐ)

Huyện định hướng, mở lối thoát nghèo cho dân

Ngày 28/6/2022, Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy Quan Hóa ban hành Nghị quyết số: 05/2022, về phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện, giai đoạn 2022 - 2030.

Nghị quyết nêu trên nhằm định hướng, xây dựng, phát triển các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nhằm mở lối thoát nghèo cho người dân ở huyện vùng cao, biên giới này. Sau khi Nghị quyết được ban hành, triển khai đã nhận được sự nhất trí, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương.

Xã Trung Sơn (Quan Hóa) là địa phương có lòng hồ thủy điện Trung Sơn. Nguồn nước từ các suối (Suối Quanh, Suối Con, Suối Pôi) chảy ra đến hồ thường trong suốt do giữ được diện tích rừng tự nhiên, nên rất thích hợp cho việc nuôi cá lồng chất lượng cao, như: cá Lăng đen, cá Ké, cá Trắm trắng, cá Trắm đen, cá Dầm xanh và nhiều loại cá khác…

Hiện nay ở xã Trung Sơn, việc phát triển chăn nuôi đã được người dân chấp hành tốt, như: Không thả rông gia súc, từng bước di dời chuồng nuôi ra khỏi khu dân cư. Hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư bài bản, việc đi lại, giao thương hàng hóa ngày càng thuận tiện.

Ông Ngô Sĩ Tâm – Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa) cho hay: “Trong hai năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2022 của BTV Huyện ủy Quan Hóa, xã Trung Sơn đã thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, tại một số bản vẫn còn tình trạng người đứng đầu chưa thực sự tâm huyết trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nhiều bản xây dựng các kế hoạch thực hiện chưa sát thực tế. Bên cạnh đó, trình độ dân trí chưa đồng đều, việc triển khai từ cấp xã xuống bản và hộ gia đình còn nhiều bỡ ngỡ, bất cập”.

Mô hình vừa nuôi cá lồng bè, vừa kinh doanh dịch vụ ẩm thực của anh Đinh Công Chức, ở lòng hồ thủy điện Trung Sơn. (Ảnh: TL)

Theo Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn, ngay sau khi Nghị quyết số 05/2022 của BTV Huyện ủy ra đời, về phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2030, cấp ủy, chính quyền ở Trung Sơn đã triển khai và tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, trong các cuộc họp, hội nghị, UBND xã cũng luôn lồng ghép các nội dung Nghị quyết số 05/2022 của BTV Huyện ủy, để các bản nắm bắt, theo dõi, thực hiện có hiệu quả.

Việc kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện mục tiêu của Nghị quyết được thực hiện thường xuyên. Từ đó, phát hiện những thiếu sót trong triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ đầu tư cho phát triển các mô hình phát triển kinh tế. Kịp thời có các giải pháp điều chỉnh phù hợp đem lại hiệu quả cho mô hình.

Cùng đó, thường xuyên đánh giá mục tiêu của Nghị quyết được UBND xã tổ chức hội nghị đánh giá thông qua đề án phát triển các mô hình kinh tế giai đoạn 2022-2030. Người dân đã từng bước nắm bắt được tính logic và tính thực tế khi áp dụng Nghị quyết số 05/2022 của BTV Huyện ủy Quan Hóa, cùng việc thực hiện kế hoạch của Đảng ủy xã vào các mô hình mà hộ gia đình đang thực hiện.

Thành lập hợp tác xã để phát triển kinh tế

Cũng theo ông Tâm, xác định muốn giúp dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, thì phải xuất phát từ các mô hình, dự án hoặc thành lập tổ hợp hay hợp tác xã (HTX). Bởi, khi có tổ hợp, hay hợp tác xã, thì các thành viên mới cùng nhau phấn đấu phát triển kinh tế và điều hơn nữa là sẽ trở thành phong trào thi đua vươn lên thoát nghèo.

Vì vậy, ngày 3/3/2023, xã Trung Sơn đã thành lập HTX nuôi trồng thủy sản Cựu Chiến binh Trung Sơn, với 15 hộ tham gia. Ngoài ra, mô hình “Chăn nuôi lợn nái đen sinh sản”, cũng đã có 56 hộ nông dân bản Ta Bán và bản Bó tham gia.

Khi thực hiện các dự án, mô hình phát triển kinh tế, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi gia súc phải đảm bảo người chăn dắt, không để gia súc thả rông, đồng thời phải di dời chuồng nuôi ra khỏi khu dân cư...

Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn Ngô Sĩ Tâm (trái) kiểm tra lồng cá của người dân. (Ảnh: HĐ)

“Hợp tác xã dịch vụ - nuôi trồng thủy sản Cựu Chiến binh Trung Sơn tập trung tại khu vực cửa suối Quanh (chân cầu Ta Bán), với 15 thành viên với mục đích tạo nên “mái nhà chung” để những hộ nuôi cá hỗ trợ nhau về khoa học kỹ thuật. Nhằm phục vụ, cung ứng giống cá, thức ăn, bán sản phẩm cho các hộ sản xuất, nuôi trồng thủy sản và các dịch vụ khác trên địa bàn.

Đến nay, hợp tác xã này có 47 hộ tham, với 102 lồng, bè cá. Tổng vốn đầu tư của dự án này là 2,35 tỷ đồng bằng nguồn vốn hoàn toàn của các hộ dân tự đầu tư. Sản lượng cá thương phẩm xuất bán năm 2023 đạt 55 tấn, ước đạt 3,85 tỷ đồng”, Bí thư Tâm thông tin.

Anh Đinh Công Chức (30 tuổi), ở bản Ta Bán, là thành viên hợp tác xã dịch vụ - nuôi trồng thủy sản Cựu Chiến binh Trung Sơn, cho biết, khi thành lập hợp tác xã, anh đã đăng ký tham gia nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện.

Anh Chức là người chăm chỉ làm ăn, nhiều sáng tạo trong cách thức nuôi trồng thủy sản, và có nhiều đóng góp lợi ích cho hợp tác xã. Do đó, năm 2023, anh Đinh Công Chức được Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa trao tặng khen thưởng là “Tấm gương học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”.

“Từ khi được chính quyền tạo điều kiện và hợp tác xã hỗ trợ cách thức, kỹ thuật chăm sóc cá lồng, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư vốn, xây dựng 6 lồng nuôi cá ở vùng ngập lòng hồ thủy điện. Ngoài ra, vợ chồng tôi còn tận dụng mặt bằng, dựng chòi trên lồng bè, để làm điểm kinh doanh ẩm thực, khi có khách nhu cầu ăn uống.

Mô hình này đã tạo điều kiện cho vợ chồng chúng tôi có công ăn, việc làm ổn định. Có điều kiện nuôi dạy hai con nhỏ đang học mẫu giáo và lớp 2. Năm 2023, từ mô hình nuôi cá lồng của gia đình tôi, cũng đã nguồn thu về cho gia đình khoảng 150 triệu đồng. Đây là điều kiện tốt về phát triển kinh tế, nên vợ chồng tôi xác định sẽ gắn bó lâu dài với mô hình này”, anh Chức chia sẻ.

Các hộ dân nhập cá giống để nuôi trong lồng, bè ở lòng hồ thủy điện Trung Sơn. (Ảnh: NST)

Đi đối với mô hình nuôi cá lồng bè ở lòng hồ thủy điện, xã Trung Sơn còn phát triển mô hình “Chăn nuôi lợn nái đen sinh sản”

“Mô hình chăn nuôi lợn nái đen sinh sản được nhân rộng, hiện nay đã đạt hiệu quả, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương. Với mô hình này, đã nâng cao được năng lực quản lý của cán bộ, cộng đồng và người dân trong sản xuất, kinh doanh.

Tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân tiếp cận các chính sách, nguồn lực thị trường về vốn, lao động, đất đai, khoa học kỹ thuật - công nghệ và thị trường hàng hóa đầu vào, đầu ra...

Phát huy công khai, dân chủ trong tổ chức thực hiện, tăng tính chủ động, mở rộng sự tham gia và giám sát của cộng đồng, người dân trong công tác giảm nghèo”, Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn chia sẻ.

Cũng theo ông Tâm, từ mô hình chăn nuôi lợn đen sinh sản ở địa phương, đã tạo việc làm, tăng năng suất vật nuôi, tăng giá trị thu nhập từ chăn nuôi cho các hộ dân tham gia. Hiện nay, trong số 56 hộ nghèo thực hiện mô hình, đã có nhiều hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Nhiều hộ hiện nay đang tiếp tục tăng đàn, để nhân rộng mô hình ở địa phương.

“Chủ trương của xã là tiếp tục duy trì, phát triển mạnh mẽ HTX nuôi trồng thủy sản Trung Sơn, thu hút thêm nhiều hộ dân tham gia. Với xu hướng HTX đang nghiên cứu, để nuôi thêm những giống cá hợp nguồn nước lòng hồ, cho giá trị sản phẩm cao để nhân rộng. Tiếp tục thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao cho các hộ dân theo mô hình. Phấn đấu trong năm nay, xã Trung Sơn sẽ giảm được 5% hộ nghèo, tức là từ 29,9% xuống 24,9%”, ông Ngô Sĩ Tâm - Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa).

Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoat-ngheo-nho-nuoi-ca-long-o-long-ho-thuy-dien-trung-son-post680080.html