Thời của lao động số

Theo xu hướng, doanh nghiệp phải lựa chọn 'chuyển đổi số hay là chết'. Giờ đây, ứng dụng công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần chiếm ưu thế.

Những cánh tay robot đang dần thay thế sức lao động con người tại các nhà máy. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhằm đáp ứng nhu cầu áp dụng công nghệ số, nâng cao năng lực sản xuất, Công ty CP In số 7 (Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM) đang chuẩn bị nhập về máy in Offset Heidelberg CX 104-7. Chia sẻ về dòng máy nhập, bà Trần Thị Ánh Duyên, Phó Giám đốc công ty, cho biết, đây là dòng máy in 7 màu sản xuất năm 2024 có tốc độ cao và các tính năng số vượt trội. Song song với máy in là một loạt thiết bị gia công sau in đồng bộ, giúp tăng công suất hiện có của đơn vị lên trên 30%. Để chuẩn bị nhân lực vận hành, từ năm 2022 đến nay, công ty đã cử công nhân kỹ thuật đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, tổ chức các lớp đào tạo nâng cao về công nghệ số. Công ty cũng áp dụng chuyển đổi số ở tất cả các khâu bằng hệ quản trị ERP. Nhiều công việc trước đây công ty phải thực hiện thủ công thì nay dần được thay thế bằng phần mềm. Theo bà Ánh Duyên, công ty hiện có khoảng 300 lao động và 1/3 số lao động đủ năng lực thích ứng với công nghệ số. Câu chuyện chuyển đổi số ở Công ty CP In số 7 không là câu chuyện đơn lẻ. Như tại Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (Khu Công nghệ cao TPHCM), ứng dụng công nghệ tự động hóa đã được thực hiện ở 90% khu sản xuất bo mạch. Với những khu vực sản xuất tivi màn hình nhỏ, robot tự động hóa đã thực hiện 60%-70% các phần việc; riêng khu sản xuất tivi màn hình lớn, tự động hóa đã chiếm 40%. Nhiều dây chuyền sản xuất trước đây cần 22 lao động, nay chỉ còn 2 lao động cho khâu kiểm tra đầu vào và cuối dây chuyền, các phần còn lại đều được thực hiện bởi robot, máy móc tự động hóa.

Thị trường lao động đã và đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với chuyển đổi số. Theo khảo sát của Công ty CP Anphabe (chuyên tư vấn về giải pháp thương hiệu nhà tuyển dụng và môi trường làm việc), sự tập trung vào chuyển đổi số ở doanh nghiệp ngày càng tăng. Nếu năm 2020 có khoảng 49% số doanh nghiệp tập trung vào chuyển đổi số, đến năm 2023 con số này đã tăng lên 66%.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, nhận xét, thị trường lao động năm 2024 và những năm tiếp theo sẽ rất khác so với những năm trước đây. Bốn xu hướng là: gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn trở nên yếu thế; gia tăng “khởi nghiệp, tự tạo việc làm”. Thực tế, tại các ngày hội việc làm vừa qua, nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực công nghệ rất lớn và 68% việc làm trong thời gian tới sẽ gắn liền với chuyển đổi số

THÁI PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thoi-cua-lao-dong-so-post737306.html