Thời đại 4.0 khiến ngành Toán kinh tế phải đổi mới cách tiếp cận trong đào tạo

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế mạnh của ngành Toán kinh tế được phát huy và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động với nhiều cơ hội việc làm tiềm năng.

Đa dạng vị trí việc làm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Thế - Trưởng khoa Toán Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Sự phát triển và tiến bộ không ngừng của khoa học công nghệ đã tác động đến cơ chế vận hành trong lĩnh vực kinh doanh với nhiều đổi mới. Do đó, nguồn nhân lực chất lượng cao có đầy đủ kiến thức và kỹ năng liên quan đến thống kê, phân tích dữ liệu, phân tích rủi ro, phân tích định lượng, toán ứng dụng trong kinh tế – tài chính đang được đông đảo doanh nghiệp, tổ chức săn đón.

Trên cơ sở đó, cử nhân ngành Toán kinh tế và những chương trình đào tạo liên quan có thể ứng tuyển vào bất cứ một cơ quan, doanh nghiệp nào trong thị trường lao động hiện nay.

Cử nhân ngành Toán kinh tế có thể đảm nhận các vị trí như chuyên viên phân tích, dự báo, tư vấn chính sách trong các cơ quan Bộ, ngành, các tổ chức kinh tế; chuyên viên về quản trị rủi ro trong các định chế tài chính, các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình của nền kinh tế và các tổ chức kinh tế, xã hội; làm nghiên cứu viên, giảng viên về Toán ứng dụng tại các viện nghiên cứu, các trường đại học và cao đẳng kinh tế.

Với khả năng xây dựng mô hình quản trị rủi ro, quản lý tài sản, thiết kế và định giá, đánh giá các tài sản bảo hiểm, tài chính, quỹ đầu tư giúp cử nhân Toán kinh tế có cơ hội làm việc tại các công ty bảo hiểm, ngân hàng và tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư tài chính…

Ngoài ra sinh viên tốt nghiệp có thể phụ trách thiết lập các kế hoạch tài chính, hưu trí cho các cá nhân và doanh nghiệp, xây dựng các mô hình đánh giá chính sách kinh tế xã hội và dự báo tại các công ty tư vấn.

Bên cạnh khả năng tìm kiếm việc làm tại các doanh nghiệp và tổ chức tài chính, sau khi tốt nghiệp, cử nhân Toán kinh tế có thể tự xây dựng danh mục đầu tư và chủ động tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường mà không cần chịu sự ràng buộc từ bất kỳ đơn vị nào.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Thế, trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển công nghệ ở mọi mặt đời sống xã hội, ngành Toán kinh tế cũng có sự đổi mới về cách tiếp cận trong đào tạo và đóng vai trò lớn đối với sự phát triển của các doanh nghiệp nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Thế - Trưởng khoa Toán Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh : NVCC

Theo đó, Toán kinh tế còn được hiểu là phương pháp tiếp cận dưới hình thức toán học của khoa học kinh tế, giúp kinh tế học diễn giải, trình bày được nhiều vấn đề mà phương pháp diễn giải bằng lời thông thường không có hiệu quả.

Thực tế đã chứng minh, các quyết định trong kinh tế, quản lý và kinh doanh được đưa ra đều dựa trên các thông tin đã được lượng hóa nên thường có tính tin cậy cao hơn.

Các lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng của Toán kinh tế trong thực tế có thể kể đến như mô hình hóa hệ thống hoặc thể chế kinh tế, thực hiện các dự báo kinh tế vĩ mô và vi mô, các phương pháp tối ưu hóa nguồn lực và vận hành trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý và tính toán các rủi ro tài chính, thực hiện phân tích và dự báo trên thị trường tài chính, chứng khoán và nhiều lĩnh vực khác.

Còn Tiến sĩ Trần Thị Tuấn Anh - Phó trưởng khoa Toán - Thống kê, Trường Công nghệ và Thiết kế, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Trong thời đại công nghệ 4.0, Toán kinh tế đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phân tích và giải quyết các vấn đề kinh tế - tài chính, quản lý rủi ro và tối ưu hóa các quyết định kinh doanh. Đây chính là điều cần thiết để đối phó với các thách thức của kinh tế số và hội nhập toàn cầu.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa, việc quản lý rủi ro ngày càng trở nên quan trọng. Trên cơ sở đó, ngành Toán kinh tế sẽ cung cấp các kiến thức và công cụ hữu hiệu để phân tích rủi ro, định lượng và dự báo các xu hướng kinh tế, đánh giá hiệu quả các chiến lược kinh doanh để phòng ngừa rủi ro hoặc để tìm kiếm lợi nhuận.

Hơn nữa trong kỷ nguyên dữ liệu lớn, khả năng phân tích và giải thích dữ liệu là vô cùng quan trọng. Những chuyên gia Toán kinh tế có nhiệm vụ cung cấp cái nhìn sâu sắc dựa trên dữ liệu, hỗ trợ đưa ra quyết định quản lý, giải pháp kinh doanh và các dự báo.

Nâng cao chất lượng đào tạo, “bám sát” thực tiễn

Ở Việt Nam, Khoa Toán kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân có thể coi là đơn vị đầu tiên trên cả nước có chương trình đào tạo chính thống về ngành Toán kinh tế.

Khoa Toán kinh tế vừa được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cơ cấu thành một Khoa thuộc Trường Công nghệ, mở ra cơ hội thay đổi mạnh mẽ về chất lượng trong đào tạo ngành Toán kinh tế, trong đó tập trung nhiều hơn vào đào tạo kiến thức và kỹ năng ứng dụng công nghệ và xử lý dữ liệu lớn.

Tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngành Toán kinh tế được đào tạo với hai định hướng chuyên sâu là Toán kinh tế và Toán tài chính.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Thế cho biết, trong những năm gần đây, theo xu hướng tự chủ của trường, khoa Toán kinh tế tiếp tục đẩy mạnh mở ra những chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội như chương trình Định phí bảo hiểm và Quản trị rủi ro, chương trình Khoa học dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh đều học và giảng dạy bằng Tiếng Anh.

Ngoài ra là các ngành học có liên quan mật thiết với Toán kinh tế như vận trù học, quản trị rủi ro định lượng, thống kê ứng dụng…đang được chuẩn bị để đưa vào tuyển sinh và đào tạo.

Trong tương lai gần, khi Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trở thành trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, ngành Toán kinh tế sẽ không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực kinh tế mà còn mở được rộng ra các lĩnh vực khác của đời sống xã hội như môi trường, y tế, chăm sóc sức khỏe.

Ở bậc cử nhân, chương trình đào tạo ngành Toán kinh tế bao gồm 130 tín chỉ. Năm học thứ nhất, sinh viên được học các khối kiến thức liên quan đến Pháp luật đại cương, Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, kiến thức về đại số, giải tích, lý thuyết xác suất.

Đến năm học thứ hai và thứ ba, bên cạnh các kiến thức chuyên ngành về kinh tế, khối kiến thức được nâng lên để người học tìm hiểu về mô hình phân tích, định giá tài sản, kiến thức về các ngân hàng thương mại, mô hình tài chính công ty. Ngoài ra các kỹ năng và kiến thức nền tảng về cơ sở lập trình, ngôn ngữ lập trình (R, Python), tối ưu hóa, thống kê, phân tích chuỗi thời gian và dự báo, quản trị rủi ro định lượng .....

Năm học cuối, một số môn học về phân tích dữ liệu nâng cao và ứng dụng được lựa chọn giảng dạy như Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, Marketing định hướng dữ liệu.

Trong năm học này, sinh viên sẽ đi thực tập và hoàn thiện khóa luận tốt nghiệp.

Thầy Thế cho hay, để tiếp cận với sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ chuyển đổi số trong các hoạt động của doanh nghiệp và các đơn vị hành chính sự nghiệp, chương trình đào tạo ngành Toán kinh tế cũng đang được tích hợp mạnh mẽ hàm lượng mang tính công nghệ và xử lý dữ liệu lớn.

Với các môn học truyền thống của ngành, khoa đã đẩy mạnh nhiều môn học liên quan đến phân tích dữ liệu lớn, các công cụ trên máy tính được đưa vào giảng dạy với mục đích cung cấp cho sinh viên những kỹ năng phân tích hiện đại có sự hỗ trợ của công nghệ nhằm đáp ứng được những yêu cầu của các cơ quan doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số và áp dụng công nghệ AI.

Với các môn học trước đây nặng về lý thuyết cũng được cơ cấu lại trong phần thực hành, đào tạo kỹ năng được phân bổ thời lượng một cách đáng kể. Nhờ vậy, sinh viên sẽ được cung cấp cả tư duy về giải quyết vấn đề bằng các giải pháp sẵn có dựa trên nền tảng những kỹ năng về sử dụng công nghệ và phương pháp phân tích hiện đại.

Trong khi đó, ngành Toán kinh tế tại Trường Công nghệ và Thiết kế, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh được đào tạo theo 2 chuyên ngành/ chương trình đào tạo bao gồm chuyên ngành Phân tích rủi ro và định phí bảo hiểm và chuyên ngành Toán tài chính.

Tiến sĩ Trần Thị Tuấn Anh cho biết, chương trình đào tạo chuyên ngành Phân tích rủi ro và định phí bảo hiểm sẽ cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về toán học ứng dụng và các phương pháp thống kê để đánh giá rủi ro trong bảo hiểm, tài chính và các ngành khác.

Tiến sĩ Trần Thị Tuấn Anh - Phó trưởng khoa Toán - Thống kê, Trường Công nghệ và Thiết kế, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh : NVCC

Cụ thể, sinh viên sẽ được học các khái niệm nâng cao trong toán học và thống kê, bao gồm xác suất, thống kê toán học, và các mô hình toán học phức tạp dùng để phân tích rủi ro và định phí bảo hiểm. Kiến thức này là nền tảng cần thiết cho bất kỳ nhà khoa học bảo hiểm chuyên nghiệp nào.

Bên cạnh các môn học cốt lõi Phân tích rủi ro và định phí bảo hiểm, người học cũng được cung cấp thêm các môn học về kinh tế, kế toán, tài chính, pháp luật, ngân hàng…Theo đó, các nội dung học tập chú trọng xây dựng về kỹ năng mềm, tư duy thiết kế, tư duy logic nhằm phát triển kỹ năng tổng quát cần thiết cho mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong môi trường làm việc hiện đại.

Mặt khác, chương trình đào tạo được thiết kế dựa trên các tiêu chuẩn giáo dục của Ohio State University và Hiệp hội chuyên gia định phí bảo hiểm Mỹ (SOA). Do đó, trong quá trình học, sinh viên có thể đăng ký thi các chứng chỉ quốc tế của Hiệp hội định phí Mỹ (SOA – Society of Actuary) và được quốc tế công nhận.

Các kỳ thi tương ứng với nội dung chương trình học bao gồm Exam P, Exam FM, Exam SRM, Exam FAM.

Với chuyên ngành Toán tài chính, mục tiêu đào tạo của trường nhằm giúp người học có khả năng ứng dụng các lý thuyết toán học chuyên sâu vào các bài toán kinh tế tài chính thực tiễn, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về môi trường làm việc thực tế tại Việt Nam cùng những biến đổi, xu thế chung toàn cầu.

Theo đó, sinh viên được học các khái niệm toán học cơ bản và nâng cao như giải tích, đại số tuyến tính, thống kê và xác suất, cung cấp công cụ mạnh mẽ cho việc phân tích và giải quyết các vấn đề tài chính, được trang bị những hiểu biết sâu về các nguyên tắc và phương pháp định giá tài sản, quản lý danh mục đầu tư, phân tích đầu tư, và các nguyên tắc cơ bản của định giá tài sản tài chính.

Ngoài ra là khả năng sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu chuyên dụng để phân tích và mô hình hóa dữ liệu tài chính, phát triển kỹ năng lập trình cần thiết cho việc tự động hóa các phân tích và phát triển các mô hình tài chính phức tạp cùng nhiều cơ hội tiếp cận với mạng lưới rộng lớn của các chuyên gia trong ngành và cựu sinh viên thành đạt, mở rộng cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Ngành học “khó", công tác tuyển sinh và đào tạo cần yêu cầu đặc biệt

Bạn Vũ Thương, sinh viên năm thứ ba khoa Toán Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận xét: “So với các ngành học khác cùng lĩnh vực, ngành Toán kinh tế có khối kiến thức nặng hơn vì liên quan nhiều đến số liệu. Cũng là tính toán nhưng cách triển khai và thực hiện sẽ cần đến tư duy logic và khác hoàn toàn so với cách tính thông thường ở cấp 3. Vì thế, đa số sinh viên trong giai đoạn đầu khi mới được tiếp xúc sẽ cần một khoảng thời gian để làm quen và thích nghi với dạng kiến thức này.

Tuy nhiên, khi đã thực sự hiểu và biết cách áp dụng, người học sẽ nhận ra kiến thức rất thực tế và gần với thực tiễn, chỉ cần có sự yêu thích và thái độ học tập nghiêm túc, không ngừng phát huy, cố gắng là sẽ có thể chinh phục được ngành Toán kinh tế", Vũ Thương chia sẻ.

Theo đánh giá từ Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Thế, ngành Toán kinh tế là một trong số những ngành học khó nhất tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Do đó, công tác tuyển sinh và đào tạo ngành học cũng có nhiều yêu cầu đặc biệt.

Đầu tiên, cần phải nhắm đúng đối tượng là các học sinh có khả năng về Toán và đặc biệt là không ngại học Toán, thống kê và xác suất và máy tính.

Thứ hai, chủ trương tuyển đủ số lượng, đảm bảo chỉ tiêu có thể đào tạo và chất lượng cũng như thái độ của thí sinh.

Bên cạnh năng lực và tư duy Toán học tốt, điều quan trọng dành cho sinh viên khi lựa chọn ngành học này chính là nhận thức được nội hàm và chương trình đào tạo của ngành học. Qua đó, sinh viên xác định đúng mục tiêu trọng tâm, hiểu rõ năng lực của mình ở mức độ nào để có thể kiên định theo đuổi và thực hiện mục tiêu đã đặt ra.

Mặt khác, khi nhận biết của xã hội về ngành học chưa đủ và chỉ coi đây là một ngành Toán đơn thuần, các doanh nghiệp thì muốn tuyển dụng được nhân sự chất lượng cao, bắt buộc nhà trường phải thay đổi phương pháp tiếp cận.

Theo thầy Thế, để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao và phù hợp với thị trường lao động, nhà trường đã và đang không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo qua mỗi năm. Trong chương trình đào tạo với các học phần cung cấp kiến thức, cần phải lồng ghép và gắn với những yêu cầu về kỹ năng, kiến thức thực tế mà doanh nghiệp cần.

Theo đó, hiệu quả của sự đổi mới này này đang được kiểm chứng ngày một rõ ràng qua những phản hồi tích cực từ các đơn vị tuyển dụng.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Thị Tuấn Anh cho hay, Trường Công nghệ và Thiết kế, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã nhìn nhận từ bối cảnh nền kinh tế và sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ để nhận thấy việc cập nhật chương trình đào tạo phản ánh những thay đổi này là thách thức lớn.

Khó khăn lớn nhất đơn vị đào tạo gặp phải chính là sự phát triển, thay đổi liên tục các sản phẩm mới làm sao để phù hợp với xu thế toàn cầu, thị trường lao động, người học và kể cả các chính sách.

Để khắc phục và giải quyết vấn đề, nhà trường thường xuyên có những đợt điều chỉnh và cập nhật nội dung giảng dạy để phù hợp với xu hướng và thay đổi của ngành, ưu tiên phát triển cơ sở vật chất và trang thiết bị; chú trọng đầu tư vào phòng lab, phần mềm chuyên dụng và công cụ phân tích để sinh viên có thể thực hành trên các công cụ thực tế được sử dụng trong ngành.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức nghề nghiệp để thiết lập mối quan hệ đối tác với các công ty bảo hiểm và tài chính, cung cấp cơ hội thực tập, dự án thực tế và nâng cao hiểu biết thực tiễn cho sinh viên.

Sinh viên khoa Toán - Thống kê, Trường Công nghệ và Thiết kế - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tham quan và tìm hiểu hoạt động tại ngân hàng Nam Á - chi nhánh Hiệp Tân, Ảnh : website trường

Trường đẩy mạnh xây dựng các chương trình, tạo điều kiện cho giảng viên tham gia các khóa học phát triển chuyên môn, hội nghị quốc tế và các chương trình trao đổi để nâng cao trình độ và kinh nghiệm giảng dạy, tích cực mời các chuyên gia đang hoạt động trong lĩnh vực tham gia giảng dạy hoặc báo cáo ngoại khóa cho sinh viên, mang lại cái nhìn thực tế và cập nhật cho người học.

Theo đó, những biện pháp này không chỉ giúp sinh viên phát triển kỹ năng và kiến thức cần thiết mà còn đảm bảo rằng chương trình đào tạo luôn phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động hiện đại, từ đó tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với các cơ hội nghề nghiệp tốt sau khi tốt nghiệp.

Đào Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thoi-dai-40-khien-nganh-toan-kinh-te-phai-doi-moi-cach-tiep-can-trong-dao-tao-post242727.gd