Thời đại 'chat nhóm'

Chúng ta đang tham gia hàng chục nhóm chat, từ nhóm công việc, bàn dự án, nhóm bạn bè và gia đình. Group chat trở thành hiện tượng xã hội, định hình lại cách chúng ta giao tiếp.

Chúng ta đã bước vào thời đại giao tiếp xã hội thông qua group chat - đó là nhận định của Sophie Haigney, nhà phê bình và là tác giả bài viết "How Group Chats Rule the World" (tạm dịch: Nhóm chat thống trị thế giới) trên New York Times.

Haigney thấy mình nhắn tin mọi lúc, nhận tin nhắn liên tục, luân phiên là người nghe và người phát biểu nhiệt tình trong từng nhóm chat khác nhau. Cô nhắn trên máy tính rồi chuyển sang điện thoại. Đôi khi bẵng đi chừng 2 tiếng, cô quay lại và thấy 279 tin nhắn đang chờ.

"Với một số người đó có thể là cơn ác mộng, nhưng tôi thì không", Haigney - là một cô gái dưới 30 tuổi, chuyên làm việc trên máy tính và có thói quen dùng mạng xã hội - nói.

"Ai đó gửi đường link một bài báo, cập nhật tình hình, gửi một câu đùa, một trò đùa khác, lại thêm một câu ngớ ngẩn, một lời giới thiệu sách, một bức ảnh hài hước...", Haigney miêu tả nội dung cô nhận được trên các nhóm chat của mình.

Cô không phải người duy nhất gia nhập vào "xã hội trò chuyện nhóm". Theo một khảo sát được công bố vào tháng 11/2023, thực hiện với 1.005 người Mỹ trưởng thành, người Mỹ trung bình dành 26 phút/ngày để đọc và trả lời các tin nhắn nhóm, Business Insider đưa tin. 2/3 trong số họ nói rằng "choáng ngợp" vì chúng.

Nhóm chat định hình xã hội như thế nào

Trò chuyện qua tin nhắn trực tuyến đã có từ nhiều thập kỷ nay. Ban đầu, người ta chỉ có thể nhắn tin cho nhau ở một địa điểm cố định (với máy tính) và thời điểm cố định (cả hai cùng online). Điều đó khiến khái niệm online và offline hình thành.

Điện thoại thông minh xuất hiện đã phá vỡ quy tắc này. Năm 2008, Apple cung cấp tính năng nhắn tin cho nhiều người cùng một lúc, chuyển số lượng SMS hạn chế sang hệ thống iMessage.

Các nhà cung cấp dịch vụ nhắn tin khác cũng học theo. Một thập kỷ tiếp theo, nhóm chat đã chuyển từ công cụ thông báo tin tức quan trọng cho nhóm lớn thành một hiện tượng xã hội phổ biến, mọi người đều tham gia.

 Mỗi người tham gia nhiều nhóm chat khác nhau, với đối tượng và mục tiêu khác biệt. Ảnh: Pexels.

Mỗi người tham gia nhiều nhóm chat khác nhau, với đối tượng và mục tiêu khác biệt. Ảnh: Pexels.

Các group chat phục vụ nhiều mục đích khác nhau, từ công việc đến chuyện riêng tư. Một nhóm trò chuyện mới có thể được lập trước bữa tiệc cuối tuần, nơi người tham gia được thêm vào, họ trao đổi với nhau về địa điểm, trang phục hay những câu chuyện phiếm.

Chúng ta có thể có một nhóm chat với bạn bè thời trung học, một nhóm cho bạn đại học, một cái cho vài đồng nghiệp ở công ty, nhóm với bố mẹ và chị gái, một nhóm khác chỉ có bố và chị gái...

Một số nhóm chat khác tồn tại với mục đích khá mơ hồ là "giữ liên lạc" với người thân hay bạn bè ở xa, có thể là người quen cũ cách đây cả thập kỷ.

"Các loại hình giao tiếp từng bị giới hạn bởi khả năng trò chuyện ngoài đời thực của con người giờ đây diễn ra với tốc độ chưa từng thấy, theo nhiều hướng cùng một lúc. Chúng ta được liên kết cố định một cách kỳ lạ, với các 'tập hợp con' của nhóm bạn bè và gia đình", Haigney nhận xét.

Một điều đặc biệt là chúng ta có thể nhận được tin nhắn ngay cả khi offline, có thể trả lời tin nhắn nhóm sau một tuần mà cuộc trò chuyện vẫn có thể tiếp tục. Thực tế, cuộc trò chuyện nhóm vẫn cứ tiếp diễn, dù ta làm gì và ở đâu, dù ta không hề lên tiếng.

"Vì nhóm chat không có mục đích cụ thể, nên nó có thể là một phương tiện để tập hợp một nhóm người. Chúng ta có thể vào đọc tin nhắn trong nhóm, xem qua rồi quay lại công việc của mình. Tôi có thể bỏ qua cuộc trò chuyện và bắt đầu lại vào tuần sau", Haigney nói, giải thích thêm các thành viên có thể không nhắn gì vào nhóm suốt một thời gian nhưng cuộc trò chuyện không thực sự kết thúc.

"Ai tham gia nhóm chat nào" cũng định hình kết nối xã hội ngoài đời thực, phản ánh mối quan tâm của từng cá nhân ở mỗi thời điểm khác nhau. "Tôi biết có những nhóm chat mà mình không góp mặt, nơi những người tôi quen thân đang trò chuyện riêng với nhau", Haigney bày tỏ.

 Nhóm chat tập hợp những người có cùng mối quan tâm, được thêm thành viên và biến mất sau khi người ta mất dần hứng thú. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhóm chat tập hợp những người có cùng mối quan tâm, được thêm thành viên và biến mất sau khi người ta mất dần hứng thú. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Cô chia sẻ một trong những group chat yêu thích của cô, mà bây giờ không còn hoạt động nữa, là nhóm được đặt tên "Recently Single Club" (tạm dịch: Những cô nàng vừa về chế độ độc thân).

Đây là nhóm của cô cùng 2 người khác, nơi cùng nhau kể về chuyện mới chia tay. Họ đã nhắn tin liên tục suốt mùa xuân và mùa hè, cho nhau thấy sự hiện diện, không liên tục nhưng đáng tin cậy.

Cuối cùng, nhóm chat được đổi tên khi họ đã tìm được người yêu mới, rồi những cuộc nhắn tin dần vơi bớt và biến mất hoàn toàn. Các thành viên tham gia vào nhóm khác lớn hơn, với chủ đề mới.

Theo Insider, tính hấp dẫn lớn nhất của group chat nằm ở chỗ chúng đã trở thành phương tiện truyền thông xã hội duy nhất thực sự mang tính xã hội.

Phương tiện truyền thông xã hội ban đầu được hình thành một cách công khai, ít nhất là để thúc đẩy kết nối. Mark Zuckerberg từng hứa rằng Facebook sẽ "trao cho mọi người khả năng chia sẻ và khiến thế giới trở nên cởi mở và kết nối hơn". Twitter thề sẽ "phục vụ cuộc trò chuyện của công chúng".

Nhưng "sự kết nối" đã phải nhường chỗ cho nền kinh tế chú ý - khi các nền tảng mạng xã hội khai thác sự chú ý của con người như một mặt hàng khan hiếm. Họ tìm mọi cách thu hút người dùng, khiến họ chìm đắm vào việc lướt các dòng tweet hay cuộn video trên TikTok.

Group chat trở thành nơi hiếm hoi mà bạn không bị khai thác để kiếm tiền, không bị làm phiền bởi các quảng cáo bất ngờ về một đôi giày hay món mỹ phẩm nào đó.

Các nhóm trò chuyện cũng hệ thống hóa tầng lớp xã hội của riêng nó. Có người chia sẻ những meme hay nhất; có người luôn đưa trò đùa đi quá xa; có người chuyên viết hoa mọi ký tự hay gửi các icon để bày tỏ cảm xúc...

Cẩn trọng với những gì bạn nhắn

Group chat đã phổ biến từ gia đình, trường học đến các doanh nghiệp và xâm nhập vào giới chính trị. Nó đem lại nhiều tích cực, nhưng cũng ẩn chứa rắc rối mà người dùng phải cảnh giác.

Đôi khi, "những gì bạn nhắn trong nhóm sẽ trở thành bằng chứng trước tòa" - thể hiện ở việc nhiều bằng chứng trong các vụ án là ảnh chụp màn hình tin nhắn trong nhóm kín.

Có thể kể đến vụ Sam Bankman-Fried (hay SBF), cựu CEO sàn giao dịch tiền điện tử FTX, bị kết án nhanh chóng một phần nhờ vào nội dung tin nhắn nhóm qua ứng dụng mã hóa Signal.

Luồng tin nhắn trên Signal được đặt tên "small group chat", gồm Bankman-Fried, Caroline Ellison (bạn gái cũ của anh ta, cũng là CEO một công ty anh sở hữu) và Joe Bankman (cha của SBF và là người đóng vai trò cố vấn trong các vấn đề liên quan đến thuế).

Nhóm chat được khởi tạo ngày 2/11/2022, cùng ngày FTX thông báo khủng hoảng thanh lý và bắt đầu tìm nguồn tiền để vá lỗ hổng trong bảng cân đối kế toán. Những tin nhắn hoảng loạn trong "small group chat", cùng các bằng chứng khác, đã trở thành bằng chứng khiến Bankman-Fried đối diện 7 tội danh lừa đảo.

 Có nhiều nguyên tắc "ngầm" trong các nhóm chat. Ảnh: New York Times.

Có nhiều nguyên tắc "ngầm" trong các nhóm chat. Ảnh: New York Times.

Bài viết "The unwritten rules of today’s teen group texts" (tạm dịch: Quy tắc bất thành văn cho nhóm chat của thanh thiếu niên) của Washington Post đã cảnh báo: "Đừng nhắn bất cứ điều gì bạn không muốn bị chụp màn hình".

Đây là lời khuyên khôn ngoan, nhưng cũng phản ánh mức độ rối ren ở các trường trung học. Lời khuyên này cũng đúng cho người trưởng thành khi tham gia các nhóm chat. Nếu làm theo, bạn sẽ an toàn, nhưng tất nhiên niềm vui chat chit sẽ giảm xuống bởi độ thân mật, vô tư của nhóm trò chuyện mất đi.

Một thế kỷ trước, nhà hoạt động xã hội Emily Post đã xuất bản cuốn sách "Etiquette in Society, in Business, in Politics, and at Home" - bàn về cách cư xử và các quy tắc xã giao trong xã hội, trong kinh doanh, chính trị và ở nhà.

Nhưng ngày nay, bạn bè xã hội, đối tác kinh doanh, chính trị gia và người nhà đều ở trong nhóm chat. Để tồn tại và phát triển, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải thống nhất về "Nghi thức trong trò chuyện nhóm".

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/thoi-dai-chat-nhom-post1455607.html