Thôn, bản đổi thay nhờ mô hình hay của bộ đội

Để giúp đồng bào vùng biên cương Đông Bắc có cuộc sống ấm no, nhiều năm qua, cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 327, Quân khu 3 luôn chủ động triển khai và phối hợp thực hiện nhiều mô hình giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa.

Sau hơn 3 năm được cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 156, Đoàn KT-QP 327 kiên trì giúp đỡ và hướng dẫn cách chăm bón cây ăn quả, vừa qua, lứa mận trồng đợt đầu của một số hộ gia đình trên khu dân cư Trình Tường (thôn Bắc Cương, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) đã bắt đầu cho quả. Là người có nhiều năm gắn bó giúp đồng bào nơi đây trồng và chăm sóc cây mận, Trung tá Trần Công Phi, Đội trưởng Đội sản xuất số 1, Lâm trường 156 cho biết: “Do cây mới bói quả nên sản lượng thu hoạch của cả khu chỉ được hơn 1,5 tấn. Mừng là quả mận Trình Tường to, giòn, ăn rất ngọt nên bán được giá từ 30.000 đồng đến 45.000 đồng/kg”.

Cũng theo Trung tá Trần Công Phi, mận Trình Tường bán được giá cao là do khu dân cư nằm trên trục đường đi lên “sống lưng khủng long”. Đây là địa điểm du lịch thu hút nhiều phượt thủ tìm đến tham quan, khám phá vào dịp hè. Tận dụng lợi thế này, bộ đội Lâm trường cử lực lượng đón, hướng dẫn khách du lịch ghé thăm các vườn mận ở Trình Tường, đồng thời vận động du khách mua mận giúp bà con. Chất lượng quả mận ở đây ngon nên du khách rất thích.

Trước đây, Trình Tường là khu dân cư nghèo với hơn 10 hộ người dân tộc Dao sinh sống giáp biên giới. Nằm tách biệt trên núi cao, giao thông không thuận tiện, cộng thêm trình độ dân trí thấp khiến việc triển khai các mô hình giúp bà con nơi đây phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của cấp ủy, chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn. Nguồn sống của người dân chủ yếu dựa vào đi rừng khiến cái đói, cái nghèo bủa vây quanh năm. Để giúp người dân Trình Tường có cuộc sống no đủ, đầu năm 2020, Lâm trường 156 phối hợp với cấp ủy, chính quyền huyện Bình Liêu triển khai kế hoạch xây dựng nơi đây thành “Khu dân cư biên giới điển hình”.

Cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 42, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 giúp người dân xã Bắc Sơn (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) chăm sóc vườn cam.

Cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện Lâm trường 42, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 327 giúp người dân xã Bắc Sơn (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) chăm sóc vườn cam.

Là người đề xuất và dành nhiều tâm huyết cho mô hình này, Trung tá Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Lâm trường 156 cho biết: “Đơn vị đã thuê máy xúc, máy ủi về cải tạo đất, san mặt bằng, khảo sát chất đất, khí hậu, sau đó mua cây giống tặng bà con. Ban đầu chúng tôi mua mận, hồng, mít về trồng thử. Do thời tiết trên núi cao lạnh, sương mù quanh năm, chỉ có cây mận thích nghi được nên chúng tôi tập trung mở rộng diện tích trồng mận. Người dân Trình Tường chưa có kiến thức trồng trọt, vì vậy việc đào hố, trồng cây, chăm sóc ban đầu đều do bộ đội thực hiện. Khi cây bén rễ, đơn vị bàn giao lại cho người dân, đồng thời hướng dẫn bà con cách vun xới, bón phân”.

Sau hơn 3 năm kiên trì bám địa bàn, đến nay, Lâm trường 156 đã giúp bà con Trình Tường trồng được hơn 3.000 cây mận. Ông Giáp Văn Ngôn, Chủ tịch UBND xã Hoành Mô khẳng định: “Hiệu quả của mô hình không chỉ là những vườn mận lên xanh tốt mà quan trọng hơn là nếp nghĩ, cách làm của đồng bào nơi đây đã dần thay đổi. Giờ đây, người dân Trình Tường không còn chỉ biết lên rừng lấy củi, hái măng bán lấy tiền đong gạo ăn qua ngày như trước mà đã chủ động chăm sóc vườn mận nhà mình. Đây là tín hiệu mừng để người dân Trình Tường thoát nghèo trong thời gian tới”.

Những năm qua, cán bộ, nhân viên Đoàn KT-QP 327 đã trở thành “kỹ sư nông nghiệp” có mặt ở khắp các bản làng vùng cao để hướng dẫn người dân cách trồng trọt, chăn nuôi. Hàng chục mô hình trồng lúa lai, ngô lai, hồi, quế, mận, cam, chè hoa vàng và chăn nuôi gia súc, gia cầm được các lâm trường của Đoàn triển khai thành công, góp phần giúp hàng trăm gia đình thoát khỏi đói nghèo, dần có của ăn của để.

Hiện nay, Đoàn KT-QP 327 đang tiếp tục triển khai một số mô hình như: “Nông-lâm kết hợp”; “Phát triển vườn cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia cầm”; “Hỗ trợ trồng cây gỗ lớn”; “Vườn-ao-chuồng”... Trung tá Nguyễn Văn Đạo, Trợ lý Dân vận, Phòng Chính trị Đoàn KT-QP 327 cho biết: “Các lâm trường chủ động khảo sát, tìm hiểu phong tục tập quán, nếp sinh hoạt, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng bản làng và nhu cầu của người dân để lựa chọn con giống, cây trồng hỗ trợ người dân phù hợp. Điều này giúp các mô hình được triển khai thuận lợi, thu hút nhiều gia đình hưởng ứng tham gia”.

Để các mô hình triển khai hiệu quả, Đoàn KT-QP 327 yêu cầu mỗi lâm trường chỉ lựa chọn 2 đến 3 thôn (bản), ưu tiên những bản làng vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ đói nghèo cao để giúp đỡ. Việc giúp đỡ được triển khai có kế hoạch, lộ trình với những phần việc cụ thể; 6 tháng, cuối năm tổ chức rút kinh nghiệm đánh giá kết quả. Đại tá Nguyễn Văn Huy, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 327 cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các lâm trường phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương và đơn vị Bộ đội Biên phòng cùng chung tay thực hiện các dự án, mô hình. Điều này đã tạo được nhiều nguồn lực để giúp đỡ bà con, các mô hình, dự án được triển khai hiệu quả hơn”.

Sự kiên trì, sát cánh cùng đồng bào của bộ đội Đoàn KT-QP 327 trong nhiều năm qua đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương; tăng cường mối quan hệ quân dân nơi biên cương ngày càng bền chặt; qua đây giúp diện mạo các bản làng ở vùng biên giới Đông Bắc thêm khởi sắc, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định; tiềm lực, thế trận quốc phòng vùng biên cương được tăng cường vững chắc.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/thon-ban-doi-thay-nho-mo-hinh-hay-cua-bo-doi-738545