THỐNG NHẤT HÓA CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ QUY HOẠCH NÔNG THÔN

Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 tới đây. Dự án Luật được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất, để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Hợp nhất quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và xây dựng trong một luật

Theo Tờ trình của Chính phủ, tính đến tháng 12/2023, tổng số đô thị cả nước là 902 đô thị, bao gồm: 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 35 đô thị loại II, 46 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV, 703 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 42,6%. 100% thành phố, thị xã, thị trấn đã có quy hoạch chung được duyệt; quy hoạch phân khu tại đô thị đặc biệt và đô thị loại 1 ước tính khoảng đạt khoảng 79%, tại đô thị còn lại ước tính khoảng 55% so với đất xây dựng đô thị.

Đô thị hóa là quá trình tất yếu, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Việc kết hợp hài hòa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa đô thị và khu vực nông thôn trong tiến trình đô thị hóa là hết sức cần thiết. Do đó, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần có tư duy đổi mới và cần được quy định thống nhất trong cùng một Luật để đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, dễ triển khai áp dụng trong thực tiễn.

Thời gian qua, để thể chế hóa các định hướng lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước qua từng giai đoạn, thời kỳ.

Hiện nay, pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn được quy định tại 2 luật chính là Luật Quy hoạch Đô thị và Luật Xây dựng.

Hiện nay, pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn được quy định tại 2 luật chính là Luật Quy hoạch Đô thị và Luật Xây dựng.

Hiện nay, pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn được quy định tại 2 luật chính là Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 62/2020/QH14 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Ngoài ra, trong hệ thống pháp luật có những luật liên quan đến quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng như: Luật Quy hoạch năm 2017, Luật Kiến trúc năm 2019, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Đất đai năm 2013; Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các luật chuyên ngành liên quan đến quy hoạch...

Trong 14 năm thi hành Luật Quy hoạch Đô thị, 9 năm thi hành Luật Xây dựng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị, nông thôn đã cơ bản được ban hành đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phát triển đô thị, nông thôn và khu chức năng, khai thác hiệu quả sử dụng đất, góp phần nâng cao chất lượng không gian, kiến trúc, cảnh quan, môi trường sống của người dân, đóng góp vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh...

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn mặc dù đã được sửa đổi bổ sung và ngày càng hoàn thiện nhưng chưa được điều chỉnh thống nhất tại một luật. Việc điều chỉnh trực tiếp tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 (Chương II về Quy hoạch xây dựng) và tại nhiều luật khác có liên quan đang gây khó khăn cho công tác áp dụng và thi hành.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn thừa ủy quyền trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn thừa ủy quyền trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng (nay đề xuất là quy hoạch đô thị và nông thôn) với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 chưa được quy định rõ. Do vậy, cần phải quy định trong một Luật, thống nhất về tên gọi, làm rõ nội hàm của quy hoạch đô thị và nông thôn cũng như mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.

Trên cơ sở triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Và thực hiện Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, có thể thấy rằng, việc xây dựng Luật Quy hoạch Đô thị và nông thôn là cần thiết và hoàn toàn phù hợp…

Gắn phát triển đô thị với phát triển nông thôn

Mục tiêu xây dựng Luật Quy hoạch Đô thị và nông thôn nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch tại khu vực đô thị và nông thôn, trên cơ sở hợp nhất các quy định hiện hành tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; Bảo đảm hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn với Luật Quy hoạch năm 2017 và các pháp luật khác có liên quan.

Tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn khắc phục các tồn tại; Hạn chế bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, hội nhập quốc tế; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Phát huy đầy đủ vai trò của các tổ chức, cá nhân và xã hội trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn; Đảm bảo lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội…

Luật Quy hoạch Đô thị và nông thôn sẽ được thực hiện trên quan điểm thể chế hóa định hướng lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, gắn phát triển đô thị với phát triển nông thôn, nâng cao chất lượng môi trường sống, làm việc, hoạt động và tái tạo sức khỏe cộng đồng, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế.

Các đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ tính khoa học, tính hợp lý, khả thi của việc quy định thời hạn quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn khác với thời kỳ quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Các đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ tính khoa học, tính hợp lý, khả thi của việc quy định thời hạn quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn khác với thời kỳ quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Các chính sách phải được quy định thống nhất, đảm bảo minh bạch, khả thi, thuận lợi trong tổ chức thực hiện; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch, xử lý tốt các vấn đề chuyển tiếp; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương tới địa phương trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, nông thôn; Hoàn thiện các quy định, làm cơ sở xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch.

Luật sẽ được xây dựng trên cơ sở thống nhất các quy định về quy hoạch đô thị tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn tại Chương II Luật Xây dựng năm 2014 trong một luật với tên gọi “Luật Quy hoạch Đô thị và nông thôn” để đảm bảo công tác quản lý, phát triển hài hòa đô thị và nông thôn, do không gian quy hoạch, phát triển, đầu tư xây dựng giữa đô thị và nông thôn hiện có sự liên kết chặt chẽ, bổ trợ cho sự phát triển chung của địa phương, vùng và quốc gia. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc áp dụng và thi hành Luật.

Không chỉ kế thừa và phát triển Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Chương II Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn cũng sẽ bổ sung, hoàn thiện nội dung quy định còn tồn tại, hạn chế, bất cập để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện; Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo trong pháp luật liên quan, đảm bảo thống nhất đồng bộ quy định pháp luật về quy hoạch.

Bổ sung một số điểm mới trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn

Dự thảo gồm 05 Chương, 61 Điều. Trong đó: Chương I: Quy định chung; Chương II: Lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; Chương III: Tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn; Chương IV: Quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn, và Chương V: Điều khoản thi hành.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn báo cáo về một số điểm mới của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn báo cáo về một số điểm mới của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Dự thảo Luật lần này có nhiều điểm mới như: Quy định rõ hệ thống quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn về loại, cấp độ quy hoạch (Điều 5 dự thảo Luật) và mối quan hệ với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ về quy hoạch;

Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn: Dự thảo Luật đề xuất tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị mới; điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, khu chức năng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ... Việc phân cấp đảm bảo kế thừa, ổn định hệ thống pháp luật. Một số nội dung cụ thể như: Điều chỉnh trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới (hiện nay quy định Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III) theo hướng phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức lập tất cả các quy hoạch chung đô thị…

Đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: Dự thảo Luật đề xuất rút gọn trình tự lập quy hoạch như không yêu cầu lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chung của thành phố, thị xã, huyện và khu chức năng (trừ đô thị mới, thị trấn và xã); Không yêu cầu lập riêng cấp độ quy hoạch phân khu đối với các đô thị vừa và nhỏ (tích hợp nội dung quy hoạch phân khu vào quy hoạch chung các đô thị loại III, IV, V để giảm việc lập cấp độ quy hoạch phân khu đối với các loại đô thị này, góp phần giảm thời gian, chi phí cho công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng).

Bổ sung, quy định rõ về nội dung quy hoạch không gian ngầm (đối với các đô thị trực thuộc tỉnh) và quy hoạch không gian ngầm (được lập riêng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương và đô thị mới được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương), nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng không gian, gắn kết đồng bộ không gian xây dựng trên và dưới mặt đất, mặt nước; Bổ sung quy định chặt chẽ về điều kiện, bổ sung quy định rõ về nguồn kinh phí cho công tác quy hoạch…

Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86266