'Thu gom phế liệu san sẻ yêu thương'

Mô hình này do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) phát động, mang lại kết quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân về bảo vệ môi trường, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn.

Mô hình “Thu gom phế liệu san sẻ yêu thương” được thành lập tại khóm Bình Nghĩa (thị trấn Cái Dầu). Số tiền sau khi thu gom, bán phế liệu dùng để mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hỗ trợ hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ tập, sách, đồ dùng học tập cho học sinh là con của hội viên nghèo, khó khăn. Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Cái Dầu Lê Thị Lan cho biết, từ lúc phát động đến nay, đơn vị nhận được rất nhiều sự đồng tình, ủng hộ từ cán bộ, hội viên và người dân.

Mô hình trên tác động đến ý thức của từng hội viên, thông qua phân loại rác thải để bảo vệ môi trường. Dần dần, hình thành thói quen phân loại rác thải tại hộ gia đình, đồng thời gây nguồn quỹ hỗ trợ BHYT, giúp phụ nữ, trẻ em hoàn cảnh khó khăn địa phương. “Qua công tác vận động, tuyên truyền của Hội LHPN thị trấn, đến nay đã có hơn 1.000 hộ gia đình tham gia, nhận được hơn 11 triệu đồng mua 4 thẻ BHYT, hỗ trợ chị em có con mắc bệnh hiểm nghèo” - bà Lê Thị Lan cho biết.

Tuyên truyền mô hình cho người dân

Bà Trương Thị Kim Ánh chia sẻ: “Mô hình rất ý nghĩa, vừa bảo vệ môi trường, vừa góp phần nhỏ gây quỹ, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, nên tôi tự nguyện tham gia. Hàng ngày, rác thải sinh hoạt trong gia đình, như: Giấy vụn, chai nhựa, vỏ lon nước… sẽ được phân loại để riêng, chuyển cho tổ thu gom của Chi hội Phụ nữ khóm Bình Nghĩa”.

Khi triển khai mô hình, Hội LHPN huyện Châu Phú xác định hội viên, chị em phụ nữ phải là lực lượng nòng cốt, thực hành trước để hình thành thói quen trong gia đình mình. Từ đó, các cấp hội phụ nữ trong huyện phối hợp chính quyền địa phương, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động để tất cả người dân đều nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, ý nghĩa của hành động thu gom phế liệu và hiệu quả của mô hình. Tuy là việc làm nhỏ, nhưng mô hình mang ý nghĩa lớn, được chị em và Nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Từ mô hình của Hội LHPN thị trấn Cái Dầu thành lập vào tháng 4/2023, đến nay đã lan tỏa, nhân rộng ra xã Mỹ Đức, Bình Long, Bình Mỹ, Bình Chánh, Mỹ Phú và thị trấn Vĩnh Thạnh Trung. Bà Quách Thị Ngọc Huyền (xã Bình Mỹ) chia sẻ: “Tôi thấy mô hình có ý nghĩa trong việc nâng cao ý thức của chị em và người dân bảo vệ môi trường xung quanh. Đặc biệt, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ chị em hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống”.

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Phú Phan Thị Xuân Mai cho biết: “Đến nay, mô hình “Thu gom phế liệu san sẻ yêu thương” trên địa bàn huyện thực sự hiệu quả và lan tỏa. Tổng số tiền quỹ hơn 16 triệu đồng thu được từ mô hình, đã hỗ trợ 7 thẻ BHYT, hỗ trợ tiền mặt giúp hội viên phụ nữ khó khăn hơn 7 triệu đồng, tồn quỹ hơn 3 triệu đồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình trên tất cả các xã, thị trấn; mở rộng thêm thành viên để lan tỏa tính hiệu quả của mô hình, giúp đỡ được nhiều hơn chị em phụ nữ khó khăn”.

Có những chị, ngoài ủng hộ phế liệu đã qua sử dụng tại hộ gia đình, còn trực tiếp gửi tiền mặt hỗ trợ bà con nghèo trị bệnh, nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo địa phương. Mô hình “Thu gom phế liệu san sẻ yêu thương” không chỉ tạo được tinh thần đoàn kết, tương trợ giữa các hội viên, mà còn thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt hội, góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Đồng thời, thực hiện tốt tiêu chí “Sạch nhà, sạch bếp, sạch môi trường” của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Hiệu quả thiết thực từ mô hình “Thu gom phế liệu san sẻ yêu thương” của Hội LHPN huyện Châu Phú mang lại ý nghĩa lớn trong cộng đồng, giúp chị em phụ nữ chủ động phân loại rác thải sinh hoạt, hạn chế rác thải, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp, tạo thói quen tiết kiệm, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

TRỌNG TÍN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-thu-gom-phe-lieu-san-se-yeu-thuong--a394752.html