Thu hút, sử dụng vốn nước ngoài: Trọng tâm, đảm bảo hiệu quả

Hiện trên địa bàn Bình Thuận có 14 dự án sử dụng vốn ODA (vốn đầu tư nước ngoài) và vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài. Các dự án chủ yếu tập trung vào lĩnh vực: Hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp và nông thôn, thủy lợi, giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh… Trong số đó có 7 dự án chuyển tiếp từ các giai đoạn trước và 7 dự án được địa phương vận động, thu hút mới trong giai đoạn 2016 - 2020. Đây là kết quả mà suốt thời gian qua địa phương đã tích cực tiếp đón, làm việc với các đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Hợp tác phát triển Pháp (AFD), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Bỉ (Enable)… nhằm thu hút, vận động nguồn vốn ODA cũng như vốn vay ưu đãi từ nhà tài trợ.

Thu hút

 Trong giai đoạn mới, địa phương tiếp tục kêu gọi các dự án vốn nước ngoài ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, có xói lở bờ biển (ảnh minh họa).

Trong giai đoạn mới, địa phương tiếp tục kêu gọi các dự án vốn nước ngoài ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, có xói lở bờ biển (ảnh minh họa).

Được biết giai đoạn 2016 - 2020, Bình Thuận sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 7 dự án, bao gồm 2 chương trình, dự án thuộc lĩnh vực y tế: Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện; Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin. Có 3 chương trình, dự án thuộc lĩnh vực tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu: Quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên quan đến biến đổi khí hậu ở Bình Thuận; Dự án Quỹ hỗ trợ tăng trưởng xanh; Trồng rừng ven biển chắn sóng, chắn cát để cải thiện môi trường sống và canh tác của người dân trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn có 2 chương trình, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung; Chương trình UN-REDD Việt Nam giai đoạn II tỉnh Bình Thuận.

Thời gian qua, các dự án ODA cũng đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà nhất là phát triển nông nghiệp, nông thôn, cơ sở hạ tầng nông thôn. Qua đó cải thiện thu nhập và đời sống nhân dân, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao chất lượng giáo dục, y tế… Tuy nhiên bên cạnh những tác động tích cực của các dự án, chương trình, địa phương cũng nhìn nhận một số mặt tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong lĩnh vực này. Do vậy thời gian tới cần tinh giản hóa các thủ tục trình duyệt và khởi động dự án, đảm bảo theo dõi hiệu quả cũng như loại bỏ những trở ngại trong quá trình thực hiện liên quan đến quản lý tài chính. Mặt khác sẽ đề ra kế hoạch hành động phù hợp, công khai minh bạch và thông tin tuyên truyền về ODA, tăng cường quan hệ đối tác với nhà tài trợ chiến lược…

Trong tình hình mới, Bình Thuận vẫn luôn coi nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài là nguồn vốn quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp thu các thành tựu khoa học kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực… Do đó trong giai đoạn mới 2021 - 2025, việc thu hút và vận động các nguồn vốn này sẽ được địa phương tập trung triển khai có trọng tâm, không dàn trải, đảm bảo tính hiệu quả cao. Ngoài đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển nông nghiệp - nông thôn và nguồn nhân lực (đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao), còn hướng đến những dự án mang tính cấp thiết. Như về bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xói lở, xâm nhập mặn hoặc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, hỗ trợ thúc đẩy đầu tư thương mại và một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bình Thuận tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét đề xuất của một số dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Cụ thể là các dự án: Cải thiện môi trường các đô thị loại II - Tiểu dự án TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; Chống hạn, kè chống xói lở, ngập lụt thích ứng biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên - Tiểu dự án tỉnh Bình Thuận. Bên cạnh đó còn có một số dự án: Nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và chống chịu với biến đổi khí hậu tỉnh Bình Thuận; Phát triển thủy sản bền vững; Phát triển bền vững ngành hàng thanh long tỉnh Bình Thuận…

Đ.QUỐC

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/thu-hut-su-dung-von-nuoc-ngoai-trong-tam-dam-bao-hieu-qua-128556.html