Thủ tướng Israel tuyên bố cuộc chiến tại Rafah là bắt buộc để sinh tồn

Nhà lãnh đạo Israel Netanyahu đã trả lời phỏng vấn CNBC, trong đó ông nhấn mạnh cuộc chiến của Israel tại Rafah là mang tính bắt buộc để nhà nước này có thể sinh tồn được.

Thủ tướng Netanyahu thừa nhận việc Israel căng thẳng với Mỹ về cuộc tấn công quân sự ở thành phố Rafah thuộc dải Gaza, nhưng vẫn kiên quyết cho rằng đây là hành động cần thiết để bảo vệ an ninh Israel.

Thủ tướng Israel Netanyahu. Ảnh: Times of Israel.

Thủ tướng Israel Netanyahu. Ảnh: Times of Israel.

Trả lời phỏng vấn CNBC, Thủ tướng Netanyahu cho biết Mỹ - Israel đang bất đồng về vấn đề chiến sự tại Gaza “nhưng chúng tôi (tức Israel) phải làm những gì chúng tôi phải làm”. Thủ tướng Israel cũng khẳng định đó là hành động để “đảm bảo sự sống còn và tương lai”, và sẽ không thể tiến tới tương lai nếu Hamas chiếm lại Gaza.

Mỹ và các quốc gia khác bày tỏ quan ngại về việc Israel tăng cường tấn công vào Rafah, lo ngại cho sự an toàn của người dân Palestine bị kẹt giữa 2 làn đạn trong cuộc chiến của Israel chống lại nhóm chiến binh Palestine Hamas.

Israel đã nhiều lần khẳng định cuộc xung đột chủ yếu chống lại Hamas và không nhằm vào những người không tham chiến. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền và viện trợ đã nhấn mạnh đến tác động của chiến dịch quân sự và tình trạng khan hiếm tài nguyên đối với dân thường mắc kẹt ở vùng đất Gaza.

Theo số liệu của Cơ quan y tế Palestine, hơn 35.000 người đã thiệt mạng ở dải Gaza.

Trong một buổi phỏng vấn đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhấn mạnh rằng Washington không thể tán thành một cuộc tấn công quân sự vào Rafah nếu không có kế hoạch “đáng tin cậy” để bảo vệ dân thường khỏi nguy hiểm và hỗ trợ họ.

Ngày 15/5, Josep Borell - nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu cho biết EU “thúc giục Israel chấm dứt ngay lập tức hoạt động quân sự ở Rafah, điều này dẫn đến tình trạng thay đổi chỗ ở, nạn đói và đau khổ cho con người”.

Vấn đề mở lại cửa khẩu Rafah

Israel vẫn mâu thuẫn với nước láng giềng Ai Cập về việc mở cửa khẩu Rafah để cho phép viện trợ nhân đạo mới vào dải Gaza.

Thủ tướng Netanyahu hôm 15/5 cho biết, “chúng tôi sẽ không trì hoãn việc mở cửa Rafah”.

Tuyên bố của Netanyahu được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Israel Katz thảo luận với những người đồng cấp Anh và Đức “về sự cấp thiết phải thuyết phục Ai Cập mở lại cửa khẩu Rafah”, lưu ý rằng “chìa khóa để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza hiện nằm trong tay những người bạn Ai Cập của chúng tôi”.

Ai Cập trước đó đã chỉ trích việc đóng cửa khẩu Rafah liên tục là do các hoạt động quân sự của Israel diễn ra gần địa điểm này.

Hôm 15/5, Netanyahu cho biết Israel nhắm đến mục tiêu triệt hạ 4 tiểu đoàn Hamas còn lại. Hồi đầu tháng 5, Israel bắt đầu tấn công vào Rafah, nơi 1,4 triệu người di tản đến trú ẩn. Israel đã thực hiện một chiến dịch trả đũa ở dải Gaza kể từ tháng 10 năm ngoái (2023), sau khi Hamas bất ngờ tấn công vào Gaza

Chiến sự đã làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông thông qua việc tấn công qua lại giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah tại Lebanon cũng như với đối thủ lâu năm của Israel là Iran.

Xung đột cũng lan sang thị trường toàn cầu, gây gián đoạn thương mại hàng hải do các cuộc tấn công của Houthi ở Yemen, bên cạnh đó là tình trạng bất ổn liên tục về nguồn cung dầu thô từ các vùng lãnh thổ giàu dầu mỏ tại Trung Đông.

Cuộc xung đột đã che mờ triển vọng bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia mà Mỹ rất trông đợi.

Tương lai dải Gaza sẽ do ai quản lý?

Số phận cuối cùng của dải Gaza, nơi Hamas toàn quyền quản lý từ năm 2007 đang rất mong manh. Thủ tướng Netanyahu đã lên tiếng phản đối giải pháp hai nhà nước được nhiều bên quốc tế ủng hộ, trong đó một nhà nước Palestine độc lập sẽ được tạo ra song song với Israel.

Thủ tướng Israel nhấn mạnh rằng một quốc gia Palestine non trẻ sẽ “ngay lập tức bị Hamas và Iran tiếp quản” và một lần nữa sẽ lại dẫn tới kết quả là Israel phải duy trì “trách nhiệm về an ninh tổng thể” đối với dải đất Gaza.

Ông Netanyahu nói: Điều này sẽ trao cho dân thường Palestine “tất cả các quyền tự quản, ngoại trừ quyền đe dọa chúng tôi”.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden trước đây đã bày tỏ ủng hộ hành trình “tái sinh” Chính quyền Dân tộc Palestine - thực thể nắm quyền kiểm soát một phần đối với Bờ Tây.

Hôm 29/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết: “Một Chính quyền Palestine được hồi sinh là điều cần thiết để mang lại nhiều kết quả cho người dân Palestine ở cả Bờ Tây và Gaza, từ đó thiết lập điều kiện cho sự ổn định trong khu vực rộng lớn hơn”.

CTV Phương Thanh/VOV.VN biên dịch Nguồn: CNBC

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thu-tuong-israel-tuyen-bo-cuoc-chien-tai-rafah-la-bat-buoc-de-sinh-ton-post1095578.vov