Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quang cảnh phát triển đô thị TP Cao Lãnh (Ảnh: Hoàng Trọng)

Quang cảnh phát triển đô thị TP Cao Lãnh (Ảnh: Hoàng Trọng)

Theo quy hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

Đồng Tháp đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao, sử dụng đất hợp lý để phát triển các loại cây trồng có lợi thế; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong các lĩnh vực có lợi thế.

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp đồng bộ, hiện đại; hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn quy mô lớn, chất lượng cao theo chuỗi giá trị gắn với chế biến sâu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch đi đôi với an toàn thực phẩm.

Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị ở Đồng Tháp (gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo ở vùng sinh thái nước ngọt)…

Tỉnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung, quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ và thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa; ưu tiên thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến sâu nông, thủy sản, đồng thời với thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ phát triển cơ khí, cơ khí chính xác, dược phẩm và các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống…

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp trở thành trung tâm sản xuất, chế biến và thương mại của vùng đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; tập trung phát triển du lịch sinh thái, miệt vườn, nông nghiệp nông thôn, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khỏe phù hợp với đặc trưng sông nước của vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Tầm nhìn đến năm 2050, Đồng Tháp là tỉnh dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp, trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng đồng bằng sông Cửu Long; trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công.

TN (tổng hợp từ Chinhphu.vn)

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/thu-tuong-phe-duyet-quy-hoach-tinh-dong-thap-thoi-ky-2021-2030-tam-nhin-den-nam-2050--119593.aspx