Thủ tướng Slovakia bị ám sát: Phân tích rủi ro, bài toán bảo vệ các chính trị gia châu Âu

Vụ thủ tướng Slovakia bị ám sát đặt ra bài toán về cách bảo vệ các chính trị gia, trong bối cảnh sự chia rẽ về mặt chính trị đang gia tăng tại châu Âu.

Ngày 16-5, giới chức Slovakia cho biết Thủ tướng Robert Fico đang trong quá trình hồi phục, sau khi bị trúng nhiều phát đạn vào bụng. Các bộ trưởng trong chính phủ gọi vụ ám sát là “có động cơ chính trị”, cho rằng nguyên nhân là do bầu không khí chính trị độc hại mà phe đối lập và giới truyền thông tạo ra.

 Lực lượng chức năng trấn áp một nghi phạm sau vụ thủ tướng Slovakia bị ám sát hôm 15-5. Ảnh: AFP

Lực lượng chức năng trấn áp một nghi phạm sau vụ thủ tướng Slovakia bị ám sát hôm 15-5. Ảnh: AFP

Chuyện gì đang xảy ra tại Slovakia?

Vụ thủ tướng Slovakia bị ám sát xảy ra vào thời điểm nước này đang chứng kiến tình trạng chia rẽ chính trị gay gắt.

Ông Fico là chính trị gia thường nhận nhiều đánh giá trái chiều. Những người ủng hộ coi ông là một nhà lãnh đạo chu đáo, luôn quan tâm đến lợi ích của họ. Trong khi đó, các đối thủ nói rằng ông là một người theo chủ nghĩa dân túy và có khuynh hướng thân Nga.

Vụ thủ tướng Slovakia bị ám sát xảy ra khi chính phủ liên minh của ông Fico đang thực hiện một số chính sách gây tranh cãi, làm dấy lên những cuộc biểu tình ôn hòa quy mô lớn.

Những chính sách của ông Fico nhằm cải tổ hệ thống tư pháp hình sự đặc biệt gây tranh cãi. Theo đó, chính phủ Slovakia đang tìm cách giảm hình phạt đối với tội tham nhũng và đã bãi bỏ văn phòng công tố viên đặc biệt – cơ quan được giao nhiệm vụ điều tra các vụ tham nhũng nghiêm trọng và nhạy cảm về mặt chính trị.

Trong số những vụ án văn phòng công tố viên đặc biệt điều tra, một số vụ liên quan những người có liên hệ trực tiếp với ông Fico và đảng của ông – đảng SMER.

Chính phủ cũng đang tìm cách đóng cửa đài truyền hình RTVS và lên kế hoạch thay thế đài này bằng một đài mới, dưới sự kiểm soát chặt chẽ hơn của chính phủ. Kế hoạch đó đã gây ra các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Slovakia.

Bên cạnh đó, theo đài CNN, ông Fico trước đây từng mắc lỗi sử dụng những từ ngữ gây tranh cãi. Ông Fico gọi Tổng thống Slovakia – bà Zuzana Čaputová là một “đặc vụ Mỹ” và cáo buộc bà hành động vì lợi ích của một nhà tài chính Mỹ, mà không đưa ra bằng chứng cụ thể. Các đồng minh của bà Čaputová cho biết những bình luận của ông Fico khiến bà Čaputová đối mặt nhiều nguy hiểm.

 Tổng thống Slovakia – bà Zuzana Čaputová (áo xanh) bổ nhiệm ông Robert Fico làm thủ tướng Slovakia, vào tháng 10-2023. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Tổng thống Slovakia – bà Zuzana Čaputová (áo xanh) bổ nhiệm ông Robert Fico làm thủ tướng Slovakia, vào tháng 10-2023. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Những phát ngôn của ông Fico về bà Čaputová khiến bà không hài lòng. Sau phát ngôn này, bà Čaputová khởi kiện ông Fico về tội phỉ báng.

Dù là một trong những chính trị gia được yêu thích ở Slovakia, vào năm 2023, bà Čaputová thông báo bà sẽ không tái tranh cử. Bà cho biết những lời công kích bà và gia đình bà là một trong những lý do khiến bà cảm thấy mình “không đủ sức” để phục vụ thêm một nhiệm kỳ nữa.

Làm sao ngăn chặn tình trạng ám sát chính trị gia?

Slovakia không phải là nước duy nhất ở châu Âu chứng kiến sự chia rẽ về mặt chính trị.

Chính trường châu Âu chia rẽ gay gắt trong thập niên qua. Bộ phận theo xu hướng cực hữu và chủ nghĩa dân túy cực đoan ngày càng gia tăng ảnh hưởng, cả trong nước và ở cấp độ châu Âu. Các cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và Gaza làm trầm trọng thêm tình trạng chia rẽ này.

Sự chia rẽ chính trị, xung đột quan điểm về các vấn đề quốc tế, mức độ nhập cư cao và nền kinh tế đang gặp khó khăn khiến các chính trị gia tại châu Âu ngày càng có nhiều quan điểm đối lập nhau.

Theo CNN, chính sự đối lập về mặt quan điểm này khiến các chính trị gia đặc biệt dễ bị tấn công bạo lực.

Tiếp xúc với người dân và việc cần thiết với các chính trị gia để tăng kết nối với người dân và được ủng hộ. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với đám đông đồng nghĩa với việc các chính trị gia phải chấp nhận rủi ro có thể bị tấn công.

Ở Anh từng xảy ra việc hai nghị sĩ đương nhiệm bị ám sát khi đang gặp người dân. Năm 2016, bà Jo Cox – nghị sĩ cánh tả từng lên tiếng ủng hộ người tị nạn Syria – đã bị một người theo chủ nghĩa da trắng cực hữu ám sát. Năm 2021, ông David Amess – nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh – đã bị một kẻ có cảm tình với tổ chức khủng bố ISIS ám sát khi ông đang gặp gỡ cử tri tại hội trường nhà thờ.

 Người dân đặt hoa tưởng nhớ nghị sĩ Jo Cox, sau khi bà qua đời vì bị ám sát vào tháng 6-2016. Ảnh: AFP

Người dân đặt hoa tưởng nhớ nghị sĩ Jo Cox, sau khi bà qua đời vì bị ám sát vào tháng 6-2016. Ảnh: AFP

Để giảm thiểu rủi ro này, thông thường, người ta thường đề ra hai cách. Một là các chính trị gia nên hạn chế tiếp xúc với người dân. Hai là các nhân viên tình báo cần làm việc tốt hơn để thu thập thông tin và ngăn các trường hợp như vụ thủ tướng Slovakia bị ám sát vừa qua.

Tuy nhiên, cả hai cách đều có nhược điểm. Cách thứ nhất có nguy cơ khiến người dân xa lánh các nhà lãnh đạo. Cách thứ hai đòi hỏi phải tăng cường đầu tư vào các hoạt động tình báo, an ninh và kết quả thì không chắc sẽ thành công.

CNN chỉ ra cách thứ ba, đó là giảm sự chia rẽ chính trị trong nước. Song chắc chắn quá trình này sẽ mất nhiều thời gian.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-slovakia-bi-am-sat-phan-tich-rui-ro-bai-toan-bao-ve-cac-chinh-tri-gia-chau-au-post791016.html