Thú vị làng Phước An

Nhắc đến địa danh Phước An (H.Nhơn Trạch), nhiều người vẫn không quên tên gọi 'thủ đô kháng chiến' của một thời chiến đấu chống Pháp đuổi Mỹ oanh liệt của vùng đất này. Không chỉ thế, trong lịch sử hình thành và phát triển, Phước An ẩn chứa lắm điều thú vị.

Phước An là vùng đất nhiều rạch, tắc, ngọn... thích hợp phát triển giao thông đường thủy

Phước An là vùng đất nhiều rạch, tắc, ngọn... thích hợp phát triển giao thông đường thủy

Một trong những điều thú vị đến bất ngờ, đó là làng Phước An hình thành từ việc… vi phạm pháp luật. Phước An từ xa xưa đã có lớp người cổ sinh sống tại đây, ít nhất từ hơn 3 ngàn năm trước. Theo kết quả khảo cổ, người tiền sử đã tổ chức đời sống đạt trình độ văn minh cao liền mạch từ thời đồ đá đến kim khí ở vùng đất này, biết làm nhà sàn trên vùng ngập nước, ngoài phương thức kinh tế săn bắn, hái lượm, cư dân cổ còn biết làm ruộng, đánh bắt thủy - hải sản, dệt vải, chế tác công cụ lao động bằng đá, gỗ, gốm, đồng phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.

Sóng gió lập làng

Gốc của làng Phước An ban đầu là xóm Rạch Cóc, sau dân tứ xứ tìm về sinh cơ lập nghiệp đông dần lên nhưng vẫn còn là các xóm, lân, chưa thành làng. Đến khoảng năm 1876, Phước An có 6 lân: Bàu Bông, Bà Trường, An Cẩm (còn gọi là Vũng Gấm), Quới Thạnh, Ba Doi, Tân Lập (thường gọi Bà Hào) và 5 xóm: Ngọn, Rạch Mới, Bà Liêm (còn gọi là Rạch Tràm), Ông Trùm, Vạn Phước. Các lân, xóm của vùng Phước An thuộc địa giới hành chính của làng Phước Lai (nay là TT.Hiệp Phước).

Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Phước An tiếp tục là căn cứ của lực lượng cách mạng địa phương.

Làng cổ Phước Lai có diện tích khá lớn, rộng bằng 1/4 H.Nhơn Trạch bây giờ. Dân Phước An ngày càng đông, trong khi đó tiền nộp thuế của dân Phước An do hội tề làng Phước Lai thu và sử dụng tùy tiện, dân Phước An không được hay biết, dẫn đến bức xúc. Việc lập làng ở vùng đất mới phương Nam thời trước khá đơn giản. Nơi nào có đủ 50 đinh (đàn ông 18 tuổi trở lên) thì có thể lập làng. Người có tiền của có thể đứng ra tập hợp đủ số dân quy định, sau đó nghiễm nhiên trở thành thôn trưởng, xã trưởng. Dân Phước An muốn xin tách làng mới, nhưng Ban Hội tề Phước Lai không chịu. Đi lại nhiều lần lên tỉnh, huyện chạy giấy tờ, lễ lạt tốn kém nhưng vẫn không được tách làng, dân Phước An quyết không chịu thua.

Theo lời kể của ông Võ Văn Lượng (Tư Lượng), bấy giờ trong vùng Phước An có thầy Chín Nhĩ giỏi chữ nghĩa, có uy tín. Thầy coi các giấy tờ của Ban Hội tề Phước Lai gửi về, sau đó tập bắt chước y hệt chữ ký của 12 vị trong Ban Hội tề. Thầy bàn soạn với một số bô lão trong làng rồi làm đơn xin lập làng mới với đầy đủ chữ ký hương chức Phước Lai (tất nhiên là giả mạo) gửi lên H.Long Thành. Quan tri huyện thấy đúng thủ tục nên phê duyệt và gửi lên tỉnh, quan Tuần phủ Biên Hòa đồng ý cho tách làng. Ban Hội tề Phước Lai đâm đơn kiện, huyện trưng ra giấy tờ có đủ 12 chữ ký và phân xử cho Phước An được tách khỏi làng Phước Lai.

Ngày 23-3-1876, làng Phước Lai được chia thành hai làng: phần nằm về phía Bắc vẫn gọi là Phước Lai, phần ở phía Nam gọi là Phước An. Làng Phước An chính thức ra đời từ đó.

“Thủ đô kháng chiến”

Khi quân dân Long Thành - Nhơn Trạch cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái chiếm, Phước An với vị trí chiến lược đặc biệt đã trở thành căn cứ kháng chiến của cả vùng. Từ Phước An, bằng đường bộ có thể tỏa về các hướng Biên Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, sang Thủ Đức; bằng đường thủy từ rừng Sác theo sông Đồng Tranh về Nhà Bè, Sài Gòn hay xuống Cần Giờ từ đó đi các tỉnh miền Tây, hoặc theo sông Gò Gia, Thị Vải về Vũng Tàu rất dễ dàng.

Ngoài những tuyến giao thông công khai đó, Phước An còn có hàng trăm con đường mòn, đường đất, đường khai khẩn lớn nhỏ, nối liền với những con đường khác vươn dài, chằng chịt, theo đó có thể bí mật vượt qua các trạm gác, trục lộ để đi tới Biên Hòa, Chiến khu Đ, hoặc theo đường sông, đường bộ về Phú Mỹ, Phước Thái, sang vùng rừng già bao la của Bà Rịa, Long Khánh. Phước An cũng có những ngọn, rạch, tắc, chằng chịt như những con đường trăm lối dưới các tầng lá rậm rạp của bần, đước, vì vậy có thể chuyển quân từ Phước An về Cần Giuộc, Cần Đước hay Gò Công, Bến Tre hoặc ngược lại.

Đặt tên làng Phước An (Phước: may mắn, nhơn lành; An: yên ổn) là do các bậc tiền nhân khai khẩn mong muốn con cháu đời sau được hưởng mọi điều may mắn tốt lành.

Bên cạnh đó, đoạn lộ 19 (nay là đường Hùng Vương) của Phước An bị kẹp hai bên bởi rừng giồng và rừng sác, rất không thuận lợi cho những cuộc hành quân càn quét của địch bằng cơ giới, vì bất kỳ chỗ nào cũng có thể bị tấn công từ nhiều phía. Ngay cả khi địch đóng được bót ở đây thì phạm vi kiểm soát cũng rất hẹp và khó mở rộng. Ngoài những lợi thế phòng thủ, Phước An còn có ưu thế về tiến công vì vùng đất này sát cạnh đầu não Sài Gòn và các căn cứ trọng yếu của địch: đánh bộ có thể tiến công chi khu Thành Tuy Hạ, có thể chia cắt lộ 15 (nay là quốc lộ 51) - con đường huyết mạch Sài Gòn, Biên Hòa, Vũng Tàu; đánh thủy có thể chặn tàu trên sông Lòng Tàu - “cổ họng” của Sài Gòn. Và với những đơn vị có sức cơ động lớn, từ Phước An có thể mở rộng hoạt động tới Long Thành, Biên Hòa, Nhà Bè.

Với một địa hình phức tạp, vừa có rừng giồng, ruộng vườn, vừa có rừng sác lại thêm khu Sở Dừa rậm rạp ở phía Nam và đồng Ông Trúc đầy những cụm rừng um tùm trên vùng cát trắng phía đông, Phước An là nơi trú quân và cơ động rất thuận lợi cho những lực lượng lớn, địch khó có thể phát hiện. Đồng thời, Phước An với đất đai ruộng vườn rừng giồng và sản vật rừng sác phong phú cũng có đủ điều kiện để nuôi quân, xây dựng căn cứ lâu dài.

Chính vì vậy, từ tháng 12-1946, Phước An đã là nơi đứng chân của Ủy ban Hành chính kháng chiến, Mặt trận Việt Minh, các cơ quan đoàn thể quận Long Thành và nhiều đơn vị thuộc Sài Gòn - Chợ Lớn, Nhà Bè, Thủ Đức. Tại đây, Chi đội 10 Biên Hòa được thành lập tháng 6-1946, chính thức trở thành Đại đội C thuộc Vệ quốc đoàn Long Thành do Lương Văn Nho chỉ huy. Bộ đội Hồ Văn Long của Long Thành cũng ra đời tại chiến khu này. Bộ đội Hoàng Thọ, bộ đội Đào Sơn Tây cùng một số chi đội vệ quốc đoàn và cơ quan, đơn vị huyện Thủ Đức từng đóng quân hoặc hoạt động ở đây. Đến năm 1947, các cơ quan chỉ huy và các đơn vị của liên chi Bình Xuyên kể cả quân y viện và công binh xưởng, cũng chuyển về đóng quân ở Ba Doi. Sau đó, Khoa Quân giới Nam bộ được Bộ Tư lệnh Nam bộ điều từ miền Tây về lập các phân xưởng sản xuất vũ khí ở đồng Ông Trúc.

Trụ sở của các cơ quan là những căn nhà lá dừa nước theo kiểu một mái hai chái, trải dài san sát khắp khu vực Bà Trường, Bàu Bông, Vũng Gấm. Đời sống ở chiến khu Phước An rất đông vui. Ban ngày bộ đội, cán bộ, đồng bào nam nữ thanh niên đi lại nhộn nhịp, ban đêm đèn măng-xông thắp sáng rực. Bộ đội và dân quân gỡ một khung nhà bằng sắt ở Sở cao su Bàu Lòng đem về Phước An lắp làm chợ, bà con thường gọi là chợ sắt Phước An. Chợ có đủ thứ hàng quán, người dân buôn bán tấp nập cả ngày lẫn đêm, có cả quán cơm bình dân do bộ phận Kinh tài quận tổ chức bán giá rẻ phục vụ cán bộ và người dân qua lại. Các cửa hiệu may đồ, chụp hình, đóng giày dép, cặp, xắc-cốt, vải vóc và thuốc tây các loại đều có.

Cá, tôm, cua, mắm từ các ấp thuộc khu rừng sác, Cần Đước, Cần Giuộc, Nhà Bè theo ghe tới chợ. Hoa quả, trái cây mùa nào thức đó được người dân từ Long Tân, Phú Hội, Phú Thạnh, Phước Thiền đưa về Phước An, góp phần cung cấp lương thực, thực phẩm cho kháng chiến. Bà Phan Thị Chi (ngụ xã Long Thọ) kể, lúc ấy bà công tác ở Phụ nữ quận, mấy chị em trong cơ quan rủ nhau làm bánh kiếm thêm thu nhập, bán rất đắt hàng, ngoài ra cơ quan còn mở tiệm may đồ, nhận vá quần áo cho các chiến sĩ vệ quốc đoàn. Có lẽ, trong thời kháng chiến ít có khu căn cứ nào nhộn nhịp như thế, vì vậy Phước An được cán bộ, chiến sĩ và người dân mệnh danh là “thủ đô kháng chiến”...

Hà Lam

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202312/thu-vi-lang-phuoc-an-55d095f/