Thuận lợi và thách thức đón chờ tân Thủ tướng Singapore

Tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong (Hoàng Tuần Tài) sẽ đối mặt với những thuận lợi và thách thức gì khi tiếp quản vị trí lãnh đạo quốc đảo sư tử từ người tiền nhiệm Lý Hiển Long?

Tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong. (Nguồn: Reuters)

Tân Thủ tướng Singapore Lawrence Wong. (Nguồn: Reuters)

Dù có diện tích nhỏ bé nhưng Singapore là quốc gia có các nhà lãnh đạo ghi dấu ấn trên toàn cầu nhờ thành quả tăng trưởng kinh tế, lập trường ủng hộ các chuẩn mực trật tự quốc tế và cách tiếp cận thực dụng trước ảnh hưởng của các nước lớn.

Đất nước này đang trải qua một cuộc chuyển giao quyền lực và trong bối cảnh đó, người ta cho rằng, ông Lawrence Wong, người tiếp quản Singapore từ Thủ tướng Lý Hiển Long, sẽ đối mặt với cả những thuận lợi và thách thức chực chờ.

Di sản uy tín và niềm tin từ người đi trước

Đối với một quốc gia nhỏ bé về mặt địa lý với những đặc trưng về chính trị, kinh tế và xã hội, có thể nói Singapore đã làm rất tốt khi nhiều lần đại diện cho tiếng nói của khu vực.

Theo nhận định của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim hồi tháng 3 vừa qua, mặc dù các nhà lãnh đạo Singapore không có được ảnh hưởng hay quyền lực thâu tóm ở phạm vi khu vực, nhưng bài phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long tại Hội nghị cấp cao an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) năm 2019 hay bài phát biểu của ông tại Diễn đàn Bác Ngao (Trung Quốc) hồi tháng 10/2023 đều thể hiện rõ ràng lợi ích của khu vực trong trật tự quốc tế thời hậu chiến, đúng như tinh thần của bất kỳ nhà lãnh đạo châu Á nào đưa ra trong thập niên qua.

Tại các diễn đàn và đối thoại toàn cầu, Singapore đã nhiều lần khẳng định vị thế và trách nhiệm nhiều hơn những gì họ có. Vào những năm 1990, Thủ tướng Lý Quang Diệu mới nghỉ hưu khi đó đã góp công lớn trong việc đưa ra luận điểm “giá trị châu Á”, trọng tâm của cuộc tranh luận về nguồn gốc của thành công về kinh tế và xã hội cũng như quỹ đạo của nền chính trị toàn cầu thời sau Chiến tranh lạnh.

Luận điểm về các giá trị châu Á đã trở thành một chủ đề tranh luận gay gắt vào thời điểm đó và nhiều khía cạnh của nó cũng đã lỗi thời. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, các nhà lãnh đạo và giới trí thức Singapore được coi trọng bởi họ bước vào các cuộc tranh luận với những thành công đáng kinh ngạc trong hiện đại hóa kinh tế và xây dựng nhà nước.

Chính vì những lý do đó, khi các nhà lãnh đạo Singapore nói về tương lai của khu vực, cả khu vực và thế giới đều muốn lắng nghe.

Singapore có thể đóng vai trò là "nhà môi giới" trên "thị trường" tràn ngập các ý tưởng về tương lai của châu Á bởi chính quyền quốc gia này đã thực hiện đúng những gì họ nói về các vấn đề lớn: thích ứng một cách thực dụng với sức mạnh đang lên của Trung Quốc; ủng hộ các thể chế và chuẩn mực của trật tự quốc tế tự do; giữ thái độ thận trọng trong quản trị các mối quan hệ với các nước láng giềng, bao gồm việc tránh ganh đua với các nước láng giềng Đông Nam Á trong việc khẳng định vai trò lãnh đạo ASEAN.

Nếu phải chọn một di sản nổi bật mà Thủ tướng Lý Hiển Long để lại khi chuyển giao quyền lực cho ông Lawrence Wong thì đó chính là uy tín và niềm tin chính sách đối ngoại đủ để nâng tầm và củng cố lợi ích của Singapore cũng như Đông Nam Á trên trường quốc tế.

Khó khăn trên "sân nhà"

Tuy nhiên, thách thức của tân Thủ tướng Lawrence Wong dường như tập trung ở "sân nhà". Nhà bình luận Michael Barr cho rằng, ông Lawrence Wong, cựu công chức cấp cao và trợ lý chính của Thủ tướng Lý Hiển Long, "là hình ảnh thu nhỏ của sự tiếp nối về mặt kỹ trị" và là "thành viên cấp cao duy nhất của Nội các không xuất thân từ một gia đình quan chức có đặc quyền". Chính vì vậy, nhà lãnh đạo này được cho là có "sự bình dân" vượt xa phần lớn giới thượng lưu của đảng Hành động nhân dân (PAP).

Một Thủ tướng gần dân hơn có thể hữu ích khi PAP chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử phải được tổ chức trước tháng 11/2025. Hiện cử tri Singapore đang phàn nàn về chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và những khúc mắc chính sách nảy sinh từ nhu cầu cân bằng các tác động xã hội của việc nhập cư với lợi ích kinh tế của việc duy trì vị thế của quốc đảo như một trung tâm thu hút nhân tài trình độ cao.

PAP đã có thành tích thấp nhất lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020 với số phiếu bầu giảm xuống dưới mốc 60%. Nhà bình luận Barr nhận định, nhu cầu thay đổi xu hướng này sẽ là động lực khuyến khích PAP thúc đẩy các biện pháp chi tiêu nhắm vào cử tri.

Tuy nhiên, những lo lắng về tài chính chỉ là một phần lý do mà PAP và ông Lawrence Wong phải quan tâm.

Các cuộc thăm dò dư luận để đánh giá trực tiếp sự ủng hộ dành cho phe đối lập không được công khai khiến các dự báo về kết quả bầu cử khó lường dù cho PAP nỗ lực xây dựng hệ thống bầu cử chặt chẽ để đảm bảo duy trì ưu thế tại nghị viện bất chấp những thay đổi trong số phiếu phổ thông.

Một nghiên cứu của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu gần đây chỉ ra rằng, cử tri dường như ngày càng cởi mở hơn đối với các lựa chọn thay thế PAP. Và trớ trêu thay, quan điểm này lại chủ yếu diễn ra trong số những người vốn được hưởng lợi đáng kể trong nền kinh tế mà PAP đã xây dựng. Đó là những người trẻ tuổi, có trình độ học vấn tốt hơn và có thu nhập cao hơn. Ngày càng nhiều người trong số họ muốn có một chính phủ kết hợp được sức mạnh kỹ trị của PAP với sự kiên nhẫn hơn đối với các lực lượng bất đồng chính kiến.

Bên cạnh nỗ lực đảm bảo lợi ích toàn cầu của Singapore trên trường quốc tế và đáp ứng mong đợi ngày càng tăng của công chúng về một mạng lưới an sinh xã hội quy mô hơn, xã hội bình đẳng hơn, người ta sẽ đặc biệt quan tâm xem liệu tân Thủ tướng Lawrence Wong có nhận ra những thay đổi của môi trường, nơi các cử tri ngày càng ưu tiên tận hưởng các quyền tự do của "thế giới thứ nhất" (các nước dân chủ có nền kinh tế tư bản, có trình độ khoa học kỹ thuật tiến bộ và người dân có mức sống cao) mà PAP có xu hướng phủ nhận, để thích ứng trong nền kinh tế thế giới hay không.

(theo East Asia Forum)

Quang Huy

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thuan-loi-va-thach-thuc-don-cho-tan-thu-tuong-singapore-271358.html