Thúc đẩy đầu tư làm điểm tựa cho tăng trưởng năm 2024

Chính phủ đề xuất mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6 - 6,5%. Đây là mục tiêu rất thách thức trong bối cảnh dự báo năm 2024 nhiều khó khăn. Nhiều tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, các chính sách hỗ trợ đã bão hòa…

Nền kinh tế chịu “tác động tiêu cực kép”

Với tác động mang tính độ trễ của các giải pháp từ chính sách hỗ trợ nền kinh tế được triển khai liên tục từ đầu năm 2022, nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% cho năm 2024 là nhiệm vụ không dễ dàng trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại.

Ở trong nước, chúng ta có những thuận lợi rất cơ bản, nhưng nền kinh tế tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong. Vì lẽ đó, tại báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024, cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ.

Động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế cả hiện tại và những năm tới chính là đầu tư. Ảnh: TL

Động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế cả hiện tại và những năm tới chính là đầu tư. Ảnh: TL

Để đạt được mục tiêu này, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng, cần nhận diện đúng các vấn đề của nền kinh tế năm 2023 cũng như kết quả phát triển kinh tế - xã hội nửa nhiệm kỳ qua, từ đó tính toán các giải pháp, thiết kế các chính sách phù hợp cho năm 2024 và nửa nhiệm kỳ còn lại.

Theo đại biểu tỉnh Bến Tre, cần nhìn nhận vào các thị trường để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế. Các thị trường nhìn chung đều không ổn định như: thị trường bất động sản đóng băng; thị trường trái phiếu trầm lắng; thị trường xuất nhập khẩu bị thu hẹp; thị trường tài chính, tiền tệ nhiều rủi ro, nợ xấu đáng báo động; thị trường nội địa thì tiêu dùng dân cư giảm; các thị trường ngầm thì chưa quản lý được (cho vay nặng lãi, bảo kê, rửa tiền…vẫn tồn tại).

Nhiều chính sách hỗ trợ bão hòa, cần sự đột phá mới trong đầu tư

Một vấn đề đáng lo ngại nữa, theo đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, GS.TS Hoàng Văn Cường, là tình trạng đình trệ của nền kinh tế diễn ra khá phổ biến. Đình trệ ở đây, không chỉ là tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm ở khu vực công như vẫn được nhắc đến lâu nay, mà điều này đã lan sang cả khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hầu như không tăng trưởng nhiều, cũng không có nhu cầu, không dám vay vốn.

Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn, các chính sách hỗ trợ gần như đã bão hòa, không vượt lên được ngưỡng. Nếu không có các chính sách, các giải pháp thực sự tạo ra những đột phá mới thì nền kinh tế rất có nguy cơ sẽ tiếp tục "dậm chân tại chỗ".

Cơ hội lớn trong năm 2024

Nhận định hiếm khi nào chúng ta đứng trước những cơ hội rất lớn như năm 2024. Đó là sự dịch chuyển các dòng đầu tư sau đại dịch, theo sự phân bố lại chuỗi cung ứng của thế giới và việc Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ. Lúc này, rất cần có chính sách đột phá hỗ trợ các tập đoàn lớn ở Việt Nam, để họ song hành cùng với các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó dòng vốn vào Việt Nam sẽ bền vững và chất lượng hơn.

GS.TS Hoàng Văn Cường

Bàn về dư địa thúc đẩy tăng trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) chỉ ra rằng, năm 2022 chúng ta đưa ra nhiều chính sách miễn, giảm thuế, khi đó tốc độ tăng trưởng, tốc độ tăng thu đều đạt rất cao.

Tuy nhiên, đến năm nay, mặc dù chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách này nhưng thu ngân sách đạt được dự toán cũng rất khó khăn. Thu ngân sách trung ương hụt trên 10.000 tỷ đồng do kim ngạch xuất nhập khẩu bị giảm sút đáng kể.

Với chính sách tiền tệ cũng như vậy, mặc dù đã có 4 lần giảm lãi suất nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng chỉ đạt khoảng 6%. Tốc độ tăng trưởng ước đạt khoảng trên 5%. Điều này có nghĩa là những chính sách của chúng ta cũng đã tới hạn.

Vì vậy, dư địa cho tăng trưởng lúc này chỉ có thể liên quan đến đầu tư công và làm sao giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, khi đó mới có thể đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng cho năm 2024.

TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cũng cho rằng, động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế cả hiện tại và những năm tới chính là đầu tư, bởi nếu đầu tư chậm, sẽ không có năng lực sản xuất mới cho năm tiếp theo.

“Chỉ có đầu tư mới tạo ra năng lực sản xuất mới, không chỉ là đóng góp vào tăng trưởng năm nay, mà là cho cả các năm tới. Nếu đầu tư chậm, tăng trưởng các năm tới sẽ bị ảnh hưởng” - ông Nguyễn Đình Cung nói.

Nhấn mạnh số liệu cho thấy đầu tư nhân 9 tháng đầu năm chỉ tăng 2,3%, bằng 1/6 mức tăng trước đại dịch, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng khi nói đến đầu tư tư nhân giảm, nghĩa là môi trường đầu tư vẫn chưa thúc đẩy, hỗ trợ đủ mạnh.

Bởi vậy, cần thực sự cắt giảm các quy định đang là rào cản cho doanh nghiệp. Đặc biệt, với doanh nghiệp lúc này khó khăn không phải tính theo tháng mà đã tính theo số năm, nên rất cần sự hậu thuẫn của Nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh, đón nhận cơ hội đầu tư mới.

Năm 2024: Tập trung cho các dự án mang tính “xoay chuyển tình thế”

Báo cáo Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ đề xuất 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.

Trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4 - 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo, theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%...

Để thực hiện thành công kế hoạch này, Chính phủ đã xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, có việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm; bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% kế hoạch.

Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, nhất là vốn vay nước ngoài, thủ tục thông thoáng, sử dụng hiệu quả; tập trung cho các công trình trọng điểm mang tính “xoay chuyển” tình thế, “chuyển đổi” trạng thái, chấm dứt tình trạng dàn trải, chia cắt, lãng phí, kém hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tại Quốc hội cho hay.

Đối với chính sách tiền tệ, tiếp tục triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi hiện có và nghiên cứu bổ sung các gói mới; phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng trên 15%.

Về tài chính, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 tăng khoảng 5% so với thực hiện năm 2023 để ưu tiên tăng cho đầu tư phát triển. Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; ban hành kịp thời các chính sách phù hợp, hiệu quả liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Trong năm 2024, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung 23 dự án luật; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chính sách để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; phục hồi và phát triển các loại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản, lao động…; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; phấn đấu trong năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thuc-day-dau-tu-lam-diem-tua-cho-tang-truong-nam-2024-138295-138295.html