Thức tỉnh với cuốn sách của Fukuzawa Yukichi

Qua tác phẩm 'Khuyến học', độc giả Hoàng Phi nhận ra việc học mang một ý nghĩa cao cả hơn thế, gánh vác vận mệnh của cả một dân tộc.

 Hình minh họa: fl-keio.

Hình minh họa: fl-keio.

Vài năm về trước khi còn là học sinh cấp ba, mình thường tìm xem các vấn đề về du học trên các trang mạng, hay các hội nhóm trên Facebook. Xem tới lui một vài ba trang thì có một trung tâm tư vấn du học rất đỗi nhiệt tình đối với mình, tận tâm cung cấp rất nhiều thông tin hữu ích cho việc đi du học.

Tuy nhiên vì lúc ấy mình với tâm thế là chỉ tìm hiểu thôi nên không tiếp tục với các hướng dẫn của trung tâm. Món quà cuối cùng mà trung tâm ấy gửi cho mình là một quyển sách - Khuyến học của Fukuzawa Yukichi.

Khi ấy cầm quyển sách trên tay, mình nghĩ đây chắc hẳn là một món quà mà ai cũng nhận được khi đi tư vấn và nội dung của nó thì cũng như những quyển sách khác với lời khuyên rằng bạn hãy học tập thật chăm chỉ, thật siêng năng và trái ngọt sẽ đến với bạn một ngày nào đó.

Thật không hề dễ dàng để quên đi cái nhận định đó, thật quá thiếu thận trọng khi nghĩ như vậy. Đó là cảm giác của mình khi mình đọc xong quyển sách vào cuối năm lớp 12.

Tư tưởng, niềm tin và tầm nhìn của Fukuzawa Yukichi không chỉ có như thế, không phải việc học vị thân, vì bản thân chúng ta, mà việc học mang một ý nghĩa cao cả hơn thế, gánh vác vận mệnh của cả một dân tộc. Dưới đây là những ý chính mà mình nghĩ là quan trọng khi đọc Khuyến Học.

Tư tưởng đúng dẫn đến hành động đúng

Tác phẩm Khuyến học của Fukuzawa Yukichi là nền tảng vững chắc của nước Nhật hiện đại trong bối cảnh các nước châu Á trong khu vực u tối không có hướng phát triển, chìm đắm vào những tư tưởng phong kiến Nho giáo cổ hủ, lỗi thời. Fukuzawa Yukichi đã đặt nền móng tư tưởng cho sự chín chắn của người Nhật và nền tảng kinh tế của họ.

Tư tưởng của ông được giảng giải một cách hệ thống và dễ hiểu. Khuyến học viết cho người Nhật vào những năm 1870, sau một thời gian ông đi sang các nước phương Tây quan sát thành tựu về văn hóa, kinh tế và xã hội. Cuốn sách chứa đựng giá trị cốt lõi: tinh thần độc lập cá nhân, chí tự cường dân tộc, kết dân tộc thành một mối làm nền tảng cho nước Nhật hùng mạnh.

Phương Tây khi đó đang muốn biến toàn bộ châu Á thành thuộc địa, Fukuzawa Yukichi nhận thức rõ nguy cơ Nhật Bản sẽ trở thành một nước thuộc địa bởi nguyên nhân “đáng buồn là nước ta chỉ có người Nhật mà không có Quốc dân Nhật”, nên ông đã khởi xướng tinh thần độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân - độc lập cá nhân về tư duy, về trách nhiệm của mỗi người dân đối với vận mệnh của dân tộc.

Đối với ông, người dân không có chí khí tự cường, đua tranh, không có tinh thần dẫn dắt thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm.

Chính cái tinh thần quốc dân, khát vọng dân tộc hùng mạnh được Fukuzawa Yukichi nêu lên trong tác phẩm Khuyến học cùng đức tin về dân tộc Nhật Bản là con cháu của Nữ Thần Mặt Trời đã tạo nên một thế hệ dân tộc đầy chí khí để vượt qua mọi nghịch cảnh, thử thách bên trong lẫn bên ngoài, làm nên sự thần kỳ của nước Nhật như chúng ta đã thấy.

Nổi bật trong đó là “Tinh thần thoát Á nhập Âu” cộng với “Tinh thần đua tranh với phương Tây và vượt mặt phương Tây”.

Tinh thần đua tranh và vượt phương Tây

Trong Khuyến học, ông dám dũng cảm đưa ra những quan điểm mang tính chất khai sáng về tư tưởng cho người dân Nhật. Ông đã thoát ra khỏi tâm lý bầy đàn, phá bỏ và thoát ra khỏi sự ảnh hưởng những lề luật cổ hủ của Nho giáo hàng nghìn năm tại nước Nhật khi viết “Trời không tạo ra người đứng trên người”, “đừng tin những lời nói bậy của Chu Tử” và “không phải tất cả mọi điều trong Luận Ngữ đều đúng”.

Fukuzawa Yukichi bỏ đi những rào cản về thiết chế hạ tầng kìm hãm sự tiến bộ xã hội, kinh tế và tri thức cho người dân Nhật để học tập và du nhập có chọn lọc các thành tựu trong mọi lĩnh vực của các nước phương Tây thời bấy giờ.

Ông chủ trương mạnh mẽ học tập, tiếp thu học hỏi áp dụng có chọn lọc những thành tựu quản lý xã hội, quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục… của các nước phương Tây. Trong quá trình học hỏi, người Nhật bổ sung sáng tạo 2 hệ tư duy: tư duy logic, hệ thống và tư duy thực dụng ứng dụng trong kinh tế và chính trị.

Nước Nhật thời bấy giờ tư duy lại về động cơ học tập, giúp học thay đổi não trạng từ đi học để làm quan, vinh thân phì gia bằng động cơ học vì lợi ích của quốc gia dân tộc, học vì sự hùng mạnh của quốc gia, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Sẵn sàng phá bỏ những điều từng làm nên thành công trong quá khứ nhưng hiện tại là những rào cản, không còn phù hợp với thời cuộc để tiếp tục học tập những cái mới hơn của thế giới.

Chính từ nền tảng này, Nhật Bản đã thiết kế xây dựng lại toàn bộ thiết chế cơ sở từ thượng tầng cấp quản lý nhà nước đến hạ tầng kiến trúc vật chất, tạo đà cho sự phát triển của Nhật Bản đến tận ngày hôm nay.

Không chỉ học tập chọn lọc mọi thành tựu của phương Tây, trong Khuyến học, Fukuzawa Yukichi nêu lên tinh thần dám đua tranh với các nước phương Tây về kinh tế, khoa học kỹ thuật, hun đúc cho người dân Nhật một tinh thần doanh thương, một ngạo khí đua tranh vượt mặt chính những cường quốc phương Tây đã tạo nên một loạt tập đoàn hùng mạnh quy mô trên toàn cầu.

Chính tinh thần dám lấy các nước phương Tây làm đối trọng, làm mục tiêu đua tranh để vượt lên là động lực để thúc đẩy kinh tế, khoa học kỹ thuật Nhật Bản phát triển thành một cường quốc.

Hoàng Phi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuc-tinh-voi-cuon-sach-cua-fukuzawa-yukichi-post1422821.html