Thuế thu nhập cá nhân: Đã đến lúc điều chỉnh?

Trước tình hình kinh tế khó khăn, giá cả hàng hóa leo thang, thì thuế thu nhập cá nhân vẫn 'đứng im'. Nhiều người cho rằng, điều chỉnh tăng lương cơ sở chỉ đủ để bù vào thuế.

Tăng lương và nỗi lo đóng thuế

Cách đây không lâu, vừa khấp khởi được tăng lương do điều chỉnh mức lương cơ sở, anh Phạm Đức Nguyên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) đã lại “tiu nghỉu” khi bắt đầu phải đóng thuế thu nhập. Anh Nguyên là công nhân lái máy xúc tại một công ty xây dựng, được trả lương tháng hơn 10 triệu đồng. Sau khi được tăng lương, anh nhận được hơn 11 triệu đồng/tháng. Cộng với các khoản lương tháng 13 và một số thu nhập ngoài lương khác, anh bắt đầu phải nộp thuế. Anh Nguyên cho biết, số tiền tăng thêm dường như bù vào tiền thuế là vừa đủ, tăng lương cũng như không.

Giá hàng hóa không ngừng tăng trong 10 năm qua nhưng mức thuế thu nhập cá nhân gần như đứng im.

Giá hàng hóa không ngừng tăng trong 10 năm qua nhưng mức thuế thu nhập cá nhân gần như đứng im.

Còn đối với những người có thu nhập khá như gia đình chị Vũ Thị Tươi (ở quận Hoàng Mai) thì việc nộp thuế thu nhập cá nhân cũng khiến chị đau đầu. Chị Tươi cho biết, chị thu nhập tổng cộng khoảng 40 triệu đồng/tháng. Bản thân chị đã khai giảm trừ thuế cho 2 con (thuộc diện phụ thuộc). Từ năm nay, con lớn của chị bắt đầu bước vào đại học, nhưng do cháu tham gia cùng nhóm bạn làm thêm cho một công ty chuyên về phần mềm thu nhập 2 triệu đồng/tháng nên không còn là đối tượng phụ thuộc nữa. Như vậy đồng nghĩa với việc thu nhập của chị sẽ phải đóng thuế ở mức trên 15 triệu đồng (11 triệu đồng theo quy định và 4,4 triệu đồng/1 người phụ thuộc).

“Con lên đại học lại càng tốn kém hơn, mỗi tháng đóng trên 10 triệu đồng tiền chi phí các loại, nhưng lại không còn thuộc diện phụ thuộc nữa. Như vậy tôi đã phải chi nhiều hơn cho con cái nhưng lại phải đóng thuế nhiều hơn trước”, chị Tươi cho biết.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong 10 năm qua, số thu thuế thu nhập cá nhân đã tăng gấp 3,6 lần và số lượng người nộp thuế thu nhập cá nhân không ngừng tăng qua các năm.

Cụ thể, Luật Thuế thu nhập cá nhân được áp dụng từ năm 2007, sau 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế (từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng và 11 triệu đồng/tháng vào năm 2020) thì mức tăng chưa đến 3 lần. Trong khi đó, bình quân mỗi người chi tiêu năm 2008 khoảng 792 nghìn đồng/tháng thì tới năm 2020 lên hơn 2,8 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng gần 3,6 lần.

Theo thông tin về tình hình lao động việc làm quý 3 và 9 tháng năm 2023 của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 3 là 7,1 triệu đồng, tăng 146 nghìn đồng so với quý 2 và tăng 359 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,39 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,2 triệu đồng).

Trong khi giá hàng hóa không ngừng tăng trong 10 năm qua thì mức thu thuế gần như đứng im. 10 năm qua, giá cả sinh hoạt tăng chóng mặt, đặc biệt tại các thành phố lớn, giá cả phải tăng gấp đôi. Trong khi đó, mức thu nhập nộp thuế chỉ tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng. Như vậy, mức tăng không tương xứng với CPI, dù CPI chưa phản ánh hết giá cả của nền kinh tế. Nhiều người cho rằng, cần phải nâng mức thu nhập nộp thuế và mức giảm trừ gia cảnh đối với phụ thuộc để hỗ trợ người có thu nhập thấp đủ để trang trải cuộc sống.

Cần sớm sửa đổi

Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân, CPI tăng 20% mới thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, tuy nhiên, việc quy định mốc thời điểm CPI thay đổi 20% phải mất tới 5-7 năm thậm chí 10 năm mức giảm trừ gia cảnh mới được đổi một lần. Chính sách có độ trễ lớn nên người dân phải chịu thiệt thòi.

Thực tế cho thấy, mức sống của người dân đã tăng cao hơn với số người nộp thuế thu nhập cá nhân ngày càng nhiều hơn. Ngưỡng thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng được áp dụng khi tính thu nhập bình quân của người lao động khoảng 8 triệu đồng/tháng. Sau gần 10 năm, thu nhập bình quân đã tăng lên 13 triệu đồng/tháng, vì vậy, chính sách phải thay đổi theo thực tế.

Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, so với thế giới, chỉ số tính thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam so với lương cơ sở đang cao hơn 2,4 lần. Ngưỡng chịu thuế bình quân chung ở nước ngoài chỉ tính từ 0,5 - 1 lần so với lương cơ sở.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh so với lương cơ sở như vậy là cao, nhưng đang thấp hơn mức sống đô thị của người dân. Đặc biệt, theo ông Phớc, thu nhập 12 triệu đồng/tháng ở đô thị “không đủ sống” nhưng 11 triệu đồng đã phải nộp thuế. Ông Phớc cho biết, dự Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi chưa được bổ sung vào chương trình làm luật trong thời gian tới. Sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024, trên cơ sở đó sẽ tính thu nhập gốc, tính mức bình quân tăng lương mỗi năm là 7 - 8% để làm căn cứ tính ra thu nhập bình quân chịu thuế.

Ông Hồ Đức Phớc cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân hiện thấp so với cuộc sống tại các đô thị và sẽ tăng mức này khi sửa luật. Bộ Tài chính đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét đưa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào chương trình sửa đổi, để điều chỉnh các quy định tính thuế thu nhập.

Về dự kiến sửa luật, ông Hồ Đức Phớc cho biết cải cách tiền lương sẽ thực hiện từ 1/7/2024. Cùng thay đổi này, ngành Tài chính sẽ tính thu nhập gốc, bình quân tăng lương mỗi năm (7 - 8% một năm) để làm căn cứ tính thu nhập bình quân. Đây sẽ là cơ sở phân loại đối tượng theo các mức thu nhập, vùng miền và căn cứ để nâng giảm trừ gia cảnh tính thuế cho phù hợp thực tế. Tuy nhiên, dự luật sửa đổi này chưa được bổ sung vào chương trình làm luật thời gian tới, nên trước mắt Bộ Tài chính sẽ sửa các luật liên quan đến thuế để hỗ trợ người dân.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thue-thu-nhap-ca-nhan-da-den-luc-dieu-chinh-162686.html