Thưởng trà trong cuộc sống hiện đại

Trà gắn liền trong đời sống của người Việt. Dù cuộc sống ngày càng hiện đại, có thêm nhiều loại đồ uống thì văn hóa thưởng trà vẫn được giữ gìn, phát triển.

Du khách thưởng thức trà sen Kiếp Bạc. Ảnh: Thành Chung

Du khách thưởng thức trà sen Kiếp Bạc. Ảnh: Thành Chung

Không quá cầu kỳ nhưng văn hóa thưởng trà của người Việt là một nét đẹp truyền thống trong đó luôn hiện hữu, chứa đựng những nghi lễ ý nghĩa như: người nhỏ tuổi pha trà mời người lớn tuổi, chủ nhà pha trà mời khách...

Anh Lê Duy Mạnh, Tiến sĩ sử học, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương) là một người có đam mê với văn hóa trà. Theo anh, người Việt phân biệt trà thành 2 loại. Loại thứ nhất là trà tươi. Loại thứ hai là trà khô hay còn gọi là trà tàu đã được sao khô, phơi sấy. Đối với người Việt, mời trà là một nét ứng xử văn hóa thể hiện sự lễ độ, lòng mến khách. Uống trà cũng là một cách ứng xử văn hóa để đáp lại lòng mến khách của người mời trà. Người xưa có câu: “Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh” để nói đến năm yếu tố quan trọng làm nên giá trị của văn hóa thưởng trà.

Để có một ấm trà ngon điều quan trọng nhất phải là nước pha trà, thứ hai là loại trà, tiếp đến là dụng cụ pha và cách uống trà. Trước đây, giới sành trà truyền tai nhau về việc lựa chọn nguồn nước để có được một ấm trà ngon phải là nước suối đầu nguồn, nước đáy giếng và nước sông ở giữa dòng. Ngoài ra còn có thể hứng nước mưa ở tàu cau, giọt sương ở lá sen…

Mỗi người lại có những sở thích, cảm nhận khác nhau về các loại trà. Người ưa trà mộc, người thích trà ướp hoa sen, hoa bưởi, hoa nhài… Theo anh Mạnh, trà ngon phải hội tụ đủ 3 yếu tố “hương, vị, sắc” như phải có mùi thơm đặc trưng, nước trà có màu óng vàng, ban đầu có vị chát nhưng hậu vị lại ngọt.

Nhiều người sành trà lựa chọn pha trà bằng ấm tử sa-một dòng ấm của Trung Quốc bởi loại ấm này giữ nhiệt tốt, bảo đảm chất lượng, độ ngon của trà lại vừa có giá trị nghệ thuật, có thể trưng bày. Mỗi một loại trà lại có những cách thức pha khác nhau theo độ sôi của nước, thời gian ướp trà.

Ngay từ những tháng năm còn là sinh viên, chị Nguyễn Thị Bích Hồng (sinh năm 1987, quê ở huyện Thanh Miện) đã thích tìm đến các quán trà và đam mê trà lúc nào không hay. Mong mỏi văn hóa trà sẽ được tôn vinh và đến gần hơn với nhiều người, chị Hồng đã dành nhiều thời gian để tìm tòi từng công thức pha chế từ các nguyên liệu trà Việt Nam. Chị từng giành ngôi vô địch cuộc thi quy mô quốc gia giữa các nghệ nhân trẻ trong lĩnh vực văn hóa pha trà và thưởng trà (Tea Masters Cup) do Hiệp hội Chè Việt Nam tổ chức năm 2015 và là người xuất sắc nhất đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi “Tea Masters Cup 2016” cấp thế giới được tổ chức tại Hàn Quốc.

Quán trà là nơi giao lưu, gặp gỡ giữa những người có cùng niềm đam mê văn hóa thưởng trà (ảnh do cơ sở cung cấp)

Quán trà là nơi giao lưu, gặp gỡ giữa những người có cùng niềm đam mê văn hóa thưởng trà (ảnh do cơ sở cung cấp)

Tháng 10/2023, chị mở Hồng Trà quán ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) cũng với mong muốn đưa những loại trà ngon trong nước và trên thế giới đến gần hơn với mọi người. Đây cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ giữa những người có cùng niềm đam mê văn hóa trà. Hồng Trà quán cũng cung cấp nhiều loại nguyên liệu, dụng cụ pha trà để khách hàng có thể mua về tự pha và thưởng thức. Mỗi ngày, Hồng Trà quán đón khoảng 60-80 lượt khách và đông hơn vào dịp cuối tuần.

Nhiều người thưởng trà để cảm nhận sự thư thái, bình yên sau những căng thẳng, áp lực của cuộc sống

Nhiều người thưởng trà để cảm nhận sự thư thái, bình yên sau những căng thẳng, áp lực của cuộc sống

Anh Nguyễn Hữu Huy ở phường Tân Hưng (TP Hải Dương) cũng có niềm đam mê với văn hóa trà. Anh thường hẹn bạn bè tới một vài quán trà quen để thưởng thức khi có thời gian rảnh rỗi. Anh Huy chia sẻ: "Trong sự hối hả, bộn bề của cuộc sống, sau một ngày làm việc tôi thường pha cho mình một ấm trà. Trà rót ra phải uống ngay khi còn nóng và phải thưởng trà bằng nhiều giác quan. Cảm giác nhâm nhi từng ngụm trà để cảm nhận vị chát nơi đầu lưỡi nhưng sau đó là vị ngọt đọng lại giúp tôi cảm thấy thư thái, như tìm thấy những giây phút bình yên".

Điều quan trọng nhất để cảm nhận trong một chén trà ngon chính là cảm xúc. Người thưởng trà phải có cảm xúc tích cực, vui vẻ mới có thể cảm nhận được vị ngon của chén trà mang lại.

Những người đam mê văn hóa thưởng trà thường cho rằng uống trà có lợi cho sức khỏe, làm dịu được những căng thẳng, áp lực bộn bề của cuộc sống, hay đơn giản hơn là một cách kết nối, trò chuyện với người thân, bạn bè, đồng nghiệp.

Vài năm gần đây, Ban Quản lý Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương) đã xây dựng sản phẩm trà sen Kiếp Bạc thành thương hiệu quà tặng, sản phẩm du lịch đặc thù của khu di tích. Trà sen Kiếp Bạc được giới thiệu ở nhiều hội chợ, tuần lễ văn hóa, góp phần lan tỏa văn hóa, niềm đam mê trà Việt tới nhiều người.

HUYỀN TRANG

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/thuong-tra-trong-cuoc-song-hien-dai-378601.html