Thuyết về chu kỳ kinh doanh đã lỗi thời đối với nền kinh tế Mỹ?

Ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng chu kỳ kinh doanh ở Mỹ đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn trong một nền kinh tế đa dạng hóa hơn. Dữ liệu cũng cho thấy trong những thập niên gần đây, các đợt suy thoái của Mỹ thường diễn ra trong thời ngắn, trong khi các giai đoạn tăng trưởng kéo dài hơn so với các thước đo lịch sử.

Một số nhà kinh tế nhận thấy, chu kỳ kinh doanh của Mỹ đã thay đổi theo hướng tích cực hơn, khi các biến động trong ngành sản xuất và nông nghiệp không còn tác động nhiều đến nền kinh tế tổng thể. Ảnh: NY Times

Trong phần lớn lịch sử hiện đại, ngay cả những quốc gia giàu có nhất cũng phải trải qua những chu kỳ tăng trưởng và suy thoái gần như tất yếu, tương tự như một năm có 4 mùa. Các giai đoạn tăng trưởng kinh tế sẽ kéo dài quá mức khi mức độ chấp nhận rủi ro ngày càng tăng. Nhưng hoạt động tuyển dụng và đầu tư sẽ đạt đỉnh và rơi vào suy thoái khi niềm tin của người tiêu dùng suy yếu, dẫn đến chi tiêu sụt giảm mạnh.

Lúc đó, doanh số bán hàng giảm diễn ra cùng lúc với số vụ doanh nghiệp phá sản và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Trong thời kỳ kinh tế suy thoái, các khoản nợ được giải quyết, cơn hoảng loạn giảm bớt. Với những tín hiệu cho thấy nhu cầu cải thiện, các ngân hàng bắt đầu cho vay trở lại dễ dàng hơn, thúc đẩy sự phục hồi để tạo ra một chu kỳ tăng trưởng mới.

Nhưng một nhóm các nhà nghiên cứu kinh tế và các nhà nhà quản lý tài sản nổi tiếng ở Phố Wall đang đặt câu hỏi liệu có phải thuyết về chu kỳ kinh doanh bất ổn, tăng trưởng rồi suy thoái nối tiếp nhau mà họ đã học ở trường đại học và chứng kiến trong thực tế về cơ bản đang trở thành một một con thú được thuần hóa?

Rick Rieder, người quản lý khối tài sản trị giá khoảng 3 nghìn tỉ đô Mỹ tại Công ty đầu tư BlackRock, là một trong số đó.

Kinh tế Mỹ sẽ không hạ cánh?

“Có rất nhiều giấy mực nói về kiểu hạ cánh của nền kinh tế Mỹ”, Rieder viết trong báo cáo gửi khách hàng khi đề cập đến cuộc tranh luận về việc kinh tế Mỹ sẽ sụp đổ hay tăng trưởng chậm lại, với lạm phát được kiểm soát và tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh.

Ông Rieder lưu ý, nền kinh tế Mỹ cũng có khả năng “không hạ cánh”, hay nói cách khác, sự sụt giảm động lực tăng trưởng sẽ xảy ra trong một quỹ đạo ổn định hơn.

Và có một số bằng chứng cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ bất ngờ hiện nay của Mỹ có thể không chỉ kéo dài vài tháng mà là vài năm nữa. Trạng thái này sẽ được duy trì trừ khi xảy ra những cú sốc từ bên ngoài, hoặc lạm phát cao quay trở lại khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ phải tăng thêm lãi suất.

“Các phóng viên tài chính và nhà chiến lược thị trường thường tranh luận về việc nền kinh tế Mỹ đang ở ‘đầu chu kỳ’, ‘giữa chu kỳ’ hay ‘cuối chu kỳ’. Tuy nhiên, những quan điểm này dựa trên mô hình lỗi thời về cách nền kinh tế Mỹ vận hành”, David Kelly, giám đốc chiến lược toàn cầu của J.P. Morgan Asset Management viết trong một báo cáo hồi tháng 3.

Theo Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ, từ thập niên 1850 đến đầu thập niên 1980, nền kinh tế Mỹ đã trải qua 30 đợt suy thoái kéo dài trung bình 18 tháng. Trong khi đó, các giai đoạn tăng trưởng kinh tế xen kẽ kéo dài trung bình 33 tháng.

Kelly và các nhà kinh tế khác giải thích, mô hình tăng trưởng và suy thoái này được thúc đẩy bởi các ngành kinh doanh có tính chu kỳ cao là sản xuất và nông nghiệp. Hai ngành này từng là trụ cột của nền kinh tế nhưng hiện chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng của Mỹ.

Hiện nay, ngành sản xuất chiếm khoảng 2.300 tỉ đô la trong tổng GDP của Mỹ, sử dụng trực tiếp khoảng 12 triệu người và gián tiếp hỗ trợ các việc làm khác ở địa phương.

Nhưng nền kinh tế Hoa Kỳ do người tiêu dùng định hướng, chủ yếu được tạo thành từ các dịch vụ (chăm sóc sức khỏe, sửa chữa ô tô, tiệm làm móng, dịch vụ khách hàng…) có quy mô gần 30.000 tỉ đô la.

Các xu hướng tăng và giảm trong sản xuất hàng hóa hiện nay ít có tác động hơn đến tăng trưởng của Mỹ. Sự ổn định tương đối của tổng chi tiêu hộ gia đình trong những năm gần đây là một phần quan trọng để giải thích vì sao Mỹ tránh được suy thoái kinh tế.

Sức chi tiêu mạnh mẽ của người tiêu dùng giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới duy trì động lực tăng trưởng. Ảnh: FT/Getty

Tăng trưởng của dịch vụ giúp nền kinh tế ít nhạy cảm với lãi suất

Ông Rieder lập luận rằng, nền kinh tế đương đại của Mỹ ít dễ bị tổn thương hơn trước các chu kỳ bùng nổ và sụp đổ kiểu cũ, chủ yếu là do người tiêu dùng giàu có của nước này hướng tới dịch vụ, ít phụ thuộc hơn vào các nhà máy hoặc trang trại. Chi tiêu tiêu dùng hiện chiếm khoảng 70% nền kinh tế Mỹ

“Tiêu dùng của Mỹ sẽ không thực sự điều chỉnh đáng kể nếu không xảy ra một số hình thức căng thẳng kinh tế lớn”, Rieder cho biết.

Một dữ liệu ủng hộ lập luận của ông Rieder là không có bất kỳ điểm yếu phổ biến nào trước đại dịch Covid-19 làm tê liệt các nền kinh tế trên toàn thế giới.

Điều đó phù hợp với một xu hướng đang phát triển: Kể từ đầu thập niên năm 1980, nền kinh tế Mỹ chỉ ghi nhận 4 đợt suy thoái kinh tế, kéo dài trung bình 9 tháng, trong khi đó, các giai đoạn tăng trưởng kinh tế kéo dài trung bình 104 tháng. Giai đoạn tăng trưởng việc làm hiện nay của Mỹ đang ở tháng thứ 40.

Nhưng vẫn có những lý do để lo ngại về triển vọng tăng trưởng. Sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các “ngân hàng ngầm” hoạt động trên thị trường tư nhân với rất ít sự giám sát khiến nhiều nhà kinh tế và cơ quan quản lý trường phái cũ lo ngại. Và các lãnh đạo trong ngành bất động sản thương mại cảnh báo, tác động tiêu cực của tỷ lệ lấp đầy văn phòng thấp hơn đối với nền kinh tế địa phương và ngân sách chính phủ chỉ mới bắt đầu.

Dù vậy, David Kelly, giám đốc chiến lược toàn cầu của J.P. Morgan Asset Management chỉ ra nhiều lý do có thể giúp tăng trưởng của Mỹ kéo dài và ít hỗn loạn hơn trong tương lai.

Chương trình bảo hiểm tiền gửi liên bang, được triển khai sau cuộc đại khủng hoảng với thời kỳ suy thoái kinh tế của Mỹ trong thập niên 1930 đã làm giảm đáng kể mức độ hoảng loạn và số vụ phá sản trong ngành ngân hàng. Kelly cho biết thêm, thông tin được cải thiện đáng kể về mức tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đã giúp kiểm soát chu kỳ tồn kho. Đong thời động thái này cũng ngăn chặn sự mất cân đối giữa cung và cầu có thể dẫn đến tình trạng sa thải lao động hàng loạt.

Ông cũng cho rằng, sự gia tăng của thương mại quốc tế có thể bù đắp cho nhu cầu trong nước đang chậm lại. Trong thời đại internet, doanh nghiệp Mỹ có thể dễ dàng tìm thấy khách hàng trên toàn cầu. Ông kết luận, sự tăng trưởng của khu vực dịch vụ đã làm cho nền kinh tế Mỹ ổn định hơn và ít nhạy cảm hơn với lãi suất cao hiện nay.

Một số nhà phân tích thị trường, chẳng hạn như Jim Bianco của Bianco Research tin rằng, ở một số khía cạnh, nền kinh tế Mỹ đang bắt đầu giống với nền kinh tế toàn cầu, vốn thường chỉ suy thoái khi những cú sốc lớn về sản lượng xảy ra.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và đại dịch Covid-19, chỉ cách nhau 10 năm và đã gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này cho thấy, tuy hiếm gặp nhưng những cú sụp đổ kinh tế như vậy có thể ngẫu nhiên xảy ra liên tiếp. Vì vậy, triển vọng về chu kỳ tăng trưởng kéo dài của Mỹ không đảm bảo. Nhưng thế giới đã chứng kiến một tiền lệ tích cực: Úc trải qua chu kỳ tăng trưởng kéo dài 30 năm cho đến khi đại dịch Covid-19 ập đến.

Theo New York Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thuyet-ve-chu-ky-kinh-doanh-da-loi-thoi-doi-voi-nen-kinh-te-my/