Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dài hơn 88km, tổng vốn đầu tư khoảng 20.400 tỷ đồng. Để thực hiện dự án nối thông hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, nhà thầu phải đục đá khoan 3 hầm xuyên núi với chiều dài 4.500m, trong đó hầm số 3 có chiều dài 3.200m, là hầm đường bộ lớn nhất trong hệ thống cao tốc Bắc-Nam đến thời điểm hiện tại.
Để thi công hầm xuyên núi với những lớp đá cứng nằm sâu dưới lòng đất cùng địa chất phức tạp thì ngoài giải pháp kỹ thuật, công nghệ cần phải có những công nhân, kỹ sư yêu nghề, họ bám trụ trên công trường. Trong ảnh, một đoạn hầm đường bộ số 3 trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đã được đào.
Trước khi khoan lớp đá kế tiếp, các kỹ sư, công nhân sẽ gia cố thân hầm, phun vữa bê tông để làm cứng. Nhờ tính toán khoa học, trách nhiệm nên đến nay hầm số 3 đã được 1.800m trong tổng số 6.400m cho cả hai ống hầm.
Để xây dựng hầm đường bộ xuyên núi, nhà thầu Đèo Cả trang bị những cỗ máy rô bốt có sức khoan lớn để tạo nên những mũi khoan có độ sâu từ 4-6m. Mỗi bước gương đào hầm người thợ lái máy khoan sẽ khoan không dưới 50 mũi khoan như vậy để đảm bảo cho việc nổ mìn đạt hiệu quả nhất.
Lái máy Đỗ Văn Trường, quê tỉnh Nam Định làm việc bên trong hầm số 3 cho biết, để khoan đá tạo lỗ nạp thuốc nổ thì việc điều khiển rô bốt cân chỉnh mũi khoan đi đúng hướng theo yêu cầu buộc những lái máy như anh phải căng mắt quan sát. Quá trình khoan phải tính toán và đo được độ cứng của đá hoặc các trở ngại khác để đảm bảo các mũi khoan làm việc hiệu quả, tránh hư hỏng cũng như đảm bảo bước đào hầm.
Nhưng để thi công hầm hiệu quả không thể không kể đến công sức của những người thợ nổ mìn. Trong ảnh thợ nổ mìn Hoàng Đình Vỹ, quê huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đang quấn giấy bìa cát tông thành nút bịt đầu lỗ chuẩn bị cho công đoạn nổ mìn. Ông Vỹ cho biết, nút đầu nổ rất quan trọng ngăn không cho thuốc rơi ra bên ngoài, tạo áp suất lớn để làm toạc đá trong quá trình nổ.
Những thợ nổ mìn nẹp thuốc nổ vào các thanh tre để tạo thành "cây mìn" sẵn sàng đưa vào hầm nổ mìn phá đá khi có hiệu lệnh. Với mỗi thanh tre như thế tùy theo kích cỡ gương đào nhưng ngắn nhất là 4m và dài khoảng 6m, trên mỗi nẹp tre sẽ có từ 1-1,5kg thuốc nổ công nghiệp. Những công nhân đều trải qua các lớp đào tạo bài bản.
Dù kinh nghiệm nổ mìn được các công nhân nằm lòng, song trước khi dồn thuốc làm mìn, thợ mìn Phan Hữu Thành cùng các công nhân luôn đọc lại chỉ dẫn một cách cẩn thận và tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc an toàn.
Thợ nổ mìn Trần Văn Hảo, quê huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cho biết, quá trình đưa thuốc nổ vào lỗ mìn phải thực hiện thận trọng, trong đó người thợ phải kiểm tra lại lỗ mìn, bóc bột đá bên trong ra sạch sẽ đảm bảo lỗ mìn không còn vật cản, sau đó luồn nẹp tre đã buộc thuốc và kíp nổ đẩy vào lỗ. Mỗi dạng địa chất khác nhau sẽ có cách nạp nổ khác nhau nên phải tính toán để điều chỉnh kịp thời trong quá trình nạp nổ.
Trước khi nối kíp nổ, thợ mìn kiểm tra lại quá trình nạp nổ đã đảm bảo hay chưa, kiểm tra hộ chiếu nổ mìn. Anh Trần Đức Hưng, một thợ nổ mìn cho biết, quá trình nạp nổ và nổ mìn phải tập trung 100% trách nhiệm, tuân thủ nghiêm quy trình, quy chuẩn nổ mìn.
Quá trình nạp nổ hoàn tất thì tổ thợ mìn tiến hành giăng kíp nổ nối ra bên ngoài cách bán kính điểm nổ từ 400m trở ra theo đúng kỹ thuật để tránh đá văng.
Chỉ huy nổ mìn hầm số 3 Nguyễn Huy Phương cho biết, khi mọi thao tác nạp nổ hoàn thiện, anh sẽ kiểm tra bên trong hầm và là người cuối cùng đi ra khỏi hầm để phát hiệu lệnh nổ. Trong ảnh: Kíp nổ được rải nối từ điểm nổ ra xa vị trí nổ khoảng 400m để tổ nổ mìn thực hiện kích nổ.
Làm việc ở bộ phận nguy hiểm liên quan đến thuốc nổ và môi trường ngột ngạt, song những thợ nổ mìn tại hầm số 3, dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn cho biết, họ quen với nghề và thấy có trách nhiệm hơn với công việc. Trong ảnh: Những người thợ mìn đang cho thuốc nổ vào lỗ khoan sẵn.
Tổ trưởng tổ nạp nổ Nguyễn Năng Mão cho biết, toàn bộ quy trình nổ mìn đều tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn. Bản thân ông có 30 năm kinh nghiệm trong nghề nổ mìn khoan hầm từ nhưng dự án hầm thủy điện khắp trong Nam ngoài Bắc nên hiểu rõ tình chất quan trọng của người làm nghề nổ mìn. Để nổ mìn hiệu quả thì bộ phận khoan lỗ mìn đảm bảo khoảng cách, độ sâu và người nạp nổ phải có kinh nghiệm.
Sau mỗi lần nổ mìn, xe bê tông sẽ vào để phun bê tông gia cổ mái hầm, khi bước này hoàn thành, máy xúc, máy đào sẽ tiến vào bên trong hầm đào xúc đá cho lên xe tải chở ra bãi trữ để xay nghiền làm cấp phối đá dăm đắp nền đường hoặc trộn bê tông.
Niềm vui của những người thợ đào hầm khi gương đào cuối cùng được nổ mìn nối thông hầm trên cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Lê Đức