Tích hợp giáo dục vì môi trường trong giảng dạy sư phạm mầm non
Cùng với đó, Việt Nam đảm bảo công bằng tiếp cận đối với giáo dục mầm non chất lượng đến tất cả các trẻ em.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào tổ chức Hội nghị Giáo dục ASEAN về Công bằng tiếp cận đối với giáo dục mầm non chất lượng. Đây là sự kiện nhân dịp Lào là Chủ tịch ASEAN năm 2024. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Giáo dục các nước ASEAN, Timor Leste, các chuyên gia về giáo dục và các đối tác giáo dục quốc tế.
Tại phiên toàn thể với chủ đề “xây dựng khả năng tự cường đối với thay đổi khí hậu từ sớm: Tương lai của giáo dục mầm non vì sự phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã chia sẻ với các thành viên ASEAN các thành tựu mà giáo dục mầm non Việt Nam đạt được trong thời gian qua.
Cụ thể, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2017. Công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp được chú trọng bảo đảm mỗi xã/phường có 1 cơ sở giáo dục mầm non công lập, giáo dục mầm bon ngoài công lập được khuyến khích phát triển. Có 56,9% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, trong đó tỉ lệ trường mầm non ngoài công lập chiếm 21,1%.
Năm học 2022-2023, có hơn 5,3 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục ở các cơ sở giáo dục mầm non trên toàn quốc. Tỉ lệ trẻ em được đến cơ sở giáo dục mầm non, được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non quốc gia đạt 70%/trẻ em trong độ tuổi, trong đó trẻ em tại các cơ sở ngoài công lập (23,3%).
Giáo dục về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu luôn là một trong những ưu tiên của Việt Nam. Chính phủ đã có những chính sách, chương trình hành động cụ thể để nâng cao nhận thức cho của
học sinh
trong công tác bảo vệ môi trường tại tất cả bậc học.
Đối với giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT Việt Nam đã chỉ đạo triển khai Chương trình giáo dục mầm non trên toàn quốc có lồng ghép mục tiêu giáo dục thích ứng biến đổi khí hậu, giáo dục bảo vệ mội trường nhằm giúp trẻ mầm non có được kiến thức cơ bản, nhận thức và khả năng thích nghi với những thay đổi của môi trường như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học.
Nhận thức rằng trẻ em ngày nay sẽ lớn lên trong một thế giới hoàn toàn khác so với thế hệ cha mẹ của trẻ, phải đối mặt với những thách thức mới, trong đó có biến đổi khí hậu, rủi ro về thiên tai, Trưởng đoàn Bộ GD&ĐT Việt Nam thông tin với Hội nghị về những chương trình Việt Nam sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Đó là, triển khai lộ trình thực hiện các mục tiêu về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững. Chú trọng việc nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn 2045, mục tiêu “ Chất lượng - Công bằng - Hòa nhập”, quan tâm đến chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến mục tiêu “Xanh hóa lối sống, xanh hóa quá trình chuyển đối dựa trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu”.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng nhấn mạnh cam kết của Bộ GD&ĐT Việt Nam trong việc chia sẻ những nỗ lực chung của khu vực và đồng hành cùng Bộ Giáo dục các nước tăng cường thực hiện Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về chăm sóc và giáo dục mầm non đã được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN năm 2023 và các cam kết các nước đạt được tại hội nghị lần này.
Kết thúc hội nghị, lãnh đạo Bộ Giáo dục các nước ASEAN đã thông qua tuyên bố chung của hội nghị trong đó bao gồm những nội dung: tích hợp giáo dục vì môi trường bền vững trong chương trình giảng dạy sư phạm mầm non; trang bị kiến thức, kỹ năng cho giáo viên mầm non về biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai;
Kêu gọi sự phối hợp của cha mẹ của trẻ tạo ra môi trường giáo dục thống nhất, toàn diện thông qua gia đình và cộng đồng, tạo cơ hội cho trẻ em học tập và thực hành kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai hiệu quả vì sự phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Lào, đoàn Bộ GD&ĐT Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Thể thao Lào về việc triển khai các nội dung của chương trình hợp tác năm giáo dục Việt Nam - Lào giai đoạn 2021-2030, đặc biệt là công tác đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và đào tạo tiếng Việt tại Lào.
Tại cuộc làm việc, hai bên thống nhất về việc duy trì đủ số lượng giáo viên Việt Nam sang dạy tiếng Việt tại Lào; sớm hỗ trợ sách dạy tiếng Việt cho học sinh phổ thông của Lào; quan tâm thúc đẩy một số dự án như: dự án đưa nội dung lịch sử mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào và Lào - Việt và giảng dạy tại cơ sở giáo dục hai nước; dự án nâng cao năng lực quản lý lưu học sinh Lào trước và sau đào tạo tại Việt Nam; tăng cường chương trình dạy tiếng Việt 4 tháng cho lưu học sinh Lào trước khi sang học tại Việt Nam và tăng cường dạy tiếng Lào cho du học sinh Việt Nam trước khi sang Lào học tập,…
.