Tiện ích kép cho người bệnh và cơ sở y tế
Với việc triển khai thành công hồ sơ bệnh án điện tử (HSBAĐT), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tạo ra bước tiến mới trong hoạt động khám, chữa bệnh (KCB), mang lại tiện ích kép cho cả bệnh nhân và bệnh viện.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chẩn đoán hình ảnh trên hệ thống PASS.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa bắt đầu triển khai HSBAĐT từ 1/1/2021 và đến tháng 7/2022 chính thức công bố HSBAĐT. Việc triển khai HSBAĐT được xem là bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số ngành y tế. Không chỉ đơn thuần là việc thay đổi phương thức quản lý hồ sơ bệnh án mà còn tối ưu hóa quy trình KCB. Hồ sơ bệnh án khi được số hóa, bệnh viện không cần dùng hồ sơ, sổ sách giấy mà dữ liệu sẽ được liên thông tới tất cả các khoa, phòng, được nhập, suất, lưu trữ trên môi trường mạng thông qua phần mềm ISOFH và có cơ sở pháp lý qua chứng thực số bằng vân tay và chữ ký số. Thông qua HSBAĐT, các thông tin về sức khỏe người bệnh được lưu trữ đầy đủ, chính xác, dễ dàng truy cập để khai thác thông tin làm căn cứ để đưa ra các chẩn đoán chính xác, kịp thời.
Đối với người bệnh, mỗi khi đi KCB không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ, hồ sơ bệnh án trước đó. Ngoài ra, mỗi người bệnh khi đến bệnh viện thăm khám sẽ được cấp 1 mã số bệnh nhân duy nhất, người bệnh cũng có thể đặt lịch khám bằng phần mềm. Khi có kết quả KCB, bệnh nhân ở phòng khám sẽ được nhận và lưu trữ thông qua mã QR code.
Thạc sĩ, bác sĩ CKII Lê Ngọc Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Trước đây, mỗi khi tiếp đón bệnh nhân, đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ, phân loại phòng khám... Từ khi áp dụng HSBAĐT đã làm thay đổi hoàn toàn hoạt động quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động KCB. Căn cứ vào kết quả lưu trữ trong HSBAĐT cùng các phần mềm ứng dụng trong quá trình KCB sẽ hỗ trợ hoạt động chuyên môn, giúp hạn chế sai sót trong quá trình khám và điều trị bệnh, giúp chuyển đổi số toàn diện ngành y tế và hỗ trợ y, bác sĩ trong quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 1.834 giường thực kê với trung bình khoảng 1.000 lượt khám/ngày. Với số lượng giường bệnh và số lượt bệnh nhân đến KCB rất lớn, khi chưa áp dụng HSBAĐT, nhân viên y tế của bệnh viện phải ghi chép bằng tay hồ sơ bệnh án để lưu trữ tất cả quá trình điều trị bệnh của bệnh nhân, các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... mất rất nhiều thời gian và không tránh khỏi sai sót. Với việc triển khai HSBAĐT, tất cả những vấn đề nêu trên đã được giải quyết triệt để.
Bệnh viện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và là bệnh viện đầu tiên trong tỉnh triển khai đăng ký KCB trên ứng dụng VNeID được xác nhận mức độ 2, thực hiện tiếp đón người bệnh đến đăng ký khám bằng CCCD gắn chip hoặc mã QR trên ứng dụng VNeID. Căn cứ tình hình phát triển và nguồn lực hiện có, bệnh viện đã tổ chức tuyên truyền và đẩy mạnh triển khai thực hiện việc thu phí không dùng tiền mặt; tích hợp đa dạng hình thức thanh toán cho hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt để thuận lợi cho nhân viên y tế cũng như người bệnh, người nhà người bệnh trong thanh toán viện phí và quản lý thanh toán viện phí nhất là thanh toán qua QR code tại bệnh viện. Căn cứ theo chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Y tế, bệnh viện cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai các nền tảng phần mềm khám bệnh từ xa (VTelehealth) và hồ sơ sức khỏe điện tử (VHR) theo lộ trình và phù hợp với điều kiện thực tế tại bệnh viện.
Những tiện ích mà HSBAĐT mang lại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong quá trình chuyển đổi số là động lực quan trọng để toàn ngành y tế tỉnh nỗ lực thực hiện chuyển đổi từ hồ sơ bệnh án giấy sang HSBAĐT nhằm mang lại lợi ích thiết thực, giảm phiền hà cho người bệnh, nâng cao sự hài lòng của người bệnh và mang lại thuận lợi cho đội ngũ y, bác sĩ trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tien-ich-kep-cho-nguoi-benh-va-co-so-y-te-214212.htm