Tiên phong về tài chính xanh

Chi phí đầu tư và sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường luôn cao hơn nhiều so với sản phẩm thông thường nên cần có những doanh nghiệp với bản lĩnh tiên phong.

Việc tái chế vật liệu để quay vòng sản phẩm giúp môi trường tốt đẹp hơn và thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình kinh tế bền vững. Một số doanh nghiệp (DN) đã chuyển dần từ nền kinh tế tuyến tính sử dụng tài nguyên một lần sang kinh tế tuần hoàn, tạo ra các vòng lặp kín cho sản xuất nhưng chi phí để sản xuất ra sản phẩm từ mô hình này luôn đắt đỏ.

Không có lợi nhuận vẫn làm

Ông Phan Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết đang vận hành dự án xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại rác tại nguồn. Bước đầu dự án đã mang lại hiệu quả và trung tâm đã thu mua được một khối lượng chất thải tái chế ổn định. Tuy nhiên, dự án này chưa thu được lợi nhuận, tức là dự án chưa thể nuôi được dự án.

“Chúng tôi là DN hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường nên hiểu được lợi ích của việc giảm thiểu rác thải nhựa đối với cuộc sống của cộng đồng. Việc tiên phong đi đầu là trách nhiệm của chúng tôi và vì vậy công ty chưa đặt vấn đề về lợi nhuận” - ông Thái nói.

Về lâu dài, ông Thái kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần hỗ trợ về tài chính để DN thực hiện các dự án phân loại, tái chế và xử lý rác thải nhựa tiếp tục phát triển. Bởi giảm thiểu rác thải nhựa là vấn đề của toàn cầu, là trách nhiệm không phải của bất cứ DN nhà nước hay tư nhân.

Theo bà Trần Phương Nga, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Thiên Long, DN phát triển xanh đang gặp vấn đề lớn về việc cân bằng giữa giá thành sản phẩm và công nghệ sản xuất. Lấy dẫn chứng về sản phẩm bút bi sử dụng vật liệu tái chế của công ty, bà Nga cho biết nguyên vật liệu và quy trình sản xuất hiện nay khá đắt đỏ. Cụ thể giá của một chiếc bút bi từ sản phẩm tái chế cao hơn 25%-30% so với giá thành của một chiếc bút bi thông thường. Ngoài ra, về hình thức sản phẩm từ nguyên vật liệu môi trường thường không được đẹp mắt bằng sản phẩm từ nhựa zin. Quá trình sản xuất cũng cần kỹ thuật cao hơn, dễ bị lỗi khi sản xuất đại trà nên từ khâu thiết kế đến kỹ thuật đều phải làm kỹ hơn và tất cả đều góp phần tăng chi phí sản xuất.

Bà Nga bộc bạch: “Việc Thiên Long cố gắng nỗ lực giữ mức giá như bình thường để người tiêu dùng không phải chịu áp lực phải trả thêm nhiều chi phí, nhất là các học sinh, thực sự là một nỗ lực và áp lực rất lớn. Chưa kể để một dòng sản phẩm tái chế đến tay người tiêu dùng, chúng tôi còn phải khó khăn thuyết phục điểm bán, phải tăng chi phí tiếp thị để khách hàng biết thông tin”.

 Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi hướng tới tiêu dùng xanh và có trách nhiệm cũng là khâu quan trọng. Ảnh: TL

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi hướng tới tiêu dùng xanh và có trách nhiệm cũng là khâu quan trọng. Ảnh: TL

 Dự án xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại rác tại nguồn của Công ty TNHH Môi trường đô thị TP.HCM. Ảnh: CITENCO

Dự án xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại rác tại nguồn của Công ty TNHH Môi trường đô thị TP.HCM. Ảnh: CITENCO

 Bút bi sử dụng nguyên liệu tái chế của Công ty Thiên Long. Ảnh: TL

Bút bi sử dụng nguyên liệu tái chế của Công ty Thiên Long. Ảnh: TL

Cần có chính sách phù hợp

Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, ngay từ đầu các DN phải đối mặt với những thách thức về tài chính trong đầu tư và chi phí. Điều này đồng nghĩa với việc giá thành sản phẩm sẽ tăng lên ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh giữa các DN trong cùng lĩnh vực với nhau. Vì thế để phù hợp với xu thế hội nhập, các DN phát triển xanh luôn mong muốn những cơ chế, chính sách phù hợp và kịp thời để hỗ trợ họ.

Bà Nga thừa nhận áp lực về tài chính đang là một bài toán khó cho hầu hết các DN chuyển đổi xanh. “Chúng tôi tâm niệm rằng trong ngắn hạn, phát triển các sản phẩm này chưa đem lại lợi nhuận nhưng về lâu dài lợi ích cho xã hội là điều rất đáng để đầu tư. Chúng tôi mong muốn có được sự chung tay về nguồn lực tài chính và nhiều sự hỗ trợ khác từ nhận thức của cộng đồng”.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, cho rằng về mặt chính sách, công ty đang đóng góp các ý kiến và đề xuất cụ thể vào quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và dự thảo xây dựng nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Theo đó, các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ ở tất cả khâu từ thiết kế và nhãn sinh thái cho đến phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa để làm ra sản phẩm mới.

“Ngoài ra, các DN phát triển xanh còn cần sự phối hợp và hành động của các cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất, đơn vị thu gom, tái chế, kể cả việc xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của thị trường các sản phẩm tái chế. Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất là tiếp tục các hoạt động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người tiêu dùng, hướng tới tiêu dùng xanh và có trách nhiệm” - ông Hưng nói.

NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/tien-phong-ve-tai-chinh-xanh-post775464.html