Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh: Trại hè là nơi để trẻ từng bước trưởng thành

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh hiện là chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con (thành lập từ năm 2010), đồng thời là người sáng lập, điều hành mô hình trại hè EcoCamp (từ năm 2014).

Tạp chí Forbes từng vinh danh chị là một trong 20 gương mặt truyền cảm hứng năm 2021, còn các em nhỏ thì trìu mến gọi Nguyễn Thụy Anh là “Thuyền trưởng EcoCamp”. Hànôịmới Cuối tuần có cuộc trò chuyện với chị về cơ hội thấu hiểu trẻ em qua hoạt động trải nghiệm trại hè.

- Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, sự kết nối của các thế hệ trong thời đại số được cho là ngày một mong manh, chị có nghĩ như vậy?

- Cũng không khó để thấy rằng ở thời 4.0, thời của trí tuệ nhân tạo... dường như công nghệ càng phát triển thì ta lại càng mong manh. Sự kết nối giữa người và người ít khi được diễn ra trực diện, trực tiếp mà phải thông qua mạng xã hội, qua những thiết bị bé nhỏ trên tay.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh.

Với các bạn tuổi teen của chúng ta, nhất là sau giai đoạn cả thế giới quay cuồng trong cơn giãn cách dài vì dịch Covid-19, điều này càng dễ nhận ra. Rất nhiều em rơi vào tình trạng mất kiểm soát cảm xúc, khó tập trung, dễ chán nản và gặp nhiều kiểu rối loạn khác nhau. Và, ngay cả khi không có bệnh lý thì trẻ mới lớn cũng thường có nhiều xáo trộn, hoang mang.

- Trong một cuộc trò chuyện, Tiến sĩ, nghệ sĩ biểu diễn guitar Trần Tuấn An, hiện đang giảng dạy ở Mỹ, cũng chia sẻ rằng học sinh của anh gặp nhiều vấn đề về tâm lý sau dịch Covid-19 và trước khi dạy trẻ học đàn, anh luôn phải cùng trẻ vượt qua “bức tường” tâm lý đó...

- Tôi chia sẻ với suy nghĩ của Trần Tuấn An. Quả thực là ngay trong các hoạt động đọc sách, giao lưu, sinh hoạt trại hè của trẻ, sự thấu hiểu và chia sẻ những vấn đề về tâm lý của các bạn nhỏ luôn là điều cần làm đầu tiên. Chính vì thế, với chúng tôi, trại hè EcoCamp trước hết là một cơ hội để thấu hiểu trẻ.

- Có thể nói, đó là một cơ hội để người lớn quan sát và nhìn thấy rõ hơn những vấn đề của trẻ em?

- Vâng, đối với tôi, mỗi một mùa trại là một mùa - quan - sát và gần gũi các em khi bọn trẻ ở cùng tôi 10 ngày liên tục trong không gian ấm áp và an toàn về thể chất, tinh thần mà chúng tôi chăm chút để đón chúng. Các bạn có thể không tin, nhưng sự thật là chúng tôi thuộc tên tuổi, hoàn cảnh của từng bạn trẻ trong mỗi kỳ trại. Chỉ 1 - 2 ngày đầu tiên là chúng tôi đã phát hiện được những vấn đề của trẻ. Có vấn đề vốn là bình thường, dễ nảy sinh trong cuộc sống, nhưng cũng có vấn đề lại là bất thường, cần can thiệp.

Chính vì thế, cách xây dựng cấu trúc trại lẫn nội dung và hình thức tổ chức hoạt động trại là cơ hội, cách thức để chúng tôi gần gũi, tìm hiểu các em. Chúng tôi không chia đội theo lứa tuổi mà mỗi đội đều có đủ “nhí, nhỡ, nhớn”. Việc khuyến khích trẻ bé học theo trẻ lớn, trẻ lớn học cách ứng xử thân thiện, quan tâm với các em nhỏ hơn… cũng đã là một không gian giáo dục tự nhiên cho các em. Mở rộng giao tiếp, sẵn sàng chia sẻ, vui chơi và hỗ trợ nhau, điều đó khiến thần kinh dịu lại.

- Qua cách tổ chức hoạt động này, điều mà chị mong muốn tạo dựng nhất qua trại hè là gì?

- Trong trại, chúng tôi luôn chú trọng tạo cớ tương tác để có thể kết nối với trẻ. Những buổi tối tâm tình khe khẽ; lễ hội pijama; một đêm phá lệ cho phép teen ngủ muộn, ngồi nghe tiếng sóng biển và guitar bập bùng; góc hòm thư "Tâm tình với Thuyền trưởng" và hoạt động "Thuyền trưởng mời trà"… (ở EcoCamp, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh là Thuyền trưởng - PV) - tất cả đều nhằm gửi thông điệp thân thiện đến các trại viên, rằng ở đây, các em được lắng nghe.

Đó là điều có ích bởi trong nhiều trường hợp, người lớn chúng ta thích hỏi mà lại không sẵn sàng lắng nghe. Giữa những câu hỏi, ta thường chăm chăm phê phán, chỉ trích hoặc nhẹ nhất là góp ý… khi nghe chuyện con kể với những ứng xử ngây thơ hoặc vụng về… Ta vội vàng chen vào: “Ấy, con làm thế chưa ổn, chưa được. Phải thế này, thế kia cơ…”.

Trong các buổi tôi mời trà, các em được khuyến khích nói ra những điều mà em không thích ở người lớn, điều mong muốn kỳ vọng của em đối với thế giới, điều em băn khoăn khó hiểu, điều ấm ức chưa được giải tỏa, điều em tự hào về mình, triết lý về cuộc đời…

Căn phòng diễn ra buổi trà chiều luôn đẹp, đượm hương trà bạc hà thơm mát. Rất nhiều nỗi niềm bé bỏng đã được nói ra ở nơi này.

Nỗi niềm bé mọn mà để lâu sẽ tích tụ thành lớn lúc nào không hay. Cho nên, tôi coi “Thuyền trưởng mời trà” là một trong những hoạt động hữu ích của trại hè, là cơ hội kết nối giữa người và người, giúp giải tỏa mọi vấn đề còn tồn đọng.

- Mỗi chúng ta đều từng là những đứa trẻ và đều hiểu rằng được lắng nghe luôn thật hạnh phúc. Nhưng không gian để lắng nghe và được lắng nghe chắc chắn là một yếu tố quan trọng, thưa chị?

- Đó chính là lý do trại hè nên được tổ chức ở một không gian mới mẻ, phù hợp với trẻ. Đây là cơ hội cho trẻ được thoát ly khỏi môi trường quen thuộc để khám phá chính mình. Môi trường mà dù hay đẹp đến đâu thì vẫn sẽ có những định kiến, "dán nhãn", cản trở trẻ khám phá sâu xa hơn tiềm năng của mình. Thực tế cho thấy, đến một nơi lạ, trẻ như hăm hở muốn “làm lại từ đầu”, chứng tỏ mình khác biệt. Thậm chí, với nhiều em mà tôi quan sát, EcoCamp luôn là nơi em lớn vụt lên, được tự quyết và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, được lựa chọn mình làm gì vào mỗi buổi chiều khi các góc pha chế “Vị cuộc sống”, xưởng “STEM phát kiến kinh hoàng”, góc “Âm thanh xủng xoảng” rồi xưởng vẽ, làm thủ công, góc thư viện, đang hoạt động sôi nổi.

Khi thiết kế chương trình, tôi có ý thức xây dựng trò chơi lớn, kết nối mọi khía cạnh tĩnh - động trong suy nghĩ và việc làm của các em. Trò chơi luôn là chìa khóa mở ra những cánh cửa thú vị trong tư duy, đồng thời hóa giải mọi e ngại, căng thẳng của trẻ.

Trại hè luôn có những điệu nhảy giải tỏa năng lượng và những ca khúc chung giúp thu nhận và lan tỏa cảm xúc tích cực. Theo quan sát của tôi, khi các bạn trẻ tìm ra cách chuyển động có nhịp điệu để khớp được với người xung quanh, các em trở nên nhẹ nhõm, khoan hòa hơn.

Cuối trại, chúng tôi tổ chức một đêm “prom” thật trang trọng với điệu valse chậm và trang phục dạ hội. Các bạn trẻ đón nhận đêm vũ hội một cách háo hức và trân trọng. Tất cả, kể cả những em dễ bị kích động, hay kiếm cớ gây sự…, đều chủ động tham gia điệu nhảy chia tay trong âm nhạc hiền hòa.

Có lẽ, chính ở đây, tôi nhận ra thế giới này lung linh và hiền hòa đến thế!

- Chắc hẳn bên cạnh những điều dịu dàng, hiền hòa mà chị đã kể, trại hè phải có những nguyên tắc cho một hoạt động tập thể vốn sống động như vậy?

- Nói lung linh, hiền hòa là vậy nhưng không có nghĩa là chúng tôi bỏ qua những vấn đề gai góc, hóc búa của cuộc sống. Trại luôn tổ chức một hội nghị nghiêm túc để các bạn trẻ trình bày không khoan nhượng quan điểm của mình về rất nhiều chủ đề, từ kinh tế - xã hội đến môi trường, giáo dục, bình đẳng giới…

Ngắm những đứa trẻ phân công nhau cùng tổ chức hội nghị, tôi hạnh phúc thấy chúng đang chia sẻ và được chia sẻ, đang lớn lên ngay trước mắt tôi. Ý nghĩa của mùa hè và mục tiêu của trại hè chính là ở đó. Mùa hè là mùa lớn! Trại hè là nơi để trẻ từng bước trưởng thành!

Tôi luôn mong rằng, dù trải nghiệm trại hè ở nơi nào thì trẻ em và câu chuyện của trẻ em vẫn là trung tâm của mọi hoạt động. Và, hiệu quả của một trại hè chính là sự trưởng thành mà ta thấy được dù chỉ qua một khoảng thời gian không dài.

- Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh!

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tien-si-giao-duc-nguyen-thuy-anh-trai-he-la-noi-de-tre-tung-buoc-truong-thanh-666026.html