Tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân

Ngày 23/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 19 của Kỳ họp thứ 6, tại Nhà Quốc hội. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Buổi sáng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Có 27 đại biểu phát biểu, 8 đại biểu tranh luận. Ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc; làm rõ đối tượng người thụ hưởng các chế độ BHXH; về quản lý, thu Quỹ BHXH; nguyên tắc BHXH; trách nhiệm của người sử dụng lao động; quyền và trách nhiệm của tổ chức bảo vệ người lao động; trợ cấp hưu trí xã hội và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc; điều kiện hưởng lương hưu; trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; về BHXH một lần; về chế độ trợ cấp mai táng; mức hưởng trợ cấp thai sản; về bổ sung quỹ thành phần của quỹ BHXH; về chi phí quản lý BHXH; về hoạt động đầu tư của quỹ BHXH;...

Theo đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang), Dự thảo Luật đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. Đây là một quy định hết sức nhân văn, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri.

Theo đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang), Dự thảo Luật đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp xã hội hàng tháng khác sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. Đây là một quy định hết sức nhân văn, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri.

Phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, các phương án trong dự án Luật trình trước Quốc hội là góp phần thể chế hóa nguyên tắc tiến tới là bảo hiểm xã hội đa tầng và BHXH toàn dân, khắc phục cơ bản những vướng mắc, khó khăn hiện nay.

Về trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đây là vấn đề mà Chính phủ, Ban soạn thảo đã bám sát tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW. Đây là tầng đầu tiên trong hệ thống BHXH đa tầng. Trợ cấp hưu trí xã hội do Ngân sách nhà nước đảm bảo cho người lao động ở các độ tuổi là cao tuổi và không có lương hưu, không có BHXH hàng tháng và để có chính sách huy động nguồn lực xã hội bổ sung cho các đối tượng này có mức lương hưu cao hơn. Việc điều chỉnh giảm dần độ tuổi trợ cấp hưu trí xã hội trước mắt, Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm từ 80 xuống 75 và với phương án sẽ tiếp tục giảm dần, tiến tới tiệm cận tuổi nghỉ hưu. Việc điều chỉnh này sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách của Nhà nước. Điều chỉnh thời điểm nào, mức nào thì sẽ do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Về BHXH một lần, Bộ trưởng nêu rõ, đây là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao. Do đó, Ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động. Để có thể đưa ra phương án BHXH một lần, cần hướng tới hai tới mục tiêu cơ bản: Thứ nhất là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH là vẫn có quyền để giúp BHXH; thứ hai là phải phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống, đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già là có lương hưu đảm bảo cuộc sống.

Hiện tại khó có thể đưa ra một phương án tối ưu mà sẽ đi theo phương án nhiều ưu điểm hơn. Việc điều chỉnh hưởng BHXH sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng là người lao động có quyền vấn đề này nhưng không phân biệt người đóng trước hay đóng sau khi Luật có hiệu lực.

Trước ý kiến một số đại biểu nêu nhiều về vấn đề mức cho rút khác nhau, Bộ trưởng nói rõ, Ban soạn thảo đưa ra phương án 2, ở đây 50 - 50 là thời gian đóng chứ không phải mức đóng. Để lại 50% là để lại cho người lao động và được ghi nhận trong sổ BHXH để người lao động tiếp tục được hưởng các quyền lợi BHXH. Khi người lao động quay trở lại tham gia thì được cộng hưởng tiếp thời gian đóng. Còn nếu không tham gia thì khi đến tuổi nghỉ hưu, người lao động sẽ hưởng trợ cấp hàng tháng.

Về tỷ lệ đóng BHXH, Bộ trưởng nói rõ, hiện nay mức đóng BHXH của các quốc gia rất khác nhau, thường là phù hợp với bối cảnh, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Mức đóng hiện nay của chúng ta là 27,5% tiền lương tháng và làm căn cứ đóng BHXH. Về cơ bản, mức này là tương đương và tương thích với các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, mức đóng BHXH hiện nay của Việt Nam là tương đối phù hợp.

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ từng vấn đề, những vướng mắc, nội dung nào chưa phù hợp, thuộc về quy định của luật, quy định của văn bản dưới luật, hoặc do tổ chức thực hiện để có định hướng tiếp thu, sửa đổi cho đúng, toàn diện.

Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý của các Đoàn ĐBQH để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo quy định, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Phiên làm việc chiều dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, nhiều nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Việc rà soát, hoàn thiện được tiến hành một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, bám sát các đường lối, chủ trương nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội cũng như Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhất là nhiệm vụ trọng tâm về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng tại Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025: “Tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống; tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển mới. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại. Tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và bền vững”.

Đồng thời, tạo chuyển biến trong quản trị của tổ chức tín dụng, gia tăng sức chống chịu của các tổ chức tín dụng trước những cú sốc từ bên ngoài. Các giải pháp được xem xét trên cơ sở nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định. Theo đó, chất lượng của dự thảo Luật được nâng lên đáng kể.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) phát biểu về một số nội dung của dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) phát biểu về một số nội dung của dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận đã có 16 đại biểu phát biểu, tập trung thảo luận về các nội dung: phạm vi điều chỉnh; áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng, các luật có liên quan và tập quán thương mại quốc tế; bảo mật thông tin; cơ chế tiếp cận thông tin; yêu cầu bảo đảm an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; vấn đề sở hữu chéo; bảo vệ quyền lợi của khách hàng; các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại; cơ cấu tổ chức quản lý của ngân hàng chính sách; những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ quản lý trong các tổ chức tín dụng; áp dụng can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm; tổ chức tín dụng hỗ trợ; áp dụng kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng; xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay; giới hạn cấp tín dụng; tổ chức thực hiện phương án phá sản; tài sản bảo đảm trong các trường hợp được vay đặc biệt; xử lý tài sản bảo đảm trong vụ việc vi phạm hành chính;...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên thảo luận.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên thảo luận.

Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng thay mặt Ban soạn thảo cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã chia sẻ, quan tâm, đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đây là luật khó, phức tạp, chuyên sâu, có tầm ảnh hưởng lớn, vì vậy, ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội là rất đáng trân trọng, sẽ được tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tổ chức tín dụng là doanh nghiệp, hoạt động tuân thủ theo các pháp luật về doanh nghiệp, tuy nhiên tổ chức tín dụng cũng là trung gian tài chính, huy động tiền của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức khác để cho vay, nên các tổ chức tín dụng cũng phải hoạt động tuân thủ theo các quy định để đảm bảo kiểm soát rủi ro, tuân thủ các giới hạn an toàn. Luật Các tổ chức tín dụng này sẽ có những quy định đảm bảo giới hạn an toàn để kiểm soát rủi ro.

Trong dự thảo luật này, có nhiều quy định được tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp trước, đặc biệt là những nội dung nâng cao khả năng quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng, để hạn chế lạm dụng quyền của cổ đông lớn; bổ sung yêu cầu trách nhiệm, các giải pháp từ chính các cổ đông của các tổ chức tín dụng khi các tổ chức này gặp vấn đề; trách nhiệm của những người tham gia hội đồng quản trị và ban điều hành của tổ chức tín dụng; minh bạch hóa thông tin trong hoạt động điều hành, công khai thông tin về tỷ lệ của các cổ đông nắm giữ từ 1% trở lên…

Qua nghe báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, một số vấn đề trong dự thảo luật vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Đây là những vấn đề lớn, cần có thời gian để tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn. Bởi vậy, việc Quốc hội xem xét chưa thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp này là cần thiết để các cơ quan có thời gian nghiên cứu, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng trước khi trình báo cáo Quốc hội thông qua ở kỳ họp sau.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Kinh tế phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan, khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thành dự thảo luật cùng báo cáo tiếp thu giải trình với chất lượng cao nhất, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi lấy ý kiến Chính phủ, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất./.

T. Bình (tổng hợp)

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tien-toi-bao-hiem-xa-hoi-toan-dan-a30193.html