Tiếp tục làm rõ phạm vi của quy định về cứu nạn, cứu hộ

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 33, sáng nay (14/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Dự thảo Luật gồm 9 chương, 65 điều nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế.

Thảo luận tại phiên họp, có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy đối với từng loại quy hoạch để có giải pháp thiết kế về phòng cháy, chữa cháy phù hợp; đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới và cơ sở; nghiên cứu quy định yêu cầu, điều kiện về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với từng loại hình cơ sở, nhất là loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu quy định rõ công trình thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo, phương tiện giao thông cơ giới hoán cải ở mức nào thì phải có giải pháp thiết kế phòng cháy, chữa cháy.

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua tình hình cháy nổ vẫn xảy ra liên tục, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân, xã hội. Do đó, đây là Dự án Luật quan trọng, tác động đến kinh tế - xã hội, đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng các quy định trong dự thảo Luật để khắc phục tồn tại hạn chế, bảo đảm khả thi gắn với công tác phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là cần tiếp tục làm rõ phạm vi của quy định về cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm không chồng chéo với các quy định trong Luật Phòng thủ dân sự và các hoạt động có liên quan.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/tiep-tuc-lam-ro-pham-vi-cua-quy-dinh-ve-cuu-nan-cuu-ho-237763.htm