Tìm giải pháp thu hút nguồn lực kiều bào phục vụ phát triển du lịch Viêt Nam

Nhu cầu về Việt Nam thăm thân, du lịch của kiều bào ngày càng lớn. Thế hệ kiều bào lớn tuổi hầu hết đã ổn định cuộc sống, có tài sản tích lũy, có thời gian với nhu cầu đi du lịch, nghỉ dưỡng ngày càng tăng.

Tối 8/8, Hội thảo “Thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển du lịch” được thực hiện dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Sự kiện do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao phối hợp với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch tổ chức. Tại Hội thảo, nhiều ý kiến và đề xuất thiết thực đã được đưa ra thảo luận.

Đại biểu tham gia Hội thảo trực tiếp tại Hà Nội. (Ảnh: Dương Tiêu)

Đại biểu tham gia Hội thảo trực tiếp tại Hà Nội. (Ảnh: Dương Tiêu)

Sự kiện có sự góp mặt của gần 70 đại biểu từ các bộ, ngành, các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương và 15 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các hội, đoàn kiều bào mạnh, có đông thành viên; đại diện một số công ty du lịch của kiều bào trong và ngoài nước.

Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung về những mặt đã làm được, những tồn tại, nguyên nhân và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thu hút hơn nữa người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và thế hệ trẻ kiều bào nói riêng về nước du lịch, tìm hiểu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, qua đó đóng góp vào tăng trưởng khách du lịch.

Đây cũng là dịp để thông tin sâu rộng chiến lược và các chính sách phát triển du lịch Việt Nam ở nước ngoài; nâng cao vai trò của Cơ quan đại diện trong việc quảng bá văn hóa và thúc đẩy du lịch, đầu tư giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Ý tưởng về Năm du lịch kiều bào

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, khẳng định, du lịch là ngành kinh tế có vai trò, vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước, được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư để trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, cùng với tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế của đất nước, du lịch Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng như tác động của tình hình kinh tế thế giới và khu vực. Trong thời kỳ hậu Covid, du lịch mặc dù đang trong đà hồi phục nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Để góp phần phục hồi ngành du lịch, đóng góp cho vào sự phát triển chung của đất nước, bên cạnh những giải pháp được đề ra thời gian qua, ông Ngô Hướng Nam cho rằng, cần có những ý tưởng và cách làm mới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN chia sẻ: "Hiện nay có hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, đây là một thị trường giàu tiềm năng mà thời gian qua hầu như còn chưa được quan tâm khai thác hiệu quả. Cộng đồng NVNONN luôn hướng về quê hương, mong muốn được quay trở về thăm thân, du lịch, tìm hiểu về văn hóa, truyền thống dân tộc và được tạo điều kiện để góp sức xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong những năm qua, NVNONN là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển cho ngành du lịch. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm có khoảng 700 nghìn đến 1 triệu lượt kiều bào về nước, tương đương với lượng du khách Nhật Bản, thị trường khách du lịch lớn thứ 3 của Việt Nam”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Ngô Hướng Nam phát biểu. (Ảnh: Dương Tiêu)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Ngô Hướng Nam phát biểu. (Ảnh: Dương Tiêu)

Cũng theo ông Ngô Hướng Nam, nhu cầu về Việt Nam thăm thân, du lịch của kiều bào ngày càng lớn. Thế hệ kiều bào lớn tuổi hầu hết đã ổn định cuộc sống, có tài sản tích lũy, có thời gian, nhu cầu đi du lịch, nghỉ dưỡng ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, thế hệ trẻ được sinh ra, lớn lên, được đào tạo trong môi trường văn hóa, giáo dục của nước ngoài, là thế hệ kế cận, sẽ chiếm vai trò chủ đạo trong các hoạt động kinh tế, xã hội của cộng đồng; xu hướng về Việt Nam làm ăn, thăm thân, du lịch, tìm hiểu cội nguồn… sẽ ngày càng gia tăng.

Từ năm 2004 tới nay, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Trại Hè Việt Nam dành cho thanh thiếu niên kiều bào thăm quê hương, tham gia các chuyến đi xuyên Việt tìm hiểu cội nguồn, tham quan các danh lam thắng cảnh, tìm hiểu về văn hóa, phong tục vùng miền.

Ủy ban cũng chú trọng lồng ghép các hoạt động tham quan với các chương trình tổ chức thường niên khác như Đoàn kiều bào dự Giỗ Tổ Hùng Vương; Lớp tập huấn giảng dạy tiếng Việt; Chương trình Xuân Quê hương. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đề xuất ý tưởng tổ chức Năm du lịch kiều bào, nếu đạt hiệu quả cao sẽ hướng tới tổ chức với quy mô cấp quốc gia.

Trình bày tham luận về “Thực tiễn công tác tổ chức chương trình trại hè cho kiều bào trẻ”, ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, cho biết, chương trình năm nay được chuẩn bị kỹ lưỡng, ý tưởng rõ nét với 40 hoạt động mang tính toàn diện từ tham quan danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, di sản văn hóa; đến các hoạt động tri ân “uống nước nhớ nguồn” tổ tiên, các thế hệ cha anh có công dựng nước và giữ nước.

Ngoài ra, Đoàn đã quyên góp được số tiền gần 200 triệu đồng trao tặng quà tình nghĩa cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách tại Hà Tĩnh, Quảng Trị; thăm, tặng quà cho trẻ em tại các trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình… Các hoạt động đã tạo nên sự kết nối giữa thế hệ trẻ kiều bào và với quê hương, đất nước.

Xuất phát từ thành công của các chương trình này và xuất pháttừ nhu cầu của đất nước, đáp ứng mong mỏi của bà con kiều bào, Ủy ban Nhà nước về NNVONN mong muốn cùng Cục Du lịch quốc gia và các công ty du lịch, lữ hành nghiên cứu, xây dựng mô hình du lịch tập trung phục vụ nhu cầu của kiều bào.

Điều này nhằm quảng bá, thu hút khách du lịch kiều bào trở về thăm cội nguồn, đồng thời tăng cường sự hiểu biết về thiên nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam đối với các thế hệ kiều bào.

Hiến kế phát triển du lịch nguồn cội

Tại Hội thảo, bà Erin Phương (kiều bào Mỹ), Chủ tịch Vietnam Society, đã chia sẻ về nhu cầu của kiều bào, đặc biệt là người Việt trẻ tại Mỹ đối với du lịch nguồn cội.

Bà Erin Phương cho biết, có một câu hỏi đơn giản về danh tính đang được nhiều thanh niên Mỹ gốc Việt đặt ra là “Tôi là người Việt hay người Mỹ?” và du lịch cội người sẽ giải đáp cho băn khoăn của họ.

Bà cho rằng: “Sự gắn bó với một nơi chốn, một vị trí địa lý, cảm giác hoài niệm hay sự kết nối tình cảm của một người với một ngôi trường có nhiều ý nghĩa với họ. Chỉ đơn thuần như ăn một tô phở ở Việt Nam đã gợi ra cảm xúc khác biệt khi ăn một tô phở ở Washington DC.”.

Để du lịch cội nguồn phát triển, bà Phương gợi ý một số giải pháp như phát triển đội ngũ tình nguyện viên, hỗ trợ phiên dịch tiếng Anh…

Ngoài ra, việc lựa chọn địa điểm du lịch cần cho thế hệ trẻ người Việt tại Mỹ hiểu được nguồn gốc, về nơi họ sinh ra cũng như gợi mở sự khám phá của họ về di sản văn hóa từ ẩm thực, văn học, âm nhạc đến lễ hội, nghệ thuật, kiến trúc…

Bà Shurani Hồng, kiều bào Israel chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: Lê An)

Bà Shurani Hồng, kiều bào Israel chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: Lê An)

Chia sẻ kinh nghiệm thu hút du lịch kiều bào từ Israel, bà Shurani Hồng cho biết: “Chính phủ Israel luôn quan tâm và khuyến khích thế hệ trẻ từ 18-25 tuổi đang ở nước ngoài hướng về đất nước, cũng như tìm kiếm tài năng trẻ về phát triển quê hương. Bên cạnh đó, Israel cũng phát triển về du lịch sinh thái và nông nghiệp – những lĩnh vực mà Việt Nam giàu tiềm năng để thúc đẩy”.

Nhằm thu hút hơn nữa kiều bào tại Czech về Việt Nam du lịch, bà Nguyễn Diệu Linh, Tham tán, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Czech đưa ra một số giải pháp như sớm thúc đẩy đường bay thẳng Việt Nam-Czech; tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian xét duyệt trong việc xét cấp miễn thị thực đối với những người nước ngoài gốc Việt Nam; phát triển thêm các chương trình du lịch kết hợp với khám phá về văn hóa, truyền thống, con người Việt Nam.

Bà Nguyễn Diệu Linh chia sẻ: “Qua tìm hiểu, nhu cầu của kiều bào tại Czech trong việc tham gia các chương trình là khá lớn vì đây là cơ hội để họ tìm hiểu về văn hóa, nguồn cội, biển đảo quê hương… Được tổ chức bài bản bởi các cơ quan, tổ chức có uy tín, kinh nghiệm trong nước, các chương trình đều nhận được phản hồi tốt từ những người tham gia, do đó, kiều bào sẵn sàng cùng đóng góp kinh phí để được trải nghiệm. Bên cạnh những hoạt động đang có, Nhà nước nên nghiên cứu để xây dựng các hoạt động mang tính xã hội hóa, qua đó thu hút nhiều hơn sự tham gia của kiều bào”.

Tại Hội thảo, một số đơn vị doanh nghiệp như Công ty CP Du lịch và Tiếp thị GTVT VN Vietravel cũng gợi ý một số nội dung về xây dựng và tổ chức các chương trình du lịch về nguồn nhằm thu hút kiều bào về nước thăm thân, du lịch và đầu tư.

Đại diện một số địa phương như Phú Thọ đã giới thiệu về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - biểu tượng tinh thần đoàn kết dân tộc Việt Nam hay Điện Biên trình bày về tiềm năng du lịch tại tỉnh và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm thu hút khách du lịch, trong đó có kiều bào.

Trong phát biểu kết luận Hội thảo, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, khẳng định, Hội thảo là sáng kiến chung của hai cơ quan với mong muốn khơi dậy, phát huy nguồn lực, sức mạnh mềm của NVNONN cho phát triển đất nước, trong đó có lĩnh vực du lịch.

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về NVONN, Bộ Ngoại giao ký kết Quy chế phối hợp. (Ảnh: Dương Tiêu)

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về NVONN, Bộ Ngoại giao ký kết Quy chế phối hợp. (Ảnh: Dương Tiêu)

Hội thảo này là sự khởi đầu cho những kỳ vọng, ý tưởng phát triển “chương trình trại Hè du lịch” cho học sinh sinh viên kiều bào cũng như chương trình “Năm du lịch kiều bào” với quy mô cấp tỉnh, cấp quốc gia với đối tượng khách tham gia rộng lớn hơn và mục tiêu đa dạng hơn.

Để phát triển chương trình này dài hạn và hiệu quả, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về NVONN, Bộ Ngoại giao đã tiến hành ký kết Quy chế phối hợp nhằm thể hiện sự hợp tác chặt chẽ, có trách nhiệm giữa hai cơ quan, sự cam kết của hai cơ quan chủ quan cấp Trung ương trong tạo thuận lợi và thu hút nguồn lực kiều bào cho phát triển đất nước.

Lê An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tim-giai-phap-thu-hut-nguon-luc-kieu-bao-phuc-vu-phat-trien-du-lich-viet-nam-237662.html