Tìm lại câu dân ca đất Kẻ Mọc

Kẻ Mọc trước đây là một trong những vùng đất có truyền thống văn hóa nghệ thuật bậc nhất Hà thành, tuy nhiên vì nhiều lý do mà phong trào văn hóa văn nghệ đã không thu hút được người dân địa phương. Chẳng phải quê gốc ở đây, cũng không nhận được bất cứ đồng thù lao nào, thế nhưng Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung (quê ở huyện Mỹ Lộc, Nam Định, hiện sống ở phường Nhân Chính) đã thành lập, dìu dắt Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) tồn tại suốt 14 năm qua và gặt hái được không ít thành công.

Hướng về cộng đồng

Hà Nội những ngày cuối tuần, tôi tìm về phường Nhân Chính để gặp Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung. Niềm vui, niềm hạnh phúc vẫn lấp lánh trên đôi mắt và khuôn mặt bà khi mới đây bà được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Ngồi trò chuyện cùng bà mới thấy, để có được vinh quang hôm nay, bà đã phải đổ biết bao tâm sức, nỗ lực, cố gắng. “Lúc thành lập Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân có 14 hội viên. Ban đầu, nhiều người còn có tâm lý e ngại khi đến học vì nghĩ không hiệu quả, mất thời gian. Chính những lúc đó, tôi lại đứng ra vận động, thuyết phục và truyền cho họ tình yêu, lòng đam mê với câu dân ca. Muốn vậy, tôi đã mày mò tìm ra cách dạy ngắn gọn, dễ hiểu, dễ học nhất. Sau hành trình không mệt mỏi, đến nay đã Câu lạc bộ đã có hơn 50 người với đủ lứa tuổi, thành phần, địa vị xã hội”, Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung nhớ lại.

Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung trong một chương trình biểu diễn. Ảnh nhân vật cung cấp

Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung trong một chương trình biểu diễn. Ảnh nhân vật cung cấp

Với mục đích ban đầu chỉ là có nơi để mọi người sinh hoạt, học hỏi và có thể biểu diễn mỗi dịp lễ Tết, thế nhưng sau đó Câu lạc bộ đã giành được không ít thành tích như: Huy chương vàng Hội thi Hát văn khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất - năm 2010; giải Nhất Liên hoan Hát văn do Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội tổ chức năm 2012; giải A tại Liên hoan Dân ca dân vũ do Sở Văn hóa Thể thao thành phố Hà Nội tổ chức năm 2016, giải Ba Liên hoan Hát xẩm khu vực phía Bắc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2019… “Câu lạc bộ tồn tại với mục đích phi lợi nhuận, tất cả đều hướng về cộng đồng với tấm lòng tha thiết, mặn nồng. Điều đáng mừng là sau nhiều năm ra đời, phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương đã rất khởi sắc, phường Nhân Chính luôn giành được kết quả cao trong mỗi cuộc thi, hội diễn không chuyên của quận và thành phố”, nữ nghệ nhân khẳng định.

Thông qua nghệ nhân Kim Dung, tôi được trò chuyện với nhiều thành viên trong Câu lạc bộ và cảm nhận họ như những “cánh én nhỏ” góp phần lan tỏa, quảng bá về con người, vùng đất văn hóa giữa lòng Thủ đô vậy. Có thể kể đến bà Nguyễn Thị Minh Yến – người từng giải Nhất cuộc thi Hát ca yêu đời trên sóng Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội năm 2016 với tiết mục hát chèo “Hề mồi” hay bà Nguyễn Thị Hiển – người con của thị trấn Lim (Tiên Du, Bắc Ninh). Bà Hiển bồi hồi cho tôi biết, sinh ra trên quê hương quan họ nhưng bà lại không biết hát quan họ là một áy náy suốt nhiều năm qua. Và rồi, đến với Câu lạc bộ bà Hiển đã không chỉ hát nhiều bài hát quan họ mà còn thuộc làu, hát truyền cảm, trữ tình nhiều bài hát chèo, hát văn, xẩm… “Cũng từ những “hạt nhân” này, phong trào ca hát dân ca trong khắp nhà, ngõ, tổ dân phố của phường được đẩy mạnh. Đơn giản là chúng tôi đã đem những lời ca tiếng hát học được truyền dạy cho con, cháu trong nhà, cho hàng xóm, láng giềng không có cơ hội đến với Câu lạc bộ”, bà Hiển bộc bạch.

 Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung truyền dạy câu dân ca cho các em nhỏ quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh nhân vật cung cấp

Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung truyền dạy câu dân ca cho các em nhỏ quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh nhân vật cung cấp

Lan tỏa giá trị dân tộc

Giữa nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại thế nhưng những bà, những chị trong Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân vẫn dành thời gian để say sưa cất cao tiếng hát vào mỗi tối thứ 6 hằng tuần khiến không ít người cảm động. Cũng là người dân sinh sống trên địa bàn phường Nhân Chính, Nghệ nhân Nhân dân Ngô Văn Đảm khẳng định: “Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân tồn tại và phát triển trong suốt 14 năm qua là điều hết sức đáng quý, đáng trân trọng. Qua Câu lạc bộ này, người ta thấy được câu dân ca không hề mất đi trong đời sống hôm nay, trái lại nó vẫn có sức sống, sự thu hút với đông đảo người dân. Người dân vùng Kẻ Mọc hoàn toàn có quyền tự hào vì sự khởi sắc của nền văn hóa, văn nghệ trong thế kỷ XXI”.

Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung và các em nhỏ lớp bồi dưỡng "hạt nhân" nghệ thuật truyền thống quận Thanh Xuân biểu diễn làn điệu chèo cổ dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh nhân vật cung cấp

Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung và các em nhỏ lớp bồi dưỡng "hạt nhân" nghệ thuật truyền thống quận Thanh Xuân biểu diễn làn điệu chèo cổ dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh nhân vật cung cấp

Khâm phục trước tấm lòng của nghệ nhân Kim Dung, chị Đinh Thị Nhung, cán bộ Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Thanh Xuân cho biết: “Nghệ nhân Kim Dung là người nhiệt tình, tâm huyết với hoạt động văn hóa tại địa phương. Không chỉ thành lập và dìu dắt Câu lạc bộ Dân ca làng Mọc Quan Nhân, bà Dung còn truyền dạy dân ca cho nhiều lớp học đối tượng là trẻ em rồi người khuyết tật trên địa bàn quận. Sự lan tỏa qua các lớp học do bà Dung đứng lớp đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân nơi đây”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Xuân Trịnh Thị Hồng Thủy nhấn mạnh, những câu lạc bộ như CLB Dân ca làng Mọc Quan Nhân đã kết nối, giữ gìn, lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch của người Tràng An – Hà Nội. Dù đạt được những kết quả quan trọng, nhưng nghệ nhân Kim Dung và các hội viên vẫn còn nhiều việc phải làm, cần đầu tư công sức, trí tuệ, nhất là việc phát triển số hội viên là học sinh, sinh viên. Bởi họ chính là chiếc “cầu nối” quan trọng và cần thiết để văn hóa truyền thống ngày càng “ăn sâu, bén rễ” trong cộng đồng.

KHÁNH LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/tim-lai-cau-dan-ca-dat-ke-moc-725208