Tìm lại một dòng sông đã chết

Người Việt thường quần cư cạnh sông ngòi, nguồn nước. Sông là mẹ, là nguồn sống, bồi đắp nên đất đai xóm mạc quê hương. Dòng sông tuổi thơ chảy xuôi ven làng, dòng sông tuổi già chảy ngầm trong ký ức.

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Tìm lại một dòng sông đã chết của tác giả Trung Sỹ.

Như lời một ca khúc, trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình.

Sông Hồng tuổi thơ tôi chảy ngang đầu phố nhà, leo vài bước chân qua triền cỏ bờ đê là thấy. Con đê ngày ấy ngăn đôi hai thế giới. Một thế giới đông đúc ồn ào, chật chội trong phép tắc với rất nhiều bài tập về nhà và các kỳ thi rình rập. Thế giới thần tiên bên kia mênh mang đôi dòng nước đỏ rực như son cuồn cuộn chảy. Những cơn gió phóng túng tràn qua bãi Giữa, như đàn ngựa xanh tung bờm phi nước đại. Ở đấy có thể hét lên thật to mà chẳng sợ phiền đến ai. Chỉ có lũ chim ri sừng trong bụi lau già nghe tiếng thét thống khoái của tự do giật mình bay vút vào khoảng không.

Ngày chủ nhật, tụi học trò trong phố hay ra sân Long Biên đá bóng. Thật hoài phí cuộc đời khi ra đến bãi sông mà vẫn xỏ giày dép. Hãy tháo hết ra mà đi đất. Dưới lòng bàn chân trần mịn màng mát rượi như bột chocolate là lớp phù sa mùa nước mới trôi về. Phù sa bám một vệt theo mức nước dâng, quét đỏ lại chân tường nhà thể thao Long Biên, ngôi nhà rộng hai tầng mái ngói nằm ngoài đê phố Trần Nhật Duật. Các danh thủ bóng bàn một thời Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Đình Phiên… vẫn thường tập luyện và thi đấu trong câu lạc bộ xây dựng từ thời Pháp này.

Tan trận bóng, chúng tôi ra nhánh sông con xem người ta câu cá lăng, cá bò. Sông con là dòng chảy phụ rẽ ra từ sông mẹ, tạo thành bãi Giữa. Vì thế đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội mới được gọi là sông Nhị Hà. Hữu ngạn sông con nơi chúng tôi ngồi là bờ lở, nước xiết nên ít đứa dám tắm. Muốn tắm hay muốn xem bến thuyền lớn với những lá buồm cánh dơi vạm vỡ phải ra tận ngoài sông lớn. Ngoài đó nước chảy hiền hòa hơn. Sông đỏ phù sa nước lớn rồi/ Nhà bè khói bếp lững lờ trôi. Chẳng phải đi đâu xa, khung cảnh dòng sông yên bình trong bài thơ Chiều thu của Nguyễn Bính hiện ra đầy đủ dưới mắt lũ học trò hàng phố như những thước phim quay chậm.

Dưới mép nước, vài chiếc thuyền chài đổ cá cho các bà buôn. Những năm ấy chợ Hàng Bè còn bán đầy cá lăng hoa, cá chiên. Chao ôi nhớ như in con cá chiên khổng lồ có đôi râu vểnh lên oai vệ bác trưởng Yên xách về trong ngày giỗ cụ cả Tuyên. Những con cá trứ danh ấy bây giờ chỉ còn trong cổ tích. Còn đám côn trùng gọi là con vật vờ buổi sớm đầu hạ nổi trắng sông ngày đó người Hà Nội phố không biết ăn.

Các loại cá sông tầm thường quen thấy bây giờ chỉ còn cá mương, cá dói, cá vền… May sao vẫn sống sót loài cá mòi thời trân trong Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng. Mùa hoa gạo phủ đỏ cổng đền Ngọc Sơn, đỏ mái nhà Viễn đông Bác cổ cũng là lúc những mẹt cá mòi sông Hồng phủ trắng các chợ Hà thành.

Bãi bồi ven sông Hồng. (Ảnh Thạch Thảo)

Bãi bồi ven sông Hồng. (Ảnh Thạch Thảo)

Nhắc những kỷ niệm sông Hồng mà không nhắc đến cầu Long Biên thì thật thiếu sót lớn. Những sớm thu muộn đứng trên đê nhìn sang Gia Lâm, thấy cây cầu như bắc vào khoảng trống mù sương. Tôi đứng đây bên nhịp cầu Long Biên lộng gió. Dưới chân cầu Hồng Hà vẫn ngàn năm sóng vỗ… Cầu Long Biên đi vào ca khúc Tiếng nói Hà Nội trong những năm chiến tranh đầy tự hào như thế, mặc dù nó bị trúng bom không quân Mỹ tới tận ba lần.

Nhà tôi ở Hàng Khoai, con phố nằm ngay dốc chân cầu. Hôm đi sơ tán về thăm phố, thằng bé con là tôi đã chạy ngay ra đê bám hàng lan can trèo lên. May sao những nhịp cầu phía Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn. Khoảng sàn thép nơi cao vút đỉnh cầu lố nhố mấy chiếc mũ sắt. Đó là những khẩu đội pháo phòng không 14.5 mm hai nòng của tự vệ sao vuông Hà Nội. Họ đã bất chấp nguy hiểm, chọn vị trí cao nhất đặt trận địa, như một lời thề quyết tử với dòng sông, với cây cầu.

Nhớ mãi trận lũ lịch sử năm 1971. Năm ấy chuột cống bỗng dưng trèo đầy lên toa khói gác bếp, nhìn thấy mèo đi qua mà chẳng sợ. Bà tôi lo sợ bảo đó là điềm báo thiên tai, giục mọi người khuân hết gạo nước hòm xiểng lên gác. Trên trời tiếng máy bay trực thăng bay tuần phành phạch. Ngoài phố tiếng loa từ các xe hộ đê thúc giục vang đường.

Lực lượng hộ đê đã đắp thêm con chạch trên mặt đê chính. Sông Hồng mênh mông dâng nước mấp mé dầm cầu, nhận chìm bãi Giữa. Dòng lũ trên nguồn cuồn cuộn đổ về, cuốn theo nguyên cả những mái nhà lá cọ. Những con trâu chết trương giơ bốn cẳng chân xoay lộn trong xoáy nước sầu bọt. Người ta phải treo mình trên lan can, dùng rìu, câu liêm móc phá từng đám rều rác mắc dưới dầm cầu. Bộ Giao thông kéo một đoàn tàu chở nặng đá dăm dằn lên trên mặt đường ray cho cầu Long Biên khỏi trôi. Năm ấy đê nhiều nơi bị vỡ, riêng Hà Nội vẫn an toàn.

Lũ lụt sông Hồng hằng năm vẫn lên theo mùa, gây nhiều khó khăn phiền toái. Nhưng bù lại, một lớp phù sa mỡ màng bao phủ lên bãi đồng vườn tược sau mỗi đợt nước dâng. Người ta tính trong mỗi mét khối nước lũ có tới 1.5kg phù sa cùng rất nhiều vi lượng khoáng chất. Phù sa chính là những hạt hồng cầu trong mạch máu dòng sông chảy về bồi đắp đất đai, nuôi dưỡng trái hạt mầm cây.

Những ụ sắn dây ngoài bãi trường Phúc xá nơi mẹ tôi dạy có chùm củ đường kính cả chục phân, dài cỡ mét rưỡi là thường. Về làng Vân Cốc huyện Phúc Thọ ngoài đê quê bạn, tôi từng thấy những trái mít nặng hàng chục kg, thả không vừa sọt xe thồ. Múi mít dai to dày như lòng bàn tay người lớn, giòn tan chứa đầy nước ngọt. Để cho những quả mít lớn khỏi rụng, người ta phải đóng néo một giàn tre đỡ trái.

Năm 1989, nhà máy thủy điện Hòa Bình hoạt động. Năm 2012, nhà máy thủy điện Sơn La tích nước phát điện. Trên thượng nguồn Vân Nam, Trung Quốc cũng chặn dòng xây các nhà máy thủy điện. Hàng chục các thủy điện nhỏ bám trên các chi lưu sông Hồng: ngòi Phát, ngòi Đum, ngòi Bo, ngòi Hút… chặn nốt những nguồn nước còn lại trong lưu vực, chặn cả những hạt phù sa ở lại bồi lắng lòng hồ. Thủy chế sông Hồng thất thường và phức tạp trong bài học địa lý lớp 7 năm xưa nay không còn chuẩn nữa. Sông Hồng đỏ nặng phù sa đang dần giống như sông Đa-nuýp xanh.

Sự phát triển nào cũng phải trả giá. Từ đó, lũ sông Hồng không tràn dâng như trước. Mùa lũ nước về thoi thóp, vàng như sáp ong. Để có đủ mức nước cấp cho các hệ thống tưới tiêu đồng bằng Bắc bộ, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phải tính xây hai con đập dâng nước. Con đê mòn lối cỏ về ngày em lấy chồng nay trở nên thừa thãi, bỏ thì thương vương thì tội. Đôi dòng Nhị Hà nay chỉ còn một. Nhánh sông con đầy sinh khí tuổi thơ ngày nào bây giờ bị bồi lấp thành các vụng nước đen sì phủ đầy bèo tây, lau lách, trở thành cái hồ chứa chất thải cho các phố lấn chiếm ngoài đê.

Với ý định tìm lại dấu vết của dòng sông đầy kỷ niệm tuổi thơ nay đã chết, tôi đến điểm khởi đầu của nhánh sông con ngày xưa, bây giờ là “Vườn hoa bãi đá sông Hồng” không rõ ai quản lý, với giá vé vào cửa là 70 ngàn đồng. Vườn hoa được đầu tư cảnh quan, trồng hoa khá đẹp. Tại đây dấu vết của dòng sông cũ là các hồ nuôi cá, thả sen chạy dài.

Tiếp tục theo dấu vết sông con, tôi sang bãi Giữa và trở về nội thành Hà Nội bằng những con đường nhỏ cắt ngang sông ở Tứ Liên, ở An Dương mà chẳng cần qua cầu Long Biên. Những con đường mòn chạy ngang dọc cái bãi ngô xanh ngày trước bây giờ không rõ bị những ai rào kín bằng lưới thép B40 bịt nilon kín. Bãi Giữa không còn bị ngập, nếu không quản lý chặt sẽ bị chiếm dụng, trở thành một khu vực phát triển một cách tự phát.

Sông không chảy là một dòng sông chết. Để dòng sông Mẹ khỏi bị tổn thương hơn nữa và cứu lấy nhánh sông con, tôi đề nghị dừng ngay các dự án thủy điện trong phạm vi lưu vực. Đồng thời với việc xây dựng bãi Giữa thành công viên văn hóa đa năng như đang làm, chính quyền Hà Nội nên khơi nguồn, khôi phục lại dòng chảy sông con. Trả lại sông Hồng đôi dòng chảy Nhị Hà là công việc cấp thiết hợp với tự nhiên, với lẽ trời. Như thế thủ đô sẽ giàu thêm sinh khí và đầy tràn năng lượng.

Cần làm thêm đường ven sông, kè bờ chống lấn chiếm. Thiết kế các cây cầu đẹp nối phố cổ nội thành với công viên bãi Giữa tạo cảnh quan du lịch: cầu Hàm Tử, cầu An Dương, cầu Chương Dương Độ, cầu Đông Bộ Đầu…

Ước mong sao một ngày tìm được lại dòng sông đã mất, để còn thấy được đôi dòng Nhị Hà song song cuồn cuộn chảy dưới Long kiều.

Trung Sỹ

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tim-lai-mot-dong-song-da-chet-2267686.html