Tín dụng cho nông nghiệp xanh

Cho vay theo chuỗi giá trị được các chuyên gia đánh giá là chiến lược tín dụng hiệu quả cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững, là xu hướng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp xanh. Tuy nhiên vốn vay cho nông nghiệp xanh vẫn đang tồn tại khá nhiều rào cản.

Người dân mong muốn có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Quang Vinh.

Người dân mong muốn có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Quang Vinh.

Đến Định Quán, Đồng Nai hầu như ai cũng biết thương hiệu Yến lộc rừng. Từ 3ha đất rừng cằn cỗi, bạc màu, chị Nguyễn Thị Yến (xã Thanh Sơn, Định Quán, Đồng Nai) đã biến thành mảnh đất trù phú. Quyết tâm sản xuất nông nghiệp theo phương thức hữu cơ, chị Yến tập trung đầu tư sản xuất trên mảnh đất khô cằn, hoàn toàn nói không với phân bón và hóa học.

Hộ sản xuất khó tiếp cận vốn vay

Nhận thấy tại địa phương có nguồn nguyên liệu về các loại đỗ khá đa dạng, chị Yến quyết tâm làm sản phẩm bột ngũ hành (bột ngũ cốc). Để có nguồn nguyên liệu dồi dào chị đã mở lớp dạy cho các hộ dân trong xã cùng canh tác theo hướng hữu cơ. Được bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nên phần lớn người dân trong xã đều tập trung vào trồng đỗ làm nguyên liệu cho sản phẩm bột ngũ hành. Sau nhiều nỗ lực, đến nay sản phẩm bột ngũ hành của chị Nguyễn Thị Yến đã được UBND huyện Định quán cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được UBND tỉnh Đồng Nai trao giải Ba cuộc thi đổi mới sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai năm 2023

Cùng với sản phẩm bột ngũ hành, chị Yến tiếp tục mở rộng sản xuất trồng cây sương sâm lông. Gần 10 năm qua, chị Yến nói không với thuốc trừ sâu, trừ cỏ hay bón phân hóa học, thay vào đó thực hiện trồng cỏ, trồng cây rồi tỉa cành, tạo phân hữu cơ cho khu vườn. Nhờ vậy đất rất tơi xốp, có nhiều vi sinh vật có lợi cho cây trồng. “So với những vườn sương sâm canh tác theo phương pháp hóa học, năng suất vườn sương sâm nhà chị chỉ bằng 1/3. Tuy nhiên, điểm khác biệt là chất lượng, sản lượng thạch từ vườn lá sương sâm của gia đình chị lại cao hơn nhiều. Cụ thể, 1kg lá sương sâm tươi canh tác theo phương pháp hóa học chỉ làm được 20 lít thạch, còn 1kg lá sương sâm của gia đình chị Yến cho từ 30-35 lít thạch” - chị Yến chia sẻ.

Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, sản phẩm làm ra theo quy trình nghiêm ngặt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sản phẩm bột sương sâm cũng được cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao và đã có mặt ở tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Mô hình trồng sương sâm lông của chị đã đạt giải Nhất trong cuộc thi tìm kiếm ý tưởng/dự án phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo do Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đồng Nai phát động.

Hiện nay hộ kinh doanh Yến lộc rừng không chỉ đảm bảo cho gia đình chị Yến có cuộc sống ổn định mà còn giúp nhiều hộ nông dân khác trong xã làm giàu cũng như thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. “Mong muốn lớn nhất của tôi là gom nhóm các hộ dân trong vùng cùng thành lập tổ hợp/hợp tác xã để cùng nhau canh tác và sản xuất. Tuy nhiên để sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ thì nguồn vốn ban đầu bỏ ra rất lớn, trong khi thời gian hoàn vốn lại kéo dài nên không phải ai cũng hào hứng. Trong khi đó hiện nay ngoài số tiền 90 triệu đồng được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức ưu đãi, tôi còn phải vay vốn ở các ngân hàng thương mại. Vay vốn ở ngân hàng thương mại ngoài vấn đề lãi suất cao, vấn đề khó khăn hơn đối với hộ kinh doanh như chúng tôi chính là không có tài sản để thế chấp. Do đó rất khó có thể vay được nguồn vốn lớn để phục vụ cho sản xuất” - chị Yến chia sẻ.

Tại Hưng Yên, ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hưng Yên - cho biết, toàn tỉnh có 374 HTX nông nghiệp đang hoạt động. Những năm qua, các cấp, ngành đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các HTX song các HTX vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu là do HTX thiếu tài sản thế chấp khiến việc vay vốn gặp nhiều rào cản.

“Trên 91% số HTX nông nghiệp không có trụ sở làm việc. Công tác quản trị của HTX còn yếu hoặc thiếu sự minh bạch, gây khó khăn trong quá trình thẩm định vay vốn” - ông Cường cho biết đồng thời khẳng định, đây là nguyên nhân khiến đa số các HTX nông nghiệp không đủ điều kiện vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

Mô hình trồng sương sâm lông theo hướng hữu cơ đang phát huy hiệu quả tốt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mô hình trồng sương sâm lông theo hướng hữu cơ đang phát huy hiệu quả tốt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đẩy mạnh mô hình vay theo chuỗi giá trị

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ về tín dụng cho các HTX nhưng trong thực tế, các ngân hàng thương mại lại đòi hỏi rất nhiều thủ tục, do vậy các HTX gần như không thể tiếp cận. Vì thế đa số các HTX có ít nguồn vốn để hoạt động, trang thiết bị lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ, chưa xây dựng được chuỗi liên kết, sức cạnh tranh kém...

Theo bà Huỳnh Kim Định - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dù đã có nhiều ưu tiên nhưng vấn đề tiếp cận vốn ngân hàng trong nông nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc. Nhiều nông dân chưa tiếp cận được tín dụng do thủ tục rườm rà, các ngân hàng yêu cầu tài sản đảm bảo thế chấp khiến nông dân rất khó vay vốn...

Nêu lên ý nghĩa của việc cho vay theo chuỗi giá trị, TS Trương Thị Thu Trang - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NNPTNT) cho rằng, tín dụng chuỗi giá trị nông nghiệp là xu hướng để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, qua đó giúp giải quyết nhu cầu tài chính của tất cả các tác nhân tham gia trong chuỗi từ sản xuất, chế biến và phân phối. Thông qua tín dụng theo chuỗi, tất cả các tác nhân tham gia phải tuân thủ cam kết vì lợi ích chung để đạt được mục tiêu đề ra.

Bà Huỳnh Kim Định cũng cho rằng, dựa trên hợp đồng liên kết sản xuất - thu mua nông sản và xác nhận của doanh nghiệp (DN) đầu chuỗi, các tổ chức tín dụng sẽ thanh toán các khoản đầu tư trực tiếp đến các đơn vị cung ứng vật tư tham gia liên kết (giống, phân bón…) và thanh toán trực tiếp tiền thu mua lúa của DN liên kết cho từng hộ nông dân. “Mô hình giúp các DN đầu chuỗi giảm áp lực vay vốn tín dụng để đầu tư đầu vào sản xuất và thu mua nông sản” - bà Định nhấn mạnh.

Để đảm bảo cơ chế được triển khai rộng rãi, giới chuyên gia cho rằng, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ NNPTNT cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng nghiên cứu sửa đổi chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; thiết kế mô hình và xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chương trình tín dụng sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp; triển khai mô hình thí điểm tài chính chuỗi giá trị trong các Chương trình, Đề án của Bộ NNPTNT đang triển khai, ví dụ như cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua nông sản giữa DN với hợp tác xã, nông dân…

“Cần ban hành nghị định riêng về hình thành và cho vay theo chuỗi giá trị đối với nông sản; xây dựng khung pháp lý về hợp đồng kinh tế dân sự có chế tài xử lý cụ thể với chủ thể tham gia trong chuỗi khi vi phạm hợp đồng cam kết; xây dựng bộ quy tắc ứng xử mẫu của các thành viên trong chuỗi giá trị…” - ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đề xuất.

Ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc HTX Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội):

Sớm gỡ rào cản tiếp cận vốn vay

Có 3 yếu tố quyết định đến sản xuất gồm: vốn, khoa học kỹ thuật và thị trường. Hiện nay, HTX đang gặp một số khó khăn đó là quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, việc tham gia chuỗi giá trị khó khăn. Đặc biệt, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng gặp nhiều khó khăn do nhiều HTX không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng. Để gỡ rào cản này, Chính phủ cần xây dựng cơ chế đặc thù đề phù hợp với từng vùng miền, ngành nghề khác nhau trong cả nước. Bên cạnh đó, cắt giảm các điều kiện, thủ tục không cần thiết khi các HTX có nhu cầu vay vốn ưu đãi và có phương án thế chấp tài sản hình hành từ vốn vay; thời gian vay vốn phải dài hơi hơn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tích cực hỗ trợ HTX xây dựng và tham gia vào chuỗi sản xuất. Tăng cường vai trò lãnh đạo và chỉ đạo trong khu vực kinh thế tập thể. Có chính sách ưu tiên về đất đai cho HTX; chính đào tạo nguồn nhân lực.

TS Nguyễn Tiến Định - Trưởng Phòng Phòng Kinh tế Hợp tác và Trang trại, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn:

Cho vay theo chuỗi giá trị là xu hướng tất yếu

Việc thực hiện các mô hình cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ góp phần hoàn thiện các Chương trình, Đề án trọng điểm mà Bộ NNPTNT đang triển khai và thực hiện thành công Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2050 của Chính phủ. Thay vì đánh giá dựa vào tài sản thế chấp thì cho vay theo chuỗi giá trị dựa vào khả năng thanh toán của nông dân và HTX, bằng cách xem xét lịch sử sản xuất, quá trình sản xuất và khả năng giao dịch của các đối tượng. Loại hình tín dụng theo chuỗi giá trị thể hiện một tam giác chuỗi giá trị tài chính được hình thành giữa người mua, người bán và các tổ chức tài chính, các bên tham gia trong mô hình tài chính. Qua đó, đưa ra các thỏa thuận bao gồm điều kiện thông tin sản phẩm, thông tin tài chính và phương thức các bên liên lạc trao đổi thông tin cũng như cách thức vận hành rủi ro.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tin-dung-cho-nong-nghiep-xanh-10279946.html