Tín hữu Tin Lành góp phần ổn định kinh tế vùng dân tộc thiểu số ở Gia Lai

Một trong những ảnh hưởng tích cực của đạo Tin Lành trong lĩnh vực kinh tế là góp phần cùng với Nhà nước giúp đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên dần từ bỏ tập quán du canh du cư, đốt rừng làm rẫy và dựa vào thiên nhiên là chính chuyển sang định canh, định cư...

Sau gần 7 thập kỷ du nhập và phát triển tại Gia Lai, đạo Tin Lành đã tạo được một chỗ đứng vững chắc ở vùng đồng bào DTTS và có những ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Trong phát triển kinh tế tập thể (KTTT), các HTX có thành viên theo đạo Tin Lành đã tạo ra những biến đổi sâu rộng, góp phần phát triển kinh tế hộ, xây dựng lối sống văn hóa mới cho đồng bào, giúp người dân hạn chế những hủ tục lạc hậu nặng nề đã đè nặng lên cuộc sống của họ trong suốt một thời gian dài.

Đồng hành cùng khu vực KTTT, HTX xây dựng quê hương

KTTT, HTX ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, góp phần huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người dân. Chính vì vậy, số lượng, quy mô và chất lượng hoạt động của các HTX ngày càng nâng lên, hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập của thành viên từng bước được cải thiện.

Trong phát triển KTTT, các HTX có thành viên theo đạo Tin Lành đã tạo ra những biến đổi sâu rộng, góp phần phát triển kinh tế hộ, xây dựng lối sống văn hóa mới cho đồng bào ở Gia Lai.

Trong phát triển KTTT, các HTX có thành viên theo đạo Tin Lành đã tạo ra những biến đổi sâu rộng, góp phần phát triển kinh tế hộ, xây dựng lối sống văn hóa mới cho đồng bào ở Gia Lai.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có gần 400 HTX, với tổng số trên 18.000 thành viên, trong đó HTX nông nghiệp chiếm khoảng 80%, HTX có đông thành viên theo đạo Tin Lành ở vùng DTTS chiếm 20%, doanh thu bình quân năm 2022 ước đạt 1,7 tỷ đồng/HTX, lãi bình quân 80 triệu đồng/HTX.

HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh là một ví dụ điển hình về hiệu quả của KTTT ở vùng DTTS.

Ông Lê Văn Thanh, theo đạo Tin Lành, Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông cho biết: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tìm hiểu liên kết với HTX xây dựng vùng nguyên liệu sầu riêng, chanh dây và cà phê xuất khẩu. Do đó, HTX đang triển khai xây dựng mã số vùng trồng 200 ha sầu riêng và 200 ha chanh dây theo tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, đầu tư máy múc dịch chanh dây, xây dựng kho lạnh bảo quản chanh dây và sầu riêng.

Bình quân mỗi tháng, HTX cung cấp cho Công ty TNHH Quicornac (Khu công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) khoảng 400-500 tấn chanh dây. HTX mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ để xây dựng HTX trở thành kiểu mẫu trong những năm tới.

Tại huyện Phú Thiện, những năm gần đây, HTX Nông nghiệp Chư A Thai đã trở thành “đầu tàu” trong hoạt động sản xuất kinh doanh lúa gạo. Hiện nay, HTX liên kết sản xuất hơn 215 ha lúa nước 2 vụ, trong đó có 140 ha lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP như J02, ST24, ST25…; cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân sản xuất.

Đến vụ thu hoạch, HTX sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm của người dân. Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp 300-400 tấn gạo chất lượng cao cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Mới đây, bộ sản phẩm “Gạo Phú Thiện” của HTX đã được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm 2022.

Được Bộ NN&PTNT chọn xây dựng HTX nông nghiệp kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025, trong thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao để mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, HTX đầu tư nâng cấp dây chuyền thiết bị chế biến gạo, bao bì nhãn mác, áp dụng mã vùng, mã vạch truy xuất nguồn gốc, tập trung chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm gạo để mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.

Sức lan tỏa từ những tấm gương sáng

Tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, Trưởng thôn Yôh, tín đồ đạo Tin Lành ở làng Alao là một tấm gương sáng "sống tốt đời đẹp đạo" tiêu biểu tại địa phương. Với vai trò trưởng thôn, anh thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tin, nghe theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trưởng thôn Yôh cho biết: Để góp phần làm tăng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, chính quyền thôn thường xuyên tổ chức các cuộc họp để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con. Đồng thời, kịp thời phản ánh, tham mưu cho UBND xã giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân; trực tiếp tham gia vào việc giải quyết những mâu thuẫn, bức xúc của bà con, qua đó vận động bà con tích cực sản xuất phát triển kinh tế gia đình.

Ngoài những tấm gương giỏi tuyên truyền, vận động như Trưởng thôn Yôh, trong công cuộc phát triển kinh tế hướng đến xóa đói giảm nghèo, tỉnh Gia Lai cũng có nhiều tấm gương phát triển kinh tế giỏi, vươn lên từ khó khăn. Tiêu biểu như ông Hnhrao, giáo dân tiêu biểu làng Kon Rơng Dram (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa).

Phát triển các mô hình KTTT, HTX góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS.

Phát triển các mô hình KTTT, HTX góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng DTTS.

Từ chỗ là hộ nghèo, đến nay, gia đình ông Hnhrao có 6 sào lúa ruộng, 2 ha cây keo lai, 4 con trâu và 10 con heo thịt. Ngoài ra, ông còn phối hợp với Công ty Hoàng Kim Tây Nguyên vận động và hướng dẫn 30 hộ dân tại làng trồng 30 ha keo lai, cây đang sinh trưởng và phát triển tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân trên địa bàn.

Tương tự, ông Ra Lan Yơk, Trưởng ban chức việc giáo xứ Phao Lô, xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) cũng có thu nhập 170 triệu đồng/năm từ diện tích 1 ha cà phê, 4 sào lúa nước, 3 sào mỳ (sắn)…

Đảm bảo an sinh xã hội, tạo nguồn lực giảm nghèo bền vững

Ông Nguyễn Văn Nô, Phó Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai chia sẻ, trước đây, đại bộ phận đồng bào DTTS ở tỉnh Gia Lai chỉ có thói quen và kỹ thuật trồng lúa rẫy, hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên và mỗi một năm chỉ trồng được một vụ vào mùa mưa. Ngoài việc truyền đạo, các mục sư đạo Tin Lành còn hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng lúa nước, nhờ đó nhiều làng đồng bào các DTTS ở tỉnh Gia Lai đã biết trồng lúa nước như: buôn Bai, xã La Rmok, huyện Krông Pa, xã H’Ra, huyện Mang Yang,...

Bên cạnh đó, việc phát triển các mô hình KTTT, HTX theo hướng sản xuất tập trung ở vùng DTTS có đông đồng bào theo đạo Tin Lành tại tỉnh Gia Lai đã góp phần làm cho đồng bào dần từ bỏ tập quán du canh du cư, đốt rừng làm rẫy và dựa vào thiên nhiên là chính chuyển sang định canh định cư; vừa sản xuất kết hợp với khai thác. Việc theo đạo Tin Lành đã giúp đồng bào DTTS giảm bớt nhiều lễ cúng thần trong mùa sản xuất và thu hoạch.

“Ngoài ra, nhiều đồng bào theo đạo Tin Lành còn được hướng dẫn kỹ thuật làm lúa nước, phát triển kinh tế, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra nhờ tham gia mô hình HTX”, ông Nguyễn Văn Nô cho hay.

Bà Ayun H’Bút, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, suốt quá trình từ khi du nhập đến nay, đạo Tin Lành vẫn phát triển chủ yếu trong cộng đồng các dân tộc Gia-rai và Ba-na. Tính đến nay, trong tổng số gần 200.000 tín đồ của đạo Tin Lành là đồng bào DTTS, chiếm đến 97,5%, nhiều nhất là 2 DTTS tại chỗ là Gia-rai và Ba-na, chiếm đến 95,6% (trong đó tín đồ người Gia-rai chiếm khoảng 70,4% và tín đồ người Ba-na chiếm 25,2%).

Những năm gần đây, các tôn giáo, trong đó có đạo Tin Lành đã tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo, các hoạt động cứu trợ xã hội, nhất là khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, mất mùa…, đồng thời cùng với chính quyền giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, phát triển kinh tế.

Đoàn Huyền

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/tin-huu-tin-lanh-gop-phan-on-dinh-kinh-te-vung-dan-toc-thieu-so-o-gia-lai-1093773.html