Tin ngân hàng ngày 1/5: Sacombank 10 năm vẫn chưa chia cổ tức cho cổ đông
Dư nợ tín dụng bất động sản đạt 1,1 triệu tỷ đồng; Tiền gửi dân cư tại ngân hàng quay đầu giảm; BVBank lãi trước thuế quý 1 hơn 69 tỷ đồng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.
Sacombank 10 năm vẫn chưa chia cổ tức cho cổ đông
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2023 vào ngày 26/4/2024 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Cổ đông đã đặt câu hỏi với Ban lãnh đạo ngân hàng Sacombank về nguyên nhân vì sao 10 năm chưa chia cổ tức? Hiện nay còn vướng mắc thủ tục gì và dự kiến khi nào có thể thực hiện được?
Trả lời câu hỏi này của cổ đông, Ban lãnh đạo ngân hàng Sacombank cho biết, Sacombank đang thực hiện Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, còn vướng mắc cuối cùng liên quan đến phương án xử lý cổ phiếu ông Trầm Bê. Sacombank đã trình NHNN phương án chi tiết và đang chờ phê duyệt. Nguồn lực để chia cổ tức đã sẵn sàng với lợi nhuận chưa phân phối đã lên đến gần 18.400 tỷ đồng, tương đương gần 100% vốn điều lệ và sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Đồng thời, để trấn an cổ đông Ban lãnh đạo ngân hàng Sacombank nhấn mạnh rằng, quyền lợi của cổ đông vẫn được đảm bảo. HĐQT rất thấu hiểu mong muốn của cổ đông và đang rất nỗ lực làm việc với Ngân hàng Nhà nước để được chia cổ tức. Mặc dù chưa được chia cổ tức, nhưng thị giá của Sacombank đã tăng trưởng khá mạnh trong thời gian qua cũng phần nào bù đắp cho cổ đông.
Liên quan đến phương án xử lý cổ phiếu ông Trầm Bê, đại diện Ban lãnh đạo của Sacombank cho biết, từ năm 2020, Sacombank đã trình Ngân hàng Nhà nước phương án xử lý và nhiều lần làm việc với Ngân hàng Nhà nước để hoàn thiện phương án. Tuy nhiên, do một số vướng mắc nên đến nay chưa thực hiện được. Tháng 12/2023, sau khi rà soát đánh giá kỹ cơ sở pháp lý, tính khả thi, trên nguyên tắc công khai, minh bạch, đảm bảo trách nhiệm và quyền lợi của các bên, Sacombank đã trình Ngân hàng Nhà nước phương án xử lý chi tiết theo hướng cho phép Sacombank được chủ động xử lý với hình thức bán đấu giá thông qua tổ chức bán đấu giá đủ điều kiện, nhằm thu hồi tối đa nợ gốc, lãi khoanh và lãi phí phát sinh. Sau khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án hoặc có hướng dẫn khác, Sacombank sẽ nhanh chóng triển khai thực hiện
Trước đó, tại Đại hội cổ đông thườn niên năm 2023, Sacombank đã trình cổ đông giữ lại toàn bộ lợi nhuận hợp nhất lũy kế là gần 12.700 tỷ đồng. Trong khi, lợi nhuận sau thuế hợp nhất sau khi trích lập các quỹ còn lại là hơn 5.700 tỷ đồng cộng thêm lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước là gần 12.700 tỷ đồng, vậy, lũy kế lợi nhuận hợp nhất của Sacombank đã lên tới gần 18.400 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng bất động sản đạt 1,1 triệu tỷ đồng
Báo cáo tình hình nhà ở và thị trường bất động sản quý I/2024, dẫn số liệu từ báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 28/2/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,1 triệu tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở là 303.572 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng là 42.367 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất là 78.349 tỷ đồng;
Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng là 43.393 tỷ đồng; dư nợ tín dụng của các dự án nhà hàng, khách sạn là 60.502 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa, nhà để bán, cho thuê là 121.274 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với vay mua quyền sử dụng đất là 79.873 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác là 384.343 tỷ đồng.
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường.
Theo đó trong các tháng của quý I/2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, NHNN chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Kết quả, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh trong năm 2023 và tiếp tục có xu hướng giảm trong các tháng đầu năm 2024 (năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022 và đến ngày 20/3/2024, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023).
Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý I/2024 do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố mới đây cho biết lãi suất ngân hàng tiếp tục duy trì ổn định ở mức thấp. Từ đó, dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền với giá trị đầu tư không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn.
Tiền gửi dân cư tại ngân hàng quay đầu giảm
Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật số liệu về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống Tổ chức tín dụng đến cuối tháng 1/2024. Theo đó, tiền gửi của cả khách hàng doanh nghiệp và dân cư đều giảm mạnh trong tháng đầu năm.
Cụ thể, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cuối tháng 1/2024 là hơn 6,67 triệu tỷ đồng, giảm hơn 165 nghìn tỷ so với cuối năm 2023, tương đương giảm 2,41%. Trước đó, tiền gửi của nhóm khách hàng này đã tăng đột biến hơn 457 nghìn tỷ đồng trong tháng 12/2023 lên mức kỷ lục hơn 6,84 triệu tỷ đồng.
Trong khi đó, tiền gửi của dân cư cũng giảm hơn 34,6 nghìn tỷ đồng trong tháng 1/2024 xuống mức gần 6,5 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là tháng đầu tiên tiền gửi dân cư quay đầu sụt giảm, sau khi đã liên tục tăng trưởng dương 25 tháng liên tiếp trước đó.
Tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng cuối tháng 1 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Trên thực tế, việc tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm mạnh trong những tháng đầu năm không phải là chuyện hiếm thấy. Chẳng hạn như tháng 1/2023 tiền gửi tổ chức kinh tế giảm gần 250 nghìn tỷ đồng, tháng 1/2022 giảm hơn 68 nghìn tỷ. Nguyên nhân giảm thường do yếu tố mùa vụ khi thời điểm cuối năm tài chính cũng là dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp cần lượng lớn tiền mặt để chi trả lương, thưởng cho người lao động.
Trong khi đó, việc tiền gửi dân cư giảm mạnh trong tháng đầu năm 2024 có thể do mặt bằng lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục trong thời điểm này. Ghi nhận trên thị trường tháng 1-tháng 3/2024, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng đã xuống dưới 5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, nhiều nơi chỉ huy động với lãi suất 4,5%/năm. Từ đầu tháng 4/2024, lãi suất huy động mới bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, thống kê có 16 ngân hàng điều chỉnh tăng, có nơi tăng đến 0,9 điểm %.
BVBank lãi trước thuế quý I hơn 69 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, theo đó, lãi trước thuế hơn 69 tỷ đồng, nguồn thu chính của BVBank tăng trưởng 65% so với cùng kỳ năm trước, thu được 472 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ giảm nhẹ 1%, còn 21 tỷ đồng do tác động phần nào của bảo hiểm liên kết.
Về hoạt động kinh doanh ngoại hối, thu được gần 19 tỷ đồng, tăng 76%, nhờ biến động tỷ giá và doanh số mua bán ngoại tệ gấp 1,5 lần cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư và lãi từ hoạt động khác giảm 18% và 76%, còn 16 tỷ đồng và hơn 5 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động tăng 21%, ghi nhận 357 tỷ đồng, do Ngân hàng tăng cường đầu tư vào phát triển mạng lưới, chuyển đổi thương hiệu, tiếp tục công tác chuyển đổi số.
Mặc dù, Ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro hơn 106 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ, nhưng BVBank vẫn lãi trước thuế hơn 69 tỷ đồng, gấp 2.6 lần cùng kỳ.
Nếu so với mục tiêu lãi trước thuế 200 tỷ đồng đề ra cho cả năm, BVBank đã thực hiện được 35% sau quý I.
Tổng tài sản Ngân hàng tính đến cuối quý I thu hẹp 4% so với đầu năm, chỉ còn 83.956 tỷ đồng. Tín dụng tăng trưởng âm 1%, chỉ còn 57.,095 tỷ đồng cho vay khách hàng. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng tăng 4%, lên 59.662 tỷ đồng.
Nợ xấu của BVBank đến 31/03/2024 là 2.231 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ ấu/dư nợ tăng từ mức 3,31% đầu năm lên 3.91%.