Tin thế giới 1/8: Hạm đội Biển Đen bị tấn công, bà Sung Kyi được ân xá một phần

Ukraine ký thỏa thuận về UAV với Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển nỗ lực hạ nhiệt 'lửa giận' từ vụ đốt kinh Quran, một số nước sơ tán công dân khỏi Niger … là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Chính quyền quân sự Myanmar vừa công bố lệnh ân xá một phần cho cựu Cố vấn Nhà nước Suu Kyi (ảnh). (Nguồn: Times)

Chính quyền quân sự Myanmar vừa công bố lệnh ân xá một phần cho cựu Cố vấn Nhà nước Suu Kyi (ảnh). (Nguồn: Times)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga nói Ukraine tấn công Hạm đội Biển Đen, Kiev nói gì? Ngày 31/7, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng Ukraine đã sử dụng ba phương tiện không người lái dưới nước để tấn công tàu tuần tra Hạm đổi Biển Đen, cách thành phố Sevastopol 340 km về phía Tây Nam. Tuy nhiên, vụ tấn công trên đã bị ngăn chặn. Sau đó, các tàu tuần tra Sergey Kotov và Vasily Bykov đã tiếp tục nhiệm vụ của mình.

Viết trên Telegram, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Grigory Karasin nhận định: “Tất cả các cuộc tấn công đêm qua bằng phương tiện không người lái dưới nước nhằm vào Hạm đội Biển Đen và các vụ triển khai liều lĩnh các máy bay không người lái (UAV) ở Moscow sẽ chỉ mang đến cái kết không thể tránh khỏi cho ông Zelensky”.

Về phần mình, ngày 1/8, Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak cho biết nước này sẽ vầ không tấn công các tàu dân sự hay bất kỳ mục tiêu dân sự nào khác ở Biển Đen.

Ông Podolyak nhấn mạnh: “Rõ ràng tuyên bố như vậy của giới chức Nga là bịa đặt và không có chút gì là sự thật. Ukraine đã, đang và sẽ không tấn công các tàu dân sự hay bất kỳ mục tiêu dân sự nào khác”. (TASS/Reuters)

* Tư lệnh Ukraine nhận định về kết quả phản công: Ngày 1/8, phát biểu về tình hình phản công hiện nay, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine Oleksandr Pivnenko cho biết thực tế quân đội Ukraine tiến lên đã là một kết quả.

Ông nói: “Đối với chúng tôi, mỗi mét đất đã là một kết quả. Chúng tôi tiến về phía trước. Bạn sẽ thấy rằng thời điểm sẽ đến và chúng tôi sẽ tạo ra một bước đột phá theo hướng nào đó…Chúng tôi sẽ tìm ra kẽ hở và xâm nhập, và mọi chuyện sẽ ổn thôi. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác - chúng tôi sẽ tiến tới đường biên giới năm 1991. Song điều đó sẽ cần thời gian”.

Đánh giá về sự chuẩn bị của quân đội Nga, Tướng Pivnenko nhận định, lực lượng được đào tạo bài bản nhất ông đã đối phó là lính đánh thuê của tập đoàn Wagner. Do đó, việc họ hiện không có ở mặt trận giúp đơn giản hóa nhiệm vụ của các Ukraine. Ông cũng cho rằng người Nga đang liên tục thay đổi chiến thuật. (Ukrinform)

* Ukraine ký thỏa thuận xây dựng nhà máy chế tạo UAV với Thổ Nhĩ Kỳ: Ngày 31/7, Bộ Quốc phòng Ukraine xác nhận đã ký kết thỏa thuận về việc công ty sản xuất vũ khí Baykar Makina của Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng nhà máy sản xuất UAV ở đất nước Đông Âu, dựa trên cơ sở một thỏa thuận khác về hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghệ cao, hàng không và công nghiệp vũ trụ.

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Ukraine có đoạn: “Một trung tâm chế tạo UAV sẽ được thành lập trong tương lai gần. Và điều này không chỉ đối với UAV mà còn cho các phương tiện chiến đấu bọc thép và các loại vũ khí khác”. Đến nay, phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức về thông tin này. (TTXVN)

Đông Nam Á

* Myanmar: Bà Suu Kyi được ân xá một phần: Ngày 1/8, các phương tiện truyền thông Myanmar đưa tin nhà lãnh đạo dân sự Suu Kyi, bị giam giữ kể từ sau cuộc chính biến hồi năm 2021, đã được ân xá một phần trong cuộc ân xá cho hơn 7.000 tù nhân để đánh dấu Mùa Chay của Phật giáo.

Người phát ngôn chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun cho biết, quyết định ân xá do Chủ tịch Hội đồng Điều hành Nhà nước Myanmar đưa ra đồng nghĩa với việc bản án đối với bà Suu Kyi sẽ được giảm 6 năm. Tuy nhiên, bà vẫn sẽ bị quản thúc tại gia và tiếp tục phải đối mặt với 14 tội danh khác. Tuần trước, có thông tin xác nhận bà đã đang được quản thúc tại gia ở thủ đô Naypyitaw.

Trước đó, sau cuộc chính biến năm 2021, cựu Cố vấn Hội đồng Nhà nước Suu Kyi cùng nhiều quan chức Liên minh quốc gia vì Dân chủ (NLD) đã bị bắt giữ. Bà bị kết án 33 năm tù giam vì một loạt tội danh, bao gồm tham nhũng, sở hữu máy bộ đàm trái phép và vi phạm các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19.

Hội đồng Điều hành Nhà nước Myanmar cũng đã ân xá cho cựu Tổng thống Win Myint.

Cũng trong tuần này, Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Myanmar (NDSC) đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp tại nước này thêm sáu tháng. Theo tuyên bố của Hội đồng do quyền Tổng thống Myanmar U Myint Swe ký, tình trạng khẩn cấp sẽ được gia hạn thêm sáu tháng kể từ ngày 1/8. (Reuters)

Nam Á

* Afghanistan yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt: Ngày 1/8, kênh địa phương Tolonews TV (Afghanistan) cho biết ngày 31/7 tại Doha, trong cuộc họp với Đại diện đặc biệt của Mỹ tại Afghanistan Thomas West, quyền Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi đã kêu gọi Washington dỡ bỏ trừng phạt với Kabul.

Truyền thông Afghanistan dẫn lời người phát ngôn chính phủ tạm quyền, ông Zabiullah Mujahid tối 31/7 cho biết ông Muttaqi cũng kêu gọi Mỹ không gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế của Afghanistan. (Tân hoa xã)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc kêu gọi người dân tham gia phản gián: Ngày 31/7, trong bài đăng đầu tiên trên ứng dụng WeChat, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc cho rằng nước này nên khuyến khích công dân tham gia công tác phản gián, bao gồm việc thiết lập các kênh cá nhân để báo cáo hoạt động đáng ngờ và khen thưởng cho họ.

Cơ quan giám sát các hoạt động tình báo và chống gián điệp nước ngoài này đã chỉ ra sự cần thiết phải thiết lập một hệ thống giúp “bình thường hóa” việc công dân tham gia hoạt động phản gián. Bộ trưởng An ninh Quốc gia Trung Quốc Trần Nhất Tân khẳng định an ninh chính trị là nhiệm vụ hàng đầu của an ninh quốc gia và “cốt lõi” của an ninh chính trị là an ninh của hệ thống chính trị Trung Quốc.

Việc kêu gọi phổ biến công tác chống gián điệp trong quần chúng được đưa ra ít lâu sau quyết định mở rộng luật chống gián điệp của Trung Quốc, có hiệu lực vào tháng Bảy. Luật cấm chuyển giao thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, trong đó đưa ra cảnh giác với Mỹ, nói rằng các công ty nước ngoài ở Trung Quốc có thể bị trừng phạt do các hoạt động kinh doanh thường lệ. (Reuters)

Châu Âu

* Serbia bắt giữ hàng trăm người di cư bất hợp pháp gần biên giới Hungary: Ngày 1/8, Bộ trưởng Nội vụ Serbia Ivica Ivkovic cho biết, khoảng 800 cảnh sát đã bắt giữ hơn 200 người trong chiến dịch vây bắt những người di cư bất hợp pháp ở gần thành phố Subotica. Phát biểu trên truyền hình, quan chức này nêu rõ: “Kết quả khá tốt. Một lượng vũ khí và đạn dược đáng kể đã được tìm thấy, gồm 8 súng trường tự động, 1 súng carbine, 2 súng lục cùng 13 thiết bị vô tuyến khác”.

Tuyến đường Tây Balkan qua Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Bắc Macedonia và Serbia hiện vẫn là con đường di cư chính vào Liên minh châu Âu (EU). Nhiều người di cư sử dụng các mạng lưới phức tạp của các đối tượng buôn người đôi khi được trang bị vũ khí. Serbia, Hungary và Áo duy trì tuần tra biên giới chung và Belgrade đã cam kết điều chỉnh chính sách thị thực cùng với 2 nước láng giềng này nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp qua Tây Balkan. (TTXVN)

* Thụy Điển nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng liên quan vụ đốt kinh Quran: Ngày 1/8, Chính phủ Thụy Điển cho biết cùng ngày, Thủ tướng Ulf Kristersson và Bộ trưởng Tư pháp Gunnar Stromer sẽ tổ chức họp báo trao đổi về tình hình an ninh và đưa ra “các biện pháp bảo vệ công dân”, song không cho biết chi tiết. Trước đó, Chính phủ Thụy Điển và Đan Mạch cũng cho biết đang xem xét cách thức hạn chế hành vi kích động trong một nỗ lực giảm căng thẳng.

Về phần mình, Cục Cảnh sát An ninh và Tình báo (PET) Đan Mạch cho rằng các vụ đốt kinh Quran tại nước này đã dẫn đến nguy cơ gia tăng các vụ tấn công.

Những tuần gần đây, Thụy Điển và Đan Mạch đã chứng kiến hàng loạt vụ đốt kinh Quran, gần đây nhất là ngày 31/7. Hành vi này đã gây nên làn sóng tuần hành lan rộng tại đây. Các nước Hồi giao đã chỉ trích mạnh mẽ vụ việc và yêu cầu Chính phủ hai nước Bắc Âu ngăn chặn hành động xúc phạm này. (Reuters)

Trung Đông-Châu Phi

* Đảo chính ở Niger: Láng giềng lên tiếng, Pháp-Đức sơ tán công dân: Ngày 1/8, chính quyền chuyển tiếp ở Burkina FasoMali đã ra tuyên bố chung về tình hình tại Niger. Theo đó, hai nước này khẳng định bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger sẽ là lời tuyên bố chiến tranh với hai nước này. Burkina Faso và Mali cũng dọa sẽ rút khỏi Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS). Trước đó, ECOWAS đã cho Niger một tuần để đưa Tổng thống Mohamed Bazoum trở lại nắm quyền, đe dọa sử dụng “mọi biện pháp”, kể cả quân sự.

Trong khi đó, Guinea đã trở thành quốc gia đầu tiên lên tiếng ủng hộ chính quyền quân sự tại Niger. Họ hy vọng rằng các nhà lãnh đạo mới sẽ bảo đảm ổn định và hòa hợp trong nước và khu vực nói chung.

Ủy ban phát triển và tập hợp quốc gia thuộc Chính phủ Guinea lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt do ECOWAS kêu gọi áp dụng, trong đó có can thiệp quân sự, không phải là “giải pháp cho vấn đề hiện tại, nhưng lại có thể dẫn đến thảm họa nhân đạo với hậu quả vượt ra ngoài biên giới của Niger”. Do đó, chính quyền Guinea phản đối việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với người dân và chính quyền Niger, kêu gọi ECOWAS nên có “tình cảm tốt hơn”.

Trong khi đó, viết trên Twitter ngày 1/8, ông Josep Borrell, Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại nêu rõ: “EU chỉ trích việc lực lượng đảo chính ở Niger bắt giữ các bộ trưởng và quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Bazoum. Chúng tôi đang kêu gọi trả tự do cho họ”. Trước đó, đảng Dân chủ và Chủ nghĩa Xã hội Niger (PNDS) cho biết lực lượng đảo chính đã bắt giữ 4 bộ trưởng và một lãnh đạo đảng Niger.

Pháp đã quyết định tổ chức sơ tán công dân sau khi người tuần hành có hành động đốt Đại sứ quán Pháp ở Niamey. (Nguồn: AFP)

Pháp đã quyết định tổ chức sơ tán công dân sau khi người tuần hành có hành động đốt Đại sứ quán Pháp ở Niamey. (Nguồn: AFP)

Về phần mình, ngày 1/8, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết nước này đã bắt đầu sơ tán công dân của mình khỏi Niger. Theo đó, quyết định sơ tán công dân được đưa ra sau khi xảy ra các cuộc tấn công vào Đại sứ quán Pháp và việc đóng cửa không phận của Niger cản trở hoạt động đi lại thường xuyên. Chính quyền Pháp cũng sẽ tiến hành sơ tán công dân từ các nước châu Âu khác muốn rời khỏi Niger.

Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Pháp cũng khẳng định Paris chỉ công nhận chính quyền của Tổng thống Mohamed Bazoum. Trong khi đó, lực lượng đảo chính tại Niger lại cho rằng chính phủ bị lật đổ đã ủy quyền cho Pháp thực hiện cuộc tấn công vào Phủ Tổng thống hòng tìm cách phóng thích ông Bazoum.

Tương tự như Pháp, cùng ngày, Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết Rome sẽ sắp xếp một chuyến bay đặc biệt để sơ tán công dân khỏi Niamey. Viết trên mạng xã hội X (trước đây được gọi là Twitter), Ngoại trưởng Tajani nêu rõ: “Chính phủ Italy đã quyết định sắp xếp một chuyến bay đặc biệt để tạo cơ hội cho công dân ở Niamey muốn rời khỏi thành phố này tới Italy”.

Trước đó, phát biểu với đài truyền hình Rai 2 (Italy), ông Tajani cho biết chỉ có chưa đến 100 người Italy hiện đang ở Niger và họ “không gặp nguy hiểm”.

Cũng trong ngày 1/8, Đức đang đánh giá khả năng rút quân khỏi Niger và Mali. Phát biểu khi thị sát đơn vị an ninh mạng của quân đội, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói: “Chúng tôi đang đàm phán và chuẩn bị cho các kịch bản với những sự lựa chọn khác nhau”. Về khả năng rút quân khỏi Niger, ông khẳng định: “Những người chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính ngày 26/7 v đã cam kết tuân thủ thỏa thuận quốc tế. Song đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy điều này”.

Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, Quốc hội Đức đã thông qua lần cuối cùng việc cho phép quân đội tham gia một phái bộ huấn luyện của EU tại Niger. Theo đó, khoảng 60 binh sĩ đã được triển khai tại quốc gia Tây Phi này. (AFP, Reuters, TASS)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-18-ham-doi-bien-den-bi-tan-cong-ba-sung-kyi-duoc-an-xa-mot-phan-236780.html