Tin tốt 'lũ lượt' cập bến Ấn Độ, nền kinh tế 3,7 nghìn tỷ USD có thể trở thành siêu cường?

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ sẵn sàng trở thành cường quốc kinh tế thế kỷ XXI. Nhiều chuyên gia đánh giá, quốc gia này là lựa chọn thay thế thực sự cho Trung Quốc - trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm cách giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng.

Phần đường cao tốc Coastal Road đang xây dựng dọc theo bờ biển Mumbai, Ấn Độ. (Nguồn: Getty Images)

Phần đường cao tốc Coastal Road đang xây dựng dọc theo bờ biển Mumbai, Ấn Độ. (Nguồn: Getty Images)

Trong khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và phương Tây ngày càng trở nên căng thẳng, Ấn Độ lại có mối quan hệ lành mạnh với hầu hết các nền kinh tế lớn và đang tích cực thu hút các công ty lớn thành lập nhà máy ở nước này. Vậy, nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất thế giới đang thế nào? Có thực sự là siêu cường kinh tế thay thế Trung Quốc?

Nền kinh tế Ấn Độ trị giá 3,7 nghìn tỷ USD vào năm 2023 - trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới - tăng bốn bậc trong bảng xếp hạng trong thập niên ông Modi nắm quyền.

Trong vài năm tới, nền kinh tế có đủ điều kiện để mở rộng với tốc độ tăng trưởng hàng năm ít nhất là 6%. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, nước này nên đặt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên nếu muốn trở thành một siêu cường kinh tế.

Sự mở rộng bền vững sẽ đưa New Delhi lên cao hơn trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một số nhà quan sát dự báo, nước này sẽ trở thành nền kinh tế đứng thứ ba chỉ sau Mỹ và Trung Quốc vào năm 2027.

Xây dựng Ấn Độ hiện đại

Giống như Trung Quốc đã làm cách đây hơn ba thập niên, Ấn Độ đang bắt đầu chuyển đổi cơ sở hạ tầng quy mô lớn bằng cách chi hàng tỷ USD vào việc xây dựng đường sá, bến cảng, sân bay và đường sắt. Trong khi đó, các nhà đầu tư tư nhân đang xây dựng các nhà máy năng lượng xanh lớn nhất thế giới.

Chỉ riêng trong ngân sách liên bang năm 2024, 134 tỷ USD đã được chi cho chi tiêu cơ bản nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kết quả có thể được nhìn thấy trên thực tế, khi việc xây dựng rầm rộ đang được tiến hành trên toàn quốc.

Ấn Độ đã bổ sung gần 55.000 km vào mạng lưới đường cao tốc quốc gia, tăng 60% về chiều dài tổng thể, từ năm 2014 đến năm 2023. Phát triển cơ sở hạ tầng mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, bao gồm tạo việc làm và cải thiện sự thuận tiện trong kinh doanh.

Trong những năm gần đây, quốc gia này cũng đã xây dựng một loạt nền tảng công nghệ - được gọi là cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số - nhằm thay đổi cuộc sống và hoạt động kinh doanh.

Ví dụ, chương trình Aadhaar, được triển khai năm 2009 đã cung cấp chứng minh danh tính cho hàng triệu người Ấn Độ.

Một nền tảng khác, Giao diện thanh toán hợp nhất (UPI) cũng cho phép người dùng thực hiện thanh toán ngay lập tức bằng cách quét mã QR. Giao diện này đã được người Ấn Độ thuộc mọi tầng lớp xã hội đón nhận và cho phép hàng triệu USD chảy vào nền kinh tế.

Tháng 9/2023, trích dẫn một báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), ông Modi cho hay, nhờ cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số, Ấn Độ đã đạt được các mục tiêu về tài chính toàn diện chỉ trong 6 năm mà lẽ ra phải mất ít nhất 47 năm.

"Siêu cường chứng khoán"

Sự phấn khích xung quanh tiềm năng tăng trưởng của Ấn Độ được phản ánh trên thị trường chứng khoán nước này - hiện đang đạt mức cao kỷ lục. Giá trị của các công ty niêm yết trên các sàn giao dịch của đất nước đã vượt qua 4.000 tỷ USD vào cuối năm ngoái.

Ấn Độ có hai sàn giao dịch lớn: Sở giao dịch chứng khoán quốc gia Ấn Độ (NSE) và BSE, sàn giao dịch lâu đời nhất châu Á.

NSE đã vượt qua cả Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến và Sở giao dịch Hong Kong để trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ sáu thế giới.

Theo nhận định của giới chuyên gia, các nhà đầu tư trong nước đã đưa thị trường chứng khoán Ấn Độ lên đỉnh cao chưa từng thấy. Ngân hàng Macquarie Capital cho rằng, các nhà đầu tư bán lẻ đã sở hữu 9% giá trị thị trường chứng khoán của Ấn Độ, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài ở mức dưới 20%.

Người đi bộ đi ngang qua tòa nhà Sở giao dịch chứng khoán Bombay (BSE) ở Mumbai. (Nguồn: Getty Images)

Người đi bộ đi ngang qua tòa nhà Sở giao dịch chứng khoán Bombay (BSE) ở Mumbai. (Nguồn: Getty Images)

Tận dụng thời cơ thu hút đầu tư

Chính phủ của Thủ tướng Modi đang cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh các doanh nghiệp quốc tế muốn đa dạng hóa hoạt động của họ ngoài Trung Quốc.

Nền kinh tế lớn thứ ba châu Á đã triển khai chương trình khuyến khích liên kết sản xuất trị giá 26 tỷ USD để thu hút các công ty thành lập sản xuất trong 14 lĩnh vực, từ điện tử và ô tô đến dược phẩm và thiết bị y tế. Kết quả là, một số công ty lớn nhất thế giới, bao gồm cả nhà cung cấp Foxconn của Apple, đang mở rộng hoạt động đáng kể ở Ấn Độ.

Tỷ phú Elon Musk đăng trên X rằng, ông “rất mong chờ” được gặp Thủ tướng Modi ở Ấn Độ.

Ông chủ của Tesla cho biết sẽ sớm công bố một khoản đầu tư lớn vào Ấn Độ. Nhà sản xuất ô tô này được cho là đang "lùng sục" khắp đất nước để tìm địa điểm thích hợp cho nhà máy châu Á đầu tiên bên ngoài Trung Quốc.

Thách thức lớn

Ngày 19/4, Ấn Độ bắt đầu cuộc bầu cử dân chủ lớn nhất thế giới. Có khoảng 960 triệu người dân Ấn Độ đủ điều kiện bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử và sẽ mất hơn một tháng để hoàn thành sự kiện này. Nếu tái đắc cử, theo giới phân tích, ông Modi phải giải quyết thách thức to lớn là tạo ra hàng trăm triệu việc làm cho người dân - phần lớn vẫn còn nghèo khó.

Với độ tuổi trung bình là 29, Ấn Độ là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới. Dù vậy, nhiều chuyên gia nhận thấy, quốc gia này vẫn chưa thể thu được những lợi ích kinh tế tiềm năng từ dân số đông và trẻ.

Theo một báo cáo hồi tháng 3/2024 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), những người Ấn Độ có trình độ học vấn trong độ tuổi từ 15 đến 29 có nhiều khả năng thất nghiệp hơn những người không được đi học. Điều này phản ánh "sự không phù hợp giữa nguyện vọng và công việc sẵn có của đất nước".

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở quốc gia Nam Á hiện cao hơn mức toàn cầu. Báo cáo cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Ấn Độ có bằng tốt nghiệp là hơn 29%.

Báo cáo của ILO nêu rõ: “Nền kinh tế Ấn Độ không thể tạo đủ việc làm được trả lương trong các lĩnh vực phi nông nghiệp cho lực lượng lao động trẻ, có trình độ học vấn. Điều này được phản ánh qua tỷ lệ thất nghiệp cao và ngày càng tăng”.

Dù vậy, Ngân hàng Morgan Stanley tin rằng, lợi thế từ nguồn lao động trẻ dồi dào sẽ giúp cho nền kinh tế Ấn Độ có những bước chuyển mình đáng kể. “Đây là thập kỷ của Ấn Độ”, ngân hàng này khẳng định.

Đồng quan điểm, S&P Global cũng cho rằng, đất nước Nam Á sẽ được hỗ trợ bởi một số động lực tăng trưởng chủ chốt. Đơn cử như tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, kéo theo nhu cầu tiêu dùng gia tăng.

"Thị trường tiêu dùng nội địa đang phát triển nhanh chóng cùng các ngành công nghiệp lớn đã khiến nước này ngày càng trở thành điểm đến đầu tư quan trọng đối với nhiều công ty đa quốc gia về sản xuất, cơ sở hạ tầng và dịch vụ", S&P Global khẳng định.

(theo CNN)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tot-lu-luot-cap-ben-an-do-nen-kinh-te-37-nghin-ty-usd-co-the-tro-thanh-sieu-cuong-268396.html