Tổ chức Minh bạch quốc tế kêu gọi ngăn chặn xung đột lợi ích trong công việc của nghị sĩ châu Âu

Tổ chức Minh bạch quốc tế đã kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các nhà lập pháp EU, vì một báo cáo cho thấy nhiều người trong số họ đang nắm giữ các vị trí có thể thu được lợi nhuận từ các công ty trong các vấn đề liên quan đến vận động hành lang chính sách.

Nguồn: European Union

Một báo cáo do Tổ chức Minh bạch quốc tế, văn phòng tại Liên minh châu Âu công bố hôm 6.5 cho thấy, 25% số nghị sĩ châu Âu có thể kiếm được tổng cộng hơn 8,6 triệu euro mỗi năm từ các công việc tay trái - bao gồm cả các hoạt động vận động hành lang về chính sách của EU từ các công ty tư nhân.

Tổ chức này kêu gọi EU hạn chế các nhà lập pháp làm việc ngoài giờ vì số liệu từ Báo cáo cho thấy hơn 2/3 trong số 705 nghị sĩ cho biết, các hoạt động bên ngoài có thể đóng vai trò mang lại thu nhập chính của họ. Nghiên cứu cho thấy trong một số trường hợp, một số nghị sĩ kiếm được nhiều tiền hơn từ các hoạt động bên ngoài chẳng hạn như tham gia hội động quản trị của một công ty hoặc tư vấn chính sách so với mức lương nghị sĩ 10.000 euro mỗi tháng. Phân tích dựa trên dữ liệu được trích xuất từ các bản kê khai thu nhập cá nhân của các nghị sĩ, trong đó họ phải nêu chi tiết bất kỳ khoản thu nhập nào họ nhận được ngoài nhiệm vụ nghị sĩ của mình. Thông tin trên được công bố trong cơ sở dữ liệu cập nhật của Cơ quan Giám sát liêm chính EU (Integrity Watch EU).

Theo quy định, các nghị sĩ châu Âu không bị cấm đảm nhiệm bất kỳ công việc bên ngoài nào cũng như không bị hạn chế về số lượng công việc ngoài giờ. Điều này có thể đưa đến một loạt rủi ro về xung đột lợi ích.

Vào năm ngoái, sau vụ bê bối Qatar hối lộ Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu để gây ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế và chính trị của Nghị viện châu Âu, EU đã tiến hành một cuộc cải cách sâu rộng, thắt chặt các quy định về đạo đức và quy tắc ứng xử của nghị sĩ. Các quy định mới yêu cầu các nghị sĩ công khai chi tiết về thu nhập từ các công việc tay trái, ngoài nhiệm vụ nghị sĩ. Tuy nhiên, Tổ chức Minh bạch quốc tế cho rằng, các quy định mới vẫn chưa đủ nghiêm khắc để ngăn chặn tình trạng xung đột lợi ích.

Nghị viện châu Âu là một trong ba cơ quan chính của Liên minh châu Âu. 705 thành viên của cơ quan này được bầu ở nước sở tại của họ và phục vụ nhiệm kỳ 5 năm. Nghị viện châu Âu không đề xuất cũng như ban hành luật, nhưng là cơ quan thông qua các chính sách của EU. Các nghị sĩ cũng được trao quyền giám sát hoạt động của Ủy ban châu Âu - cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu và thường đóng vai trò quan trọng trong việc xem xét kỹ lưỡng các chính sách của khối.

Mặc dù không phải cơ quan quyền lực nhất châu Âu song các nhà lập pháp châu Âu thường được tiếp cận bởi những người vận động hành lang từ các quốc gia, ngành công nghiệp và các nhóm lợi ích đang tìm cách gây ảnh hưởng đến dư luận về mục đích của họ và để có được đồng minh phục vụ mục đích của họ trong các cuộc tranh luận về các chính sách quan trọng.

Quỳnh Vũ (Theo Euronews, Transparency.eu)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/to-chuc-minh-bach-quoc-te-keu-goi-ngan-chan-xung-dot-loi-ich-trong-cong-viec-cua-nghi-si-chau-au-i370655/