TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI NGÀY CÀNG ĐỔI MỚI, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA THỰC TIỄN

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất do Nhân dân cả nước bầu ra, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ khi ra đời đến nay, Quốc hội luôn luôn chú trọng đổi mới, hoàn thiện về tổ chức và phương thức hoạt động nhằm thực hiện ngày càng hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được Hiến định.

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, Quốc hội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Quốc hội là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân cả nước, được Nhân dân tin tưởng ủy thác quyền lực nhà nước, thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước và chịu trách nhiệm trước Nhân dân cả nước.

Qua gần 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, Quốc hội Việt Nam luôn hoàn thành tốt sứ mệnh quan trọng mà Đảng và Nhân dân giao phó là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước;...

Theo PGS. TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội mỗi đạo luật, mỗi nghị quyết, mỗi quyết định quan trọng của Quốc hội đều gắn liền với vận mệnh của quốc gia, dân tộc đều vì lợi ích của Nhân dân, kết tinh sâu sắc “ý Đảng, lòng Dân”, thể hiện sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, niềm tin và sự ủng hộ của Nhân dân. Trong mọi giai đoạn của cách mạng, Quốc hội Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, cùng Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng vượt qua mọi thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trách nhiệm trước Nhân dân và đất nước, góp phần quan trọng vào việc đạt được các thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Bước vào giai đoạn phát triển mới với những nhiệm vụ, mục tiêu to lớn được đặt ra trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động để luôn là một Quốc hội “Đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân”.

PGS. TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

PGS. TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Nghiên cứu về hoạt động của Quốc hội, PGS. TS. Tào Thị Quyên, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật cho biết, tổ chức, bộ máy của Quốc hội được đổi mới, kiện toàn bảo đảm tính chuyên nghiệp hơn qua các nhiệm kỳ; tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách; nâng cao vai trò của cơ quan thường trực Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội được tổ chức và hoạt động mang tính chuyên nghiệp, chuyên sâu và hiệu quả hơn.

Đồng thời, hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng mang tính thực chất và chủ động hơn: từ tổ chức bộ máy nhà nước, nhân sự cấp cao thuộc thẩm quyền của Quốc hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước cho đến chủ trương đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia,… Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân.

Ths.Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Ths.Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Cùng quan điểm, Ths.Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, trên cơ sở quy định của Hiến pháp 2013, trong những năm qua Quốc hội đã ban hành Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội và các văn bản pháp luật khác để quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Đặc biệt, trong các luật này, đã quy định cụ thể về phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong các lĩnh vực lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát nhằm bảo đảm cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Nhấn mạnh ý nghĩa của những quy định về tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ths. Đặng Đình Luyến cho rằng đây là cơ sở quan trọng, đã tạo thuận lợi cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong thực tế triển khai.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Tiếp đó, trong nửa nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, kế thừa những thành tựu của các nhiệm kỳ Quốc hội trước, Quốc hội khóa XV đã thực hiện nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, tạo chuyển biến và dấu ấn mạnh mẽ như: Hoàn thiện cơ sở pháp lý về đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; Hoạt động của Quốc hội luôn được điều chỉnh linh hoạt để đáp ứng yêu cầu thực tiễn;…

Phân tích về những đổi mới này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, xuất phát từ những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, Quốc hội đã xem xét sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội làm căn cứ pháp lý cho hoạt động của Quốc hội tại các kỳ họp. Với việc sửa đổi này, nhiều vấn đề về phương thức hoạt động của Quốc hội nói chung và về quy trình, thủ tục hoạt động của Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội đã được thảo luận và quyết định.

Trong đó, đã pháp lý hóa những cải tiến, đổi mới về công tác tổ chức và tiến hành kỳ họp Quốc hội đã được kiểm nghiệm có hiệu quả qua thực tiễn từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay để áp dụng thống nhất: Bổ sung các quy định về tổ chức kỳ họp bất thường; hình thức làm việc trực tuyến; quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về tài liệu phục vụ kỳ họp Quốc hội. Quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp toàn thể, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi tranh luận, thảo luận tại phiên họp; trách nhiệm trong việc đề xuất biểu quyết một số vấn đề trước khi thông qua toàn văn luật, nghị quyết; trách nhiệm giải trình làm rõ ý kiến thảo luận ở Tổ;…

Cùng với Nội quy kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung nhiều quy định về cách thức hoạt động của cơ quan thường trực của Quốc hội giữa hai kỳ họp; ban hành Quy chế mẫu về hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, ban hành Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Như vậy, có thể thấy, sự hoàn thiện từng bước các văn bản quy định về hoạt động của Quốc hội nêu trên là sự chuẩn bị vững chắc về cơ sở pháp lý để Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cũng theo các chuyên gia, với tinh thần tiếp tục đổi mới và luôn tự hoàn thiện cả về phương thức hoạt động, đã giúp cho hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả, thực chất, công khai, minh bạch, gần gũi với cử tri và Nhân dân; đồng thời, nâng cao chất lượng các chính sách được ban hành, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và sự kỳ vọng của cử tri, Nhân dân cả nước./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83070