Tôi đến hòn đảo không người ở tại Hải Phòng

Đảo Long Châu không phải điểm du lịch và không có cư dân sinh sống. Nhưng đây vẫn là nơi dành cho ai muốn đặt chân đến những dấu mốc lịch sử trên lãnh thổ Việt Nam.

Hòn đảo không cư dân

Tôi là Nguyễn Trọng Cung (32 tuổi, đến từ Thái Bình), một bác sĩ có niềm đam mê với nhiếp ảnh và leo núi. Tôi theo đuổi phong cách du lịch bền vững, tìm kiếm những điểm đến thiên nhiên kỳ vĩ và mang dấu ấn lịch sử trên lãnh thổ Việt Nam. Đảo Long Châu (hay Rẽ Đèn) là một trong số đó. Hòn đảo này thuộc lãnh thổ Hải Phòng, cách trung tâm thành phố khoảng 50 km. Đây được xem là tiền đồn canh trấn vào cửa biển Hạ Long (Quảng Ninh) và Hải Phòng. Tôi có cơ hội đến đảo vào những ngày cuối tháng 4 vừa qua. Nơi đây không có người dân sinh sống, chỉ có cán bộ, công nhân, chiến sĩ Trạm hải đăng Long Châu và Trạm quan sát biên phòng Long Châu. Hành trình leo núi của tôi bắt đầu từ Cột Mỗ, vượt núi đá khoảng 300 m để đến được đỉnh. Đoạn đường khá ngắn so với những ngọn núi khác tôi từng chinh phục, nhưng quang cảnh mang lại cho tôi trải nghiệm rất thú vị. Địa hình đầy đá ở đây làm cho tôi liên tưởng đến vách đá núi ở Hà Giang. Đảo có nhiều đá tai mèo sắc nhọn dễ trầy xước da, du khách nên mặc quần áo bảo hộ, mang giày leo núi để đảm bảo an toàn.

Ngắm hoàng hôn từ ngọn hải đăng hơn 100 năm tuổi

Đảo Long Châu, hòn Dấu (Hải Phòng) và Kê Gà (Bình Thuận) có những những ngọn hải đăng cổ nhất Việt Nam. Ngọn hải đăng ở Long Châu do một người Pháp xây dựng vào năm 1894. Người dân biết đến hòn đảo thường gọi đảo với cái tên thân thương là “mắt ngọc Long Châu”. Trong nhiều thập kỷ qua, ngọn hải đăng ấy vẫn giữ vai trò soi đường cho hàng vạn tàu, thuyền ra vào biển vịnh Bắc Bộ. Ngoài ngọn tháp, quang cảnh từ vịnh cây bàng nhìn xuống cũng đẹp không kém. Trong quá trình khám phá đảo, tôi ở lại một bè cá của người dân đến đây đánh bắt hải sản, sinh hoạt, ngủ, nghỉ lênh đênh trên biển. Ngoài ra, hải sản tại đây khá tươi, ngon nhất tôi từng ăn. Để đến được đây, du khách cần phải xin giấy phép từ Ban chỉ huy quân sự trên đảo Cát Bà. Thời gian đợi xét duyệt khá lâu, bạn nên đăng ký sớm, cách ngày khởi hành từ 3-5 ngày.

Tường Vi (ghi)

Ảnh: Nguyễn Trọng Cung

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/toi-den-hon-dao-khong-nguoi-o-tai-hai-phong-post1473766.html