Tổng thống Ebrahim Raisi tử nạn, Iran mất người kế nhiệm Lãnh tụ tối cao

Ngay sau khi đắc cử vào tháng 6/2021, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi được đánh giá sẽ trở thành người kế nhiệm Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.

Ngày 20/5, theo truyền thông Iran, lực lượng cứu hộ đã xác định được vị trí của chiếc trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi gặp nạn hôm qua. Đồng thời, họ cũng xác nhận Tổng thống Raisi, Tống đốc tỉnh Đông Azerbaijan Malek Rahmati, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian cùng một số quan chức đều đã thiệt mạng.

Chiếc trực thăng Bell 212 chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trước khi gặp nạn vào ngày 19/5. (Ảnh: Reuters)

Chiếc trực thăng Bell 212 chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trước khi gặp nạn vào ngày 19/5. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi - Nhà lãnh đạo bảo thủ

Tháng 6/2021, Tổng thống Ebrahim Raisi lên nắm quyền điều hành đất nước trong bối cảnh xã hội và nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do vướng lệnh trừng phạt từ Mỹ vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

Vụ tai nạn trực thăng chở Tổng thống Raisi xảy ra khi Tehran vẫn chưa thể vượt qua các khó khăn về kinh tế lẫn thách thức an ninh.

Ông Raisi lần đầu tiên tranh cử Tổng thống Iran vào năm 2017, đối thủ của ông khi đó là cựu Tổng thống Hassan Rouhani. Với đường lối bảo thủ, ông Raisi đã chỉ trích thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Rouhani đã đạt được với nhóm P5+1 để đổi lấy những nới lỏng về kinh tế và thương mại. Ông cáo buộc thỏa thuận này không đem lại lợi ích cho người dân mà chỉ tầng lớp giàu có của Iran.

Kết quả là ông Rouhani vẫn giành chiến thắng vang dội, phản ánh sự tán thành của cử tri đối với thỏa thuận hạt nhân.

Tuy nhiên, 39% số phiếu bầu mà ông Raisi kiếm được trong bầu cử năm 2017 chứng minh những lời hùng biện của ông đã gây ấn tượng. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận 1 năm sau đó, kèm theo việc áp đặt lại các biện pháp trừng phạt Iran đã khiến tiếng nói của ông Raisi được chú ý trở lại.

Những thành công của ông Raisi trong các vụ án chống tham nhũng đã góp phần giúp ông đắc cử Tổng thống năm 2021. (Ảnh: Reuters)

Những thành công của ông Raisi trong các vụ án chống tham nhũng đã góp phần giúp ông đắc cử Tổng thống năm 2021. (Ảnh: Reuters)

Sau khi được Lãnh tụ tối cao của Iran Ali Khamenei bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan tư pháp vào năm 2019, ông Raisi đã ngay lập tức theo đuổi các vụ án tham nhũng chống lại các quan chức chính phủ và các doanh nhân nổi tiếng.

Những thành công của ông Raisi trong các vụ án chống tham nhũng đã góp phần giúp ông đắc cử năm 2021.

Tuy nhiên trái ngược với mục tiêu tranh cử là chống tham nhũng và cải thiện đời sống người dân, trên cương vị tổng thống, ông Raisi đã công bố các biện pháp thắt lưng buộc bụng khiến giá một số mặt hàng chủ lực tăng mạnh, tạo nên làn sóng phản đối trong dư luận nước này.

Chính phủ của Tổng thống Iran Raisi càng khó khăn hơn khi đối mặt với một loạt các cuộc biểu tình sau cái chết của một phụ nữ trẻ người Kurd gốc Iran, Mahsa Amini, vào tháng 9/2022.

Amini chết một cách không rõ ràng sau khi bị giam giữ trước các cáo buộc cô vi phạm một luật quy định cách ăn mặc của người Hồi giáo do đương kim Tổng thống Iran thúc đẩy.

Người kế nhiệm Lãnh tụ tối cao

Sự nghiệp chính trị Tổng thống Iran Raisi gắn liền với lãnh đạo tối cao Ali Khamenei - người cũng từng là tổng thống từ năm 1981 đến 1989.

Sau khi ông Khamenei trở thành người đứng đầu Iran, ông Raisi bắt đầu được cất nhắc vào các vị trí cao trong ngành tư pháp. Ông cũng được chỉ định tham gia một hội đồng gồm hơn 80 thành viên có trọng trách bầu lãnh đạo tối cao từ năm 2007 và trở thành phó chủ tịch năm 2019.

Vào năm 2016, lãnh tụ Khamenei bổ nhiệm ông Raisi làm người giám hộ đền thờ Ali al-Rida ở Mashhad, đặt vào tay ông quyền kiểm soát hàng tỷ USD tài sản của Iran. Nhiều nhà quan sát coi việc này nhằm tạo cơ hội để nâng cao ảnh hưởng của vị tổng thống Iran tương lai với giới thượng lưu của đất nước.

Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei (trái) nói chuyện với Tổng thống Raisi vào tháng 2-2023. (Ảnh: ISNA)

Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei (trái) nói chuyện với Tổng thống Raisi vào tháng 2-2023. (Ảnh: ISNA)

"Raisi là người mà ông Khamenei tin tưởng. Ông ấy chính là người có thể bảo vệ di sản của nhà lãnh đạo tối cao", nhà nghiên cứu Sanam Vakil của Chatham House (Anh) nhận xét.

Còn theo Giáo sư Mahjoob Zweiri thuộc Đại học Qatar, những ưu ái của ông Khamenei giống như việc dọn đường giúp đương kim tổng thống Iran trở thành nhân vật số 1 tiếp theo của Iran.

Nhà phân tích Ali Akbar Dareini của Iran nhận định chính sự trung thành cao của Tổng thống Iran Raisi với hệ thống chính trị, sự tin tưởng của lãnh đạo tối cao đã tạo nền tảng vững chắc cho ông Raisi trong chính trường.

"Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, chính phủ nắm quyền không có sự khác biệt nghiêm trọng với các nhánh quyền lực khác ở Iran và điều đó đã cho phép Tehran đưa ra những quyết định rất mạnh mẽ trên trường quốc tế", ông Dareini nhấn mạnh.

Kể từ khi bước vào vũ đài chính trị Iran, ông Raisi đã chia sẻ với lãnh tụ Khamenei sự nghi ngờ sâu sắc phương Tây. Ông cũng ủng hộ nỗ lực xây dựng một nền kinh tế tự cung tự cấp của ông Khamenei và chiến lược hỗ trợ các lực lượng ủy quyền trên khắp Trung Đông.

Khi cuộc tấn công bằng tên lửa giết chết các sĩ quan cấp cao của Iran tại Đại sứ quán Iran ở Damascus (Syria) vào tháng 4/2024, Tehran đã đáp trả bằng một cuộc oanh tạc trực tiếp chưa từng có vào lãnh thổ Israel.

Cảnh báo sau đó, Tổng thống Iran nhấn mạnh bất kỳ hành động trả đũa nào của Israel nhằm vào lãnh thổ Iran đều có thể dẫn đến việc nhà nước Do Thái bị xóa sổ.

Trước đó, trực thăng Bell 212 chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cùng nhiều quan chức được cho phải hạ cánh khẩn cấp xuống tỉnh Đông Azerbaijan, miền tây bắc nước này, hôm 19/5, khi đang bay qua vùng núi dưới sương mù dày đặc. Chiếc trực thăng gặp nạn và các lãnh đạo cấp cao có mặt trên trực thăng đều tử nạn.

Trà Khánh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tong-thong-ebrahim-raisi-tu-nan-iran-mat-nguoi-ke-nhiem-lanh-tu-toi-cao-ar872101.html