Tổng thống Iran Ebrahim Raisi là ai?

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và đoàn tùy tùng, trong đó có Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian, đã tử nạn trong vụ rơi máy bay vào chiều 19/5. Theo báo Le Monde (Pháp), ông Raisi là nhà lãnh đạo nổi tiếng là người nghiêm khắc.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: AFP

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: AFP

Dành cả sự nghiệp trong hệ thống tư pháp

Theo AFP, ông Raisi sinh ngày 14/12/1960 tại thành phố Thánh địa Mashhad. Ông Raisi bắt đầu theo học tại Chủng viện tôn giáo Qom nổi tiếng khi mới 15 tuổi và tiếp tục theo học một số học giả Hồi giáo vào thời điểm đó.

Ông Raisi được coi là người ủng hộ trật tự, kỷ luật và là người có trách nhiệm cộng đồng từ rất sớm. Khi mới 20 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Tổng công tố viên Karaj, gần Tehran, vào thời kỳ đỉnh cao của Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Sau đó ông dành phần lớn sự nghiệp trong hệ thống tư pháp của đất nước. Ông lần lượt giữ chức Tổng công tố viên Tehran (1989-1994), Phó chánh án Tòa án Tối cao (2004-2014) và sau đó là tổng công tố viên Iran vào năm 2014.

Năm 2017, ông là ứng cử viên của Mặt trận Nhân dân Lực lượng Cách mạng Hồi giáo, lần đầu tiên tranh cử tổng thống, cạnh tranh với Tổng thống đương nhiệm khi đó là Hassan Rouhani. Ông Rouhani đã giám sát quá trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc thế giới, hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Là người chỉ trích thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung-JCPOA), ông Raisi theo đường lối cứng rắn hơn ông Rouhani, người được coi là người ôn hòa trong hệ thống chính trị của Iran.

Mặc dù thất bại trước ông Rouhani trong cuộc bầu cử năm 2017, nhưng ông Raisi không nản lòng. Ông tiếp tục tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2021 và giành chiến thắng. Trước đó, Hội đồng giám hộ của đất nước, một cơ quan quyết định ứng cử viên nào có thể tranh cử, đã hủy bỏ quyền ứng cử của 32 ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách và ôn hòa trước cuộc bầu cử. Nhiều nhà phân tích coi quyết định của Hội đồng đã mở đường cho chiến thắng bầu cử của ông Raisi.

Không có nhiều sức thu hút và luôn đội một chiếc khăn xếp màu đen "seyyed" (hậu duệ của Mohammed), Raisi, với bộ râu muối tiêu và cặp kính mỏng, đã theo học các khóa học của Ayatollah Khamenei về tôn giáo và luật học Hồi giáo.

Ông Raisi đã kết hôn với bà Jamileh Alamolhoda, giáo sư khoa học giáo dục tại Đại học Shahid Beheshti ở Tehran. Hai người có hai cô con gái đã tốt nghiệp đại học.

Nỗ lực thực hiện cam kết bầu cử

Ngày 5/8/2021, ông Raisi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống trước Quốc hội Iran. Ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo Iran là giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang đè nặng quốc gia này do lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây kéo dài cũng như tác động của đại dịch Covid-19.

Để giải quyết được các vấn đề trong nước, ông Raisi đã nỗ lực duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nhánh của chính phủ, quân đội và lập pháp cũng như lãnh đạo hệ thống thần quyền. Tuy nhiên, ông đã phải lãnh đạo Iran trong thời điểm công chúng đang bất bình với mức sống ngày càng sa sút, một phần do các lệnh trừng phạt của phương Tây, và với các chính sách chưa ưu tiên cho cuộc sống của người dân.

Trong chính sách đối ngoại, ông Raisi ưu tiên cải thiện quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực, cũng như Trung Quốc và Nga. Ông khéo léo trong việc xử lý các mối quan hệ với nước láng giềng Afghanistan.

Gần đây, ông Raisi đã lãnh đạo Iran vượt qua bế tắc với Israel khi hai bên lâm vào cuộc khủng hoảng tấn công trả đũa liên quan đến cuộc không kích nhằm vào khu vực lãnh sự trong khuôn viên đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria.

Tổng thống Ebrahim Raisi được coi là người có khả năng kế nhiệm ông Ayatollah Ali Khamenei với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao, vị trí chính trị và tôn giáo cao nhất ở nước cộng hòa Hồi giáo.

Theo qdnd.vn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tong-thong-iran-ebrahim-raisi-la-ai-post476061.html