TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp thu hồi nợ thuế hiệu quả
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, chặt chẽ trong quản lý nợ thuế, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã thu được kết quả khá tích cực đối với công tác này trong quý I/2024 với số nợ thuế giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương giảm hơn 5,5 nghìn tỷ đồng.
Nguyên nhân phát sinh nợ thuế
Số liệu thống kê của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đến thời điểm 31/3 cho thấy, tổng số tiền nợ thuế nội địa ước khoảng 53.469 tỷ đồng, bằng 15,19% dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024; trong đó, tổng nợ thuế và phí ước tính 12.330 tỷ đồng, bằng 3,5% tổng dự toán thu.
Theo phân tích từ cơ quan thuế, tiền thuế nợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng so với thời điểm đầu năm là do các yếu tố như tiền chậm nộp tăng do hệ thống tính lại tiền chậm nộp năm 2023 của các khoản nợ đã nộp trong năm (tăng 1.800 tỷ đồng).
Nếu so với thời điểm 31/12/2023, tổng số nợ thuế nội địa tính đến thời điểm 31/3/2024 tại TP. Hồ Chí Minh tăng thêm 2.985 tỷ đồng, tương ứng tăng 5,9%.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, tài sản đều đã thế chấp ở ngân hàng, nên khi thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế cũng chưa thu hồi được nợ thuế. Các khó khăn chung của thị trường vốn ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nên nợ các khoản thu từ đất gia tăng. Đó là chưa kể nợ gốc và tiền chậm nộp các khoản thu từ đất ở mức cao, kéo dài nhiều năm nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, cũng là nguyên nhân đẩy số nợ lên cao.
Nguyên nhân nữa là các khoản tiền thuế được gia hạn theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP, Nghị định số 36/2023/NĐ-CP đã hết thời gian gia hạn, nhưng người nộp thuế chưa kịp thời nộp vào ngân sách nhà nước, dẫn đến tiền thuế nợ tăng cao; tiền nợ thuế giá trị gia tăng (GTGT) tăng do thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc phải thu thuế GTGT đối với hoạt động thư tín dụng (L/C), các ngân hàng khai bổ sung thuế phải nộp từ rất nhiều năm trước, dẫn đến tăng nợ thuế GTGT và tiền chậm nộp tiền thuế GTGT.
Tăng cường các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đúng quy định
Báo cáo đánh giá tình hình công tác thu ngân sách nhà nước quý I/2024 của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho thấy, riêng về công tác quản lý nợ thuế, trong kỳ đơn vị đã thu hồi được 6.466 nghìn tỷ đồng nợ thuế, gồm 4.306 tỷ đồng nợ thuế của năm 2023 chuyển sang và 2.160 tỷ đồng nợ thuế mới phát sinh trong năm 2024. Nếu so với cùng kỳ năm 2023, tổng số nợ thuế nội địa của TP. Hồ Chí Minh giảm 5.583 tỷ đồng, tương ứng giảm 11,7%.
Để thu được số nợ thuế trên và kéo giảm mức nợ thuế so với cùng kỳ, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã triển khai quyết liệt và chặt chẽ các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế như: ban hành 26.062 quyết định cưỡng chế nợ thuế trên địa bàn với tổng số tiền cưỡng chế 178.993 tỷ đồng, trong đó 20.724 quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng; 2.578 quyết định cưỡng chế bằng biện pháp cưỡng chế hóa đơn…
Tiếp nữa là 3 quyết định cưỡng chế bên thứ ba nắm giữ tài sản của người nợ thuế; ban hành 2.575 công văn cưỡng chế bằng biện pháp đề nghị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh; đồng thời đã triển khai tạm hoãn xuất cảnh đối với 4.886 trường hợp người nộp thuế nợ thuế.
Trong quý I/2024, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan báo đài tiến hành công khai thông tin người nợ thuế chây ỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách 166 doanh nghiệp với tổng số tiền thuế nợ tính đến kỳ khóa sổ tháng 1/2024 là hơn 3,1 nghìn tỷ đồng; 351 doanh nghiệp với tổng số thuế nợ tính đến kỳ khóa sổ tháng 2/2024 là 3.301 tỷ đồng; 278 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền thuế nợ và các khoản nợ ngân sách lên đến hơn 3.842 tỷ đồng tính đến kỳ khóa sổ tháng 3/2024…