TP.Hồ Chí Minh: Phấn đấu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030

Đó là một trong những mục tiêu trọng tâm của kế hoạch thực hiện Chương trình công tác phòng, chống (PC) AIDS, ma túy (MT), mại dâm (MD) trên địa bàn TPHCM năm 2024 do UBND TPHCM (UBNDTP) ban hành.

Cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo UBNDTP, công tác phòng, chống AIDS, MT, MD được xác định là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng, lâu dài. Do đó, trong năm 2024 thành phố (TP) sẽ tiếp tục đẩy mạnh giáo dục nhận thức cho các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống HIV/AIDS, MT, MD trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tiễn.

Để làm tốt công tác này, cơ quan chức năng cũng như lực lượng phối hợp TP cần nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, đấu tranh, phát hiện, xử lý về tội phạm và tệ nạn MT, MD; kịp thời phát hiện, xử lý người loạn thần do lạm dụng MT. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác quản lý, thống kê người sử dụng (SD) trái phép chất MT, người nghiện MT và người sau cai nghiện trên địa bàn; triển khai quyết liệt công tác xác định tình trạng nghiện; chủ động lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tập trung triển khai các giải pháp nhằm kiềm chế phát sinh người nghiện mới, người SD trái phép chất MT; đồng thời tiếp tục rà soát, chấm chọn các địa bàn phức tạp về MT, tệ nạn xã hội (TNXH) để tập trung chuyển hóa.

Đoàn xe diễu hành tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS vào năm 2023. Ảnh: CTV

Đoàn xe diễu hành tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về phòng, chống HIV/AIDS vào năm 2023. Ảnh: CTV

Thống kê cho thấy, tính đến tháng 12/2020 tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư tại TP ở mức 0,56% (52.122 ca nhiễm/9.237.414 dân), tỷ lệ nhiễm HIV phát hiện mới có hộ khẩu thường trú tại TP trong cộng đồng dân cư là 0,026% (2.363 trường hợp nhiễm/9.237.414 dân). Đến tháng 9/2023 có trên 51.500 người nhiễm HIV đang được quản lý tại TPHCM. Vì vậy, TP phấn đấu và ước tính đến năm 2025, tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng ở mức 0,51% (53.000 trường hợp nhiễm/10.300.000 dân); giảm tử vong liên quan AIDS; phấn đấu đạt mục tiêu 95-95-95 (95% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng vi-rút HIV-ARV, 95% người nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV có tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế) vào năm 2025 để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, cũng như bình thường hóa bệnh này, tạo môi trường thuận lợi cung cấp các dịch vụ thân thiện, tránh sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; tiếp tục góp phần giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBNDTP, cần huy động cả hệ thống chính trị tham gia, toàn thể cộng đồng, xã hội cùng hưởng ứng và chủ động tham gia tích cực nhằm đạt mục tiêu nhanh chóng kéo giảm rõ rệt tình hình phức tạp về tội phạm, TNXH và HIV/AIDS trên địa bàn TP nhằm góp phần tạo môi trường bình yên, thuận lợi cho sự đầu tư, phát triển và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Không để tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp

Trong kế hoạch thực hiện Chương trình công tác phòng, chống AIDS, MT, MD trên địa bàn TPHCM năm 2024, UBNDTP cũng đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các sở, ban ngành có liên quan về những nội dung cụ thể, như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, MT, MD bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn dân cư, các khu vực, địa bàn trọng điểm phức tạp về TNXH nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, trong đó tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ sa vào TNXH...

Gắn kết hiệu quả công tác phòng, chống MT với PC lây nhiễm HIV/AIDS và PC tội phạm, các TNXH trong việc thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; phong trào "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới", Cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" và các phong trào thi đua tại cơ sở.

Triển khai tổng thể, đồng bộ các biện pháp nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở, tuyệt đối "không để bị động, bất ngờ", "không đi sau tội phạm"; chủ động phân tích, nhận diện, dự báo chính xác tình hình tội phạm MT nổi lên, nhất là các phương thức, thủ đoạn mới, hoạt động có tổ chức, liên tỉnh, xuyên quốc gia, SD công nghệ cao... để chủ động triển khai các kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với phương châm "Không bắt khúc giữa", khám phá cả đường dây, bắt được đối tượng chủ mưu, cầm đầu, triệt phá tận gốc các đường dây, tổ chức, băng nhóm, điểm, tụ điểm phức tạp về MT.

Thường xuyên rà soát, thống kê, cập nhật chính xác, đầy đủ, kịp thời số liệu người nghiện MT và người SD trái phép chất MT để có biện pháp quản lý chặt chẽ; tập trung triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ đối với số người nghiện, người SD trái phép chất MT, trong đó chú trọng đến người không có nơi cư trú ổn định.

Khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý người nghiện, người SD trái phép chất MT và quản lý sau cai nghiện; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an cấp xã trong công tác xác định tình trạng nghiện, lập hồ sơ áp dụng các biện pháp cai nghiện, quản lý người nghiện, người SD trái phép chất MT và quản lý sau cai tại địa bàn cơ sở.

Thực hiện đa dạng các mô hình điều trị nghiện MT, phát huy hiệu quả của công tác cai nghiện MT tập trung tại các cơ sở cai nghiện MT công lập; đồng thời đẩy mạnh công tác cai nghiện MT tại gia đình, ở cộng đồng tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn này.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong PC và kiểm soát MT, không để loại tội phạm này lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh các loại tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất MT, tiền chất để sản xuất, điều chế MT; kịp thời phát hiện, triệt phá diện tích trồng và tái trồng cây có chứa chất MT.

Huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, mỗi người dân và cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức triển khai các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế nhằm hạn chế đến mức tối đa sự lây truyền của HIV đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe người bệnh AIDS.

Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Kiểm tra Liên ngành Văn hóa - Xã hội từ TP đến quận, huyện, TP. Thủ Đức, phường, xã, thị trấn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về PC tệ nạn MD, không để tệ nạn này diễn biến phức tạp tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ và nơi công cộng gây bức xúc trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của TP...

Trung Hiếu

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/suc-khoe/phan-dau-ket-thuc-dich-aids-vao-nam-2030_162256.html