TPHCM: Đơn hàng tăng nhưng doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động

Dự kiến quý II/2024, nhu cầu nhân lực tại TP. Hồ Chí Minh cần khoảng 77.000 lao động. Bình Dương, cần tuyển hơn 22.000 lao động. Đồng Nai, cần trên 3.000 lao động.

Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao khi đơn hàng ổn định. Ảnh NLĐ

Tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp sản xuất dệt may, da giày cũng đang dần có sự cải thiện trong 4 tháng đầu năm. Nhiều doanh nghiệp đã đã ký được đơn hàng đến hết quý II, thậm chí một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý III/2024. Hiện nay, các doanh nghiệp đồng loạt tăng tuyển dụng lao động khi đơn hàng quay trở lại hoặc mở rộng quy mô nhà xưởng. Dù đã đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi để thu hút lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tuyển đủ lao động

"Đi làm ngay, trình độ từ hết cấp 2 đến đại học" là những thông tin được ghi rõ trên những tấm biển tuyển dụng của nhiều công ty trong các khu công nghiệp.

"Đối với các đối tượng nam sẽ nhận các bạn đạt trình độ học vấn từ cấp 2 trở lên, độ tuổi từ 18 – 35 tuổi, có sức khỏe tốt", chị Nguyễn Thị Chinh – chuyên viên tuyển dụng công ty Hyosung Việt Nam chia sẻ.

Có mức lương khá cạnh tranh, công ty sản xuất máy rút tiền đang cần tuyển dụng thêm 250 lao động cả lao động phổ thông và lao động kỹ thuật song những ngày qua số người đến nộp hồ sơ rất ít.

Ông Lee Dong Young - Giám đốc đối ngoại Công ty Hyosung cho biết: "So với năm trước thì lượng đơn hàng của nhà máy tăng lên khoảng 30%, nên bắt đầu từ đầu năm đến hiện tại thì công ty đang thực hiện tuyển dụng thêm khoảng 250 lao động mới. Nhưng ở thời điểm này khi các công ty đều tuyển dụng thì cũng khó tuyển mới".

Mức lương 9 triệu đồng/tháng kèm tiền thưởng cùng các chế độ đãi ngộ khác nhưng công ty sản xuất thấu kính phải thừa nhận để tuyển đủ 3.000 lao động theo như kế hoạch năm 2024 là một thách thức.

Ông Zhou Jian Chao - Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Công nghệ Laser IBe Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và dự kiến sẽ tuyển dụng thêm khoảng 3.000 lao động trong năm nay. Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại, tình hình tuyển dụng gặp khá nhiều khó khăn, vì lao động kĩ thuật có tay nghề trong khu vực không nhiều và số lượng ứng viên đến ứng tuyển cũng không nhiều".

Theo báo cáo mới nhất do S&P Global được công bố vào ngày 2/5 cho thấy, chỉ số tài chính đo lường hoạt động của nền kinh tế sản xuất - PMI của Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm với số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh đã giúp ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, việc giảm số lượng nhân viên khiến các doanh nghiệp khó hoàn thành kịp tiến độ các đơn hàng.

Thiếu lao động tại các hầu hết doanh nghiệp

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh, hiện có một số ngành nghề được doanh nghiệp đặt hàng tuyển dụng nhiều, nhưng lao động tìm việc rất ít. Cụ thể, với ngành da giày và may mặc, các doanh nghiệp cần tuyển 1.230 người, nhưng chỉ có 145 hồ sơ tìm việc; ngành thực phẩm, đồ uống cần tuyển 1.622 người, nhưng chỉ có 32 hồ sơ tìm việc; ngành kỹ thuật, cơ khí cần tuyển 304 người, nhưng chỉ có 84 hồ sơ tìm việc; ngành xây dựng và kiến trúc cần tuyển 104 người, nhưng chỉ có 4 hồ sơ tìm việc. Dự kiến quý II/2024, nhu cầu nhân lực tại TP. Hồ Chí Minh cần khoảng 77.000 lao động. Tại Bình Dương, thời điểm hiện tại có 180 doanh nghiệp cần tuyển hơn 22.000 lao động. Còn tại Đồng Nai, 30 doanh nghiệp đang cần 3.000 lao động.

Tuyển người đã khó, tuyển rồi nhân công lại bỏ việc, nhảy việc cũng đang là 1 thách thức. Nhảy việc, bỏ việc là quyền lựa chọn của người lao động. Tuy nhiên, nếu không giải quyết rốt ráo tình trạng này thì sẽ gây ra hệ lụy cho không chỉ người lao động mà cả sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. Chủ động tìm lời giải cho bài toán ổn định nguồn nhân lực do đó không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp, mà của cả chính quyền địa phương.

Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực ổn định nguồn nhân lực

Hiện TP. Hồ Chí Minh cần khoảng 77.000 lao động

Hiện TP. Hồ Chí Minh cần khoảng 77.000 lao động

Thiếu hụt từ 5 - 7% nhân sự vì lao động nghỉ việc nhiều mà phần lớn lại là lao động có kinh nghiệm, tay nghề, chính là rào cản lớn nhất cho doanh nghiệp.

"Phải cải tiến, phải đưa các hoạt động và các máy móc thiết bị tự động để thay thế cho sức lao động của con người, nhưng đâu đó nó vẫn có sự ảnh hưởng đến việc giảm đi cái nhận về các đơn hàng để phát triển kinh tế", bà Phùng Thị Minh Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên cho biết.

Phúc lợi của doanh nghiệp chỉ có thể hỗ trợ phần nào cho đời sống người lao động, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh, lao động nhập cư chiếm khoảng 70% tổng số nhân lực. Hơn lúc nào hết, người lao động và doanh nghiệp cần chính sách hỗ trợ mang tính nền tảng.

Ông Nguyễn Thành Tài - Giám đốc Nhân sự Công ty Cổ phần nhựa Đại Đồng Tiến thông tin: "Sự dịch chuyển lao động từ TP. Hồ Chí Minh về các tỉnh cũng là 1 vấn đề gây thiếu hụt nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực có tay nghề kỹ thuật cao. Chương trình nhà ở xã hội cũng là 1 cách giữ chân người lao động ở lại ổn định với hệ thống lao động TP. Hồ Chí Minh".

Chỗ ở ổn định, điều kiện sinh hoạt đảm bảo với giá cả hợp lý, chính là một trong những vấn đề được đại diện công nhân lao động thẳng thắn đặt ra với chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Chúng ta phải thực hiện đồng thời nhà trọ, nhà cho thuê, nhà ở xã hội thì mới giải quyết được nhu cầu này".

Ổn định nguồn nhân lực với TP. Hồ Chí Minh cũng chính là một trong các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, nền tảng cho bứt phá cũng đồng thời là hiện thực hóa Nghị quyết 98 của Quốc Hội, đưa Thành phố phát triển xứng với tiềm năng.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2024 chưa phải là năm sáng sủa mà còn chịu dư âm ảnh hưởng của năm 2023, rất nhiều khó khăn vẫn phải đối mặt. Đặc biệt việc tăng phí từ vận tải biển do xung đột quốc tế, những yêu cầu khắt khe mới của thị trường khiến việc phục hồi xuất khẩu càng nhiều thách thức. Doanh nghiệp, không cách nào khác phải bám sát thị trường, ứng phó linh hoạt để tìm kiếm đơn hàng, tạo nguồn thu. Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của địa phương cũng cần đẩy nhanh để gián tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp lao động gắn bó với doanh nghiệp lâu dài.

PV

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tphcm-don-hang-tang-nhung-doanh-nghiep-kho-tuyen-dung-lao-dong-post114083.html