TPS: Khả năng lãi suất cho vay tăng trong 2 – 3 tháng tới là rất cao

Một số ngân hàng đã có động thái nâng lãi suất tiền gửi. Lãi suất huy động tăng sẽ tạo áp lực lên lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh ở tuần cuối tháng 4/2024 ở hầu hết các kỳ hạn. Tuy nhiên, thông điệp ôn hòa của Fed trong kỳ họp tháng 5 cùng với hoạt động bán USD của NHNN để điều chỉnh tỷ giá góp phần hạ nhiệt tỷ giá trong những ngày đầu tháng 5.

Lãi suất huy động và cho vay vẫn đang giữ ở mức khá thấp. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của một số ngân hàng thương mại lớn như Techcombank (4,3%), MBBank (4,5%), BIDV (4,7%), Agribank (4,7%), Viettinbank (4,7%) và Vietcombank (4,6%).

Tuy nhiên, một số ngân hàng có quy mô vốn nhỏ đã bắt đầu nâng lãi suất huy động. Một số nguyên nhân thúc đẩy các ngân hàng nâng lãi suất huy động bao gồm: Nhiều khách hàng đã chuyển sang kênh đầu tư khác với mức sinh lợi cao hơn thay vì lựa chọn kênh gửi tiết kiệm làm thiếu hụt dòng tiền vào hệ thống ngân hàng. Vì vậy, để thu hút khách hàng các ngân hàng thương mại buộc phải nâng lãi suất huy động.

Bên cạnh đó, nền kinh tế phục hồi, sản xuất cải thiện nên cầu về nguồn vốn cũng tăng lên, buộc các ngân hàng thương mại phải nâng lãi suất huy động để tương xứng với cầu vốn của nền kinh tế.

Diễn biến lãi suất huy động và cho vay trong thời gian qua

Diễn biến lãi suất huy động và cho vay trong thời gian qua

Công ty Chứng khoán TPBank (TPS) nhận định, do chịu tác động của nhiều yếu tố như tiến trình cắt giảm lãi suất của Fed, xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu, sự phục hồi của nền kinh tế… nên lãi suất liên ngân hàng tiếp tục diễn biến khá phức tạp trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc điều tiết lãi suất liên ngân hàng có nhiều dư địa hơn điều tiết lạm phát.

“Lãi suất huy động tăng sẽ tạo áp lực lên lãi suất cho vay trong thời gian tới. Từ huy động vốn đến đưa dòng vốn ra nền kinh tế thường có độ trễ từ 2 - 3 tháng, vì vậy, khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng lên trong 2 - 3 tháng tới là rất cao”, TPS cho biết.

Cùng chung quan điểm, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, sau khi tiếp nối xu hướng giảm trong quý I/2024, sang tháng 4/2024, lãi suất huy động đã nhích tăng khoảng 0,2 - 0,4 điểm % và chủ yếu tại các kỳ hạn dưới 12 tháng. Tuy nhiên, nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang ở mức thấp, thậm chí thấp hơn mặt bằng lãi suất trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

“Mặt bằng thấp của lãi suất là nguyên nhân chính và chủ yếu khiến áp lực tỷ giá USD/VND luôn thường trực khi chỉ số Dollar Index (DXY) vẫn duy trì ở mức cao”, VCBS nhận định.

Trước áp lực tỷ giá thường trực, để đảm bảo các cân đối vĩ mô, NHNN được dự báo buộc phải gia tăng cường độ và liều lượng các biện pháp điều hành. Theo đó, NHNN sẽ sử dụng nhiều hơn các công cụ về lãi suất với ưu tiên sử dụng là công cụ lãi suất trên nghiệp vụ thị trường mở.

Động thái đầu tiên đã được ghi nhận vào ngày 23/4 đánh dấu thời điểm lãi suất OMO tăng từ 4% lên 4,25%. Theo sau đó, mặt bằng lãi suất huy động có thể sẽ dần dâng cao hơn nhằm thu hẹp mức chênh lệch lãi suất USD - VND, phần nào giải tỏa áp lực tỷ giá thường trực.

Tuy nhiên, mức tăng lãi suất nếu có sẽ không quá lớn, vào khoảng 0,5 - 1 điểm % khi nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này không quá đột biến. Dữ liệu cho thấy, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm tính đến ngày 10/04/2024 đạt trên 1%, trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng gần 2,5%. Do đó, việc lãi suất tăng trở lại sẽ khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất huy động mới.

Lam Phong

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tps-kha-nang-lai-suat-cho-vay-tang-trong-2-3-thang-toi-la-rat-cao-post345353.html