Trả lại quyền quyết định chọn sách giáo khoa cho giáo viên
Để việc lựa chọn SGK được hiệu quả cũng đòi hỏi đội ngũ giáo viên có chuyên môn, trình độ để đưa ra những đánh giá phù hợp.
Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa có Dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên nhằm thay thế cho Thông tư số 25.
Tại dự thảo, Bộ GD&ĐT đưa ra ba nguyên tắc lựa chọn sách giáo kho gồm: Thứ nhất, lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở GDPT.
Thứ hai, mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện trong cơ sở GDPT ở mỗi khối lớp lựa chọn 1 sách giáo khoa. Thứ ba, việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
Thể hiện vai trò làm chủ của người trong cuộc
Dự thảo nêu tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa gồm: Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở GDPT.
Khác với quy định hiện hành tại Thông tư số 25 là hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND tỉnh, Tp trực thuộc TW thành lập, giúp UBND cấp tỉnh lựa chọn sách giáo khoa.
Dự thảo mới quy định: Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở GDPT do hiệu trưởng cơ sở GDPT hoặc giám đốc trung tâm GDNN - GDTX thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở GDPT tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi cơ sở GDPT thành lập 1 hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.
Hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ chuyên môn; đại diện giáo viên, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở GDPT. Hội đồng xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở GDPT; phân công nhiệm vụ cho các thành viên hội đồng.
Đối với dự thảo mới, theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam điều này là phù hợp, nhằm trả lại đúng vai trò cho giáo viên và các cơ sở giáo dục.
“Quy trình mới nhằm trả lại quyền cho giáo viên. Người sử dụng sách giáo khoa được lựa chọn là phù hợp, thầy cô là người hiểu rõ điều kiện và hoàn cảnh của học sinh từng nơi, từng vùng để từ đó chọn những bổ sách đáp ứng yêu cầu”, ông Nguyễn Tùng Lâm đánh giá.
Chuyên gia cũng bày tỏ việc lập hội động chọn sách tại các trường học thể hiện vai trò làm chủ, có quyền quyết định chất lượng giáo dục của chính người trong cuộc.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng lưu ý thêm: “Các trường phải làm một cách nghiêm túc, cần vì yêu cầu đổi mới giáo dục cho từng đối tượng học sinh để lựa chọn đúng bộ sách giáo khoa phù hợp, không bị tác động bởi yếu tố khác. Khi được làm chủ phải thực sự tròn trách nhiệm tránh làm mất đi tính khách quan”.
Cần tìm giáo viên có năng lực tham gia vào hội đồng
Là người sẽ đóng vai trò thành lập hội đồng chọn sách giáo khoa trong cơ sở GDPT theo dự thảo, ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) bày tỏ ủng hộ quy trình đang được lấy ý kiến.
“Việc giao cho các trường thành lập hội đồng là phù hợp, bởi mỗi trường ở từng khu vực sẽ có điều kiện thực tế, năng lực, đội ngũ cơ sở vật chất và các mục tiêu, mục đích giáo dục khác nhau. Để sát đối tượng giảng dạy các trường cần được chủ động, cùng với hạn chế sự tác động trong việc chọn sách”, ông Nguyễn Quốc Bình cho biết.
Theo ông Bình điều này cũng hướng dần đến việc sách giáo khoa giờ đây chỉ là học liệu và phải giao cụ thể cho từng giáo viên lựa chọn nguồn sách phù hợp nhất với
học sinh
.
“Tuy nhiên, đội ngũ chuyên môn của từng trường sẽ có những năng lực khác nhau, không đồng đều. Các trường cần lựa chọn những giáo viên cốt cán, có đủ năng lực để tham gia đánh giá.
Ngoài ra, việc lựa chọn không chỉ tập trung vào một số giáo viên mà còn là sự đánh giá tìm tòi, nhận xét của cả một tập thể, làm sao nâng cao tinh thần trách nhiệm và năng lực của từng cán bộ, giáo viên tham gia vào việc chọn sách giáo khoa để mang lại kết quả tốt”, ông Nguyễn Quốc Bình chia sẻ.