Trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng với người có công

Những ngày tháng Tư lịch sử trên địa bàn Thủ đô, 5 trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công của TP Hà Nội đều đang tổ chức thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với các mạng và thân nhân liệt sĩ.

Chế độ với người có công tiếp tục được nâng lên

Năm 2024 Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội (168 đường Thanh Bình, quận Hà Đông, Hà Nội) được TP giao điều dưỡng 4.213 đối tượng, tăng hơn 300 chỉ tiêu so với năm 2023.

Thông tin về công tác điều dưỡng, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội Chu Đình Điệp cho biết: “Đến nay Trung tâm thực hiện điều dưỡng được 5 đợt, với hơn 700 người. Trung tâm xác định công tác điều dưỡng là được phục vụ cho nên cố gắng làm hài lòng các cụ từ từng món ăn, chỗ ở, sở thích, tập luyện đảm bảo sức khỏe, uống thuốc, ăn kiêng, ăn chay... Cùng với đó, Trung tâm đổi mới nhiều nội dung trong chuỗi hoạt động điều dưỡng, từ tiếp đón cho đến sinh hoạt, tổ chức hội nghị, nói chuyện thời sự, giao lưu văn hóa văn nghệ...”.

Cán bộ Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 thăm khám sức khỏe cho người có công và thân nhân liệt sĩ khi đi điều dưỡng.

Năm nay, Trung tâm còn thực hiện chủ đề “Không nói không biết với các cụ”, có nghĩa khi các cụ hỏi bất cứ điều gì thì cán bộ, nhân viên Trung tâm đều phải trả lời được. Trường hợp nhân viên chưa hiểu sâu thì xin phép kiểm tra lại thông tin rồi trả lời các cụ sau.

Bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên 38 người có công và thân nhân liệt sĩ, năm nay Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 (địa chỉ xã Viên An, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) được giao thực hiện 4.117 chỉ tiêu điều dưỡng, tăng hơn 1.000 chỉ tiêu so với năm trước.

Đến thời điểm này đơn vị đã thực hiện điều dưỡng được 737 lượt người có công và thân nhân liệt sĩ đến từ huyện Quốc Oai. “Phương châm của chúng tôi là “5 trong 1”, tức là một người làm một việc nhưng phải biết 5 công việc khác và sẵn sàng tăng cường hỗ trợ cho các phòng. Ví dụ, cán bộ, nhân viên phòng y tế hỗ trợ công việc của phòng Tổ chức hành chính; phụ việc nhà bếp; biểu diễn văn nghệ; chăm sóc cắt tỉa cây xanh...” - Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Vũ Văn Trung cho hay.

Lãnh đạo các trung tâm cũng cho biết, kể từ năm 2024 TP Hà Nội tăng mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe nên chế độ dành cho đối tượng điều dưỡng tiếp tục được nâng lên.

Sức khỏe người có công được cải thiện rõ rệt

Với sự chăm sóc nhiệt tình và chu đáo của cán bộ, nhân viên các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công, nên năm nay, số đối tượng người có công tại các quận, huyện đăng ký đi điều dưỡng tập trung là 21.447 người (tăng 4.242 người so với năm 2023).

Để công tác điều dưỡng phục hồi sức khỏe được thực hiện thống nhất, đạt kết quả tốt nhất, cuối tháng 2/2024, Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai. Và trong thời gian các trung tâm tiếp nhận điều dưỡng, Ban giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội cùng các phòng chuyên môn đến từng đơn vị để kiểm tra, thăm hỏi người có công và thân nhân liệt sĩ.

Ngày cuối cùng tham gia điều dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội, thương binh loại A, hạng 4/4 Cấn Hoàng Thảo (sinh năm 1960) đến từ thị xã Sơn Tây phấn khởi cho hay: “Đợt này, thị xã Sơn Tây có 109 đối tượng là thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học, vợ liệt sĩ đi điều dưỡng; người cao tuổi nhất là 92, ít tuổi nhất 47 tuổi.

Lần đầu tiên đến Trung tâm, chúng tôi rất bất ngờ về cách tổ chức đón tiếp, thái độ của cán bộ và nhân viên đơn vị. Các hoạt động từ sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, nghe thời sự, tư vấn pháp luật, xem hình ảnh tư liệu về chiến tranh, tham quan du lịch... được Trung tâm thực hiện rất khoa học. Những ngày ở Trung tâm, chúng tôi rất phấn khởi, vui vẻ, tinh thần thoải mái, sức khỏe được cải thiện”.

Ông Nguyễn Xuân Hạnh (sinh năm 1949) là đối tượng chất độc hóa học từ 41% - 60% đến từ xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai chia sẻ: “TP Hà Nội tạo điều kiện cho người có công mỗi năm được đi điều dưỡng một lần thế này là rất tốt giúp chúng tôi được nghỉ ngơi và giao lưu, học tập lẫn nhau và lại biết được thông tin của anh em, đồng đội”.

Được biết, năm 2024, TP Hà Nội thực hiện điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với 58.595 người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ. Các đối tượng đi điều dưỡng tập trung tại trung tâm được TP hỗ trợ tiền khám sức khỏe 1.000.000 đồng/ người/ lượt. Hiện nay, UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến đề xuất trợ cấp đối với người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 0,7 lần mức chuẩn trợ cấp người có công, tương ứng với 1.438.000 đồng.

UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024). Bên cạnh các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” kỷ niệm ngày 27/7; TP Hà Nội tổ chức thăm, tặng quà người có công. Dự kiến, trong dịp này UBND TP Hà Nội sẽ tặng 120.551 suất quà, với tổng kinh phí 190.720.000.000 đồng.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/trach-nhiem-tinh-cam-thieng-lieng-voi-nguoi-co-cong.html