Trận đánh vang dội của Đồn Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Lạc

Chiến tranh biên giới Tây Nam đã đi qua trên 45 năm, nhưng dư âm chiến thắng còn vang vọng mãi. Lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) An Giang (nay là BĐBP An Giang) đã có nhiều chiến công vang dội làm 'kinh hồn, bạt vía' kẻ thù. Trong đó, trận đánh do Đồn CANDVT Vĩnh Lạc phối hợp tác chiến với lực lượng địa phương và Lữ đoàn Đặc nhiệm 305, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam được coi là mẫu mực về nghệ thuật quân sự, ý chí chiến đấu bền bỉ của quân và dân ta.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Vĩnh Lạc thể hiện quyết tâm trước giờ chiến đấu. Ảnh: Tư liệu

Cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Vĩnh Lạc thể hiện quyết tâm trước giờ chiến đấu. Ảnh: Tư liệu

Khoảng 0 giờ, ngày 17/6/1978, địch trinh sát bằng hỏa lực vừa thăm dò lực lượng ta, vừa nhanh chóng chiếm địa hình, vừa đào công sự. Lực lượng của Đồn CANDVT Vĩnh Lạc và dân quân địa phương chủ động phát hiện địch mấy ngày trước và trong đêm hôm đó, song do trời tối quá và đội hình địch giàn ra nhiều mũi, nhiều hướng nên ta khó quan sát và tiêu diệt gọn.

Thống nhất phương án khá tỉ mỉ và khẩn trương tổ chức triển khai lực lượng, gần 60 cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Vĩnh Lạc do Đại úy Nguyễn Khắc Sánh, Đồn trưởng chỉ huy, cùng 15 dân quân thuộc 2 ấp An Nhơn và An Thành, xã Lương Phi, huyện Bảy Núi, tỉnh An Giang (nay là xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), phối hợp cùng Lữ đoàn Đặc nhiệm 305 ở phía bên kia núi Dài để diệt Sư đoàn 315 của địch. Đồn CANDVT Vĩnh Lạc chọn hướng chủ yếu vào khu vực mỏm đá bia chân núi Dài, từ đó đánh chia cắt và dồn địch để tiêu diệt phần lớn sinh lực của chúng ở chân núi Dài và cánh đồng Lương Phi.

Lực lượng của ta chia thành 3 mũi theo 3 hướng phối hợp. Mũi 1 gồm 22 đồng chí có dân quân tham gia do đồng chí Nguyễn Khắc Sánh chỉ huy đánh chính diện vào đội hình địch. Mũi 2 gồm 29 đồng chí do đồng chí Nguyễn Văn Khuân chỉ huy đánh thọc phía sau, ngăn chặn không cho địch gây tội ác trong dân và móc nối với bọn phản động nội địa gây bạo loạn, kết hợp với địch đánh vào, trong đánh ra bao vây tiêu diệt lực lượng ta hoặc dẫn đường tiếp tay cho bọn xâm lược. Mũi 3 gồm 23 đồng chí do đồng chí Nguyễn Thái Thanh chỉ huy có nhiệm vụ vận động đánh vào sườn địch, ngăn chặn địch chi viện và tháo chạy. Trang bị vũ khí của ta chủ yếu là súng bộ binh AK, AR15, M79, B40, B41 và lựu đạn. Có 2 máy thông tin PRC25, chủ yếu liên lạc bằng tín, ám hiệu và thông tin cơ động. Hiệp đồng các mũi tiếp cận địch, bảo đảm bí mật, bất ngờ đợi lệnh của hướng chính diện đồng loạt nổ súng.

Sau trận đánh, những người lính trở về trong niềm vui chiến thắng. Ảnh: Tư liệu

Sau trận đánh, những người lính trở về trong niềm vui chiến thắng. Ảnh: Tư liệu

Khoảng 3 giờ sáng, địch bắn B41 vào trận địa của ta, đồng chí Thường ở mũi 3 bị thương nhẹ. Song các mũi khác bí mật tiếp cận địch cách từ 50-80m. Khoảng 4 giờ 30 phút, mũi của đồng chí Nguyễn Khắc Sánh đánh vào tốp địch khu vực gò đá bia, làm cho hỏa lực địch từ các hướng tập trung bắn vào mũi 1, địch bộc lộ toàn bộ lực lượng. Lệnh đồng loạt tấn công và tiêu diệt địch được phát ra, mũi 2 diệt ngay hỏa điểm ĐKZ và bộ phận bên phải đường 55, thu máy thông tin PRC25 và diệt luôn 8 tên địch tháo chạy, đẩy lùi địch về sau hơn 100m, ta chiếm được công sự của địch và dồn ép cho địch co cụm lại.

Tuy vậy, lực lượng địch còn đông, hỏa lực mạnh nên chúng chống trả quyết liệt. Đồng chí Nguyễn Khắc Sánh tổ chức tấn công địch bằng một đợt hỏa lực mạnh, bọn địch kêu la inh ỏi và bắn hốt hoảng, phần lớn hỏa lực của địch vượt quá tầm đội hình ta, ta thu nhiều vũ khí, khí tài, nhất là B40, B41, M79, đạn phóng lựu của địch. Lúc này đã vào 9 giờ, các mũi khác của ta vẫn truy kích bắn chặn và vận động bao vây địch. Thế của ta thuận lợi, địch phải co cụm, hỏa lực và binh lực của ta tiếp tục bắn vào đội hình địch.

Đồng chí Nguyễn Khắc Sánh ra lệnh tấn công, địch kêu la và bắn như đổ đạn lại các mũi của ta. Sau đó, tiếng súng của địch thưa dần, chúng bắt đầu rút chạy, toàn bộ lực lượng của ta truy kích tiêu diệt địch. Sau đó, đồng chí Nguyễn Khắc Sánh cho các mũi của ta quay lại thu vũ khí và làm chủ trận địa. Xác của 103 tên địch nằm còng queo trên cánh đồng Lương Phi và hàng trăm khẩu súng được các chiến sĩ của ta bó lại khiêng về vị trí tập kết an toàn. Cùng phối hợp với đồn ở hướng Ba Chúc, Lữ đoàn Đặc nhiệm 305 của ta diệt gần 100 tên của Sư đoàn 315 phía địch.

Trong trận đánh này, lực lượng địch đưa vào đây một trung đoàn để đánh chia cắt khu vực xã Ba Chúc và xã Lương Phi, huyện Bảy Núi, tỉnh An Giang, nhưng ý đồ của chúng bị ta đập tan. Sáng 18/6/1978, đoàn cán bộ của Huyện ủy, UBND, Mặt trận và các đoàn thể của huyện đã đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Vĩnh Lạc.

Báo cáo điển hình trận vận động tập kích ngày 17/6/1978 của Đồn CANDVT Vĩnh Lạc tại Thường trực Bộ Tư lệnh CANDVT phía Nam. Ảnh: Tư liệu

Báo cáo điển hình trận vận động tập kích ngày 17/6/1978 của Đồn CANDVT Vĩnh Lạc tại Thường trực Bộ Tư lệnh CANDVT phía Nam. Ảnh: Tư liệu

Trận đánh của cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Vĩnh Lạc cùng dân quân xã Lương Phi thể hiện lòng dũng cảm, thế chủ động, bất ngờ đánh chia cắt địch. Sau trận đánh này, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Trận đánh đã góp phần cùng Lữ đoàn Đặc nhiệm 305 làm tan rã sư đoàn tinh nhuệ của địch, không cho chúng kịp gây tội ác đối với nhân dân ta, bẻ gãy ý đồ xâm chiếm vùng Bảy Núi của địch. Dòng kênh Vĩnh Tế, mỏm đá bia, dãy núi Dài và trận thế vùng Bảy Núi đã ghi dấu về chiến công vẻ vang của Đồn CANDVT Vĩnh Lạc cùng quân và dân tại địa phương.

Chiến Khu

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tran-danh-vang-doi-cua-don-cong-an-nhan-dan-vu-trang-vinh-lac-post470523.html